Khốc liệt cuộc đua vận tải công nghệ

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Triển vọng sáng sủa của thị trường vận tải ứng dụng công nghệ tại Việt Nam khiến các quỹ đầu tư lớn đã quyết định rót vốn. Cuộc đua giành thị phần càng lúc càng khốc liệt khi có nhiều thương hiệu mới gia nhập thị trường. Liệu có cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt trong "sân chơi" này khi chính sách được khơi thông?

 Đang có sự cạnh tranh gay gắt để giành thị phần vận tải ứng dụng công nghệ. Nguồn: Internet
Đang có sự cạnh tranh gay gắt để giành thị phần vận tải ứng dụng công nghệ. Nguồn: Internet

Công ty công nghệ Logivan và CTCP FastGo là hai doanh nghiệp (DN) trong nước gần đây gia nhập thị trường vận tải ứng dụng công nghệ và bước đầu có chút thị phần ở Việt Nam nhờ vào lượng tài xế tham gia vào mạng lưới của họ đang gia tăng.

Rót vốn cho thương hiệu Việt

Logivan đang được mệnh danh là "Uber của xe tải" khi dùng giải pháp công nghệ giúp tối ưu chi phí trong vận tải hàng hóa đường bộ, kết nối cung – cầu chất lượng cao nhằm giảm chi phí logistics cho DN.

Còn FastGo là đơn vị cung cấp ứng dụng di động gọi xe chất lượng cao được phát triển bởi các kỹ sư công nghệ Việt Nam. Từ khi ra mắt tháng 6/2018, FastGo đạt tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ và được cho là đang đứng thứ hai về thị phần ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam với gần 15.000 đối tác xe ô tô và xe máy tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Theo chia sẻ của bà Phạm Thị Khánh Linh, người sáng lập công ty, mới đây, Logivan đã gọi được số vốn 1,75 triệu USD từ ba quỹ đầu tư là Ethos Partners, Insignia Venture Partners và VinaCapital Ventures.

VinaCapital Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm vừa ra mắt với quy mô 100 triệu USD của Quỹ đầu tư VinaCapital với ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.

Tại buổi họp báo công bố khoản rót vốn đầu tư đầu tiên của VinaCapital Ventures vào hai công ty vận tải ứng dụng công nghệ nêu trên, ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, lý giải rằng vì thấy được những triển vọng sáng sủa của họ trên thị trường này.

Trao đổi với phóng viên, ông Don Lam cho biết đây là hai DN nội có tầm nhìn với thị trường vận tải ứng dụng công nghệ. Trong vai trò góp vốn, VinaCapital luôn mong đưa hai thương hiệu vận tải bằng công nghệ Việt này ra thị trường nước ngoài, chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt là cần rót vốn vào việc phát triển công nghệ cho lĩnh vực kho vận như công ty Logivan đang làm để có thể giảm chi phí logistics đang là gánh nặng cho các DN Việt Nam.

Theo ông Don Lam, việc ứng dụng công nghệ cho vận tải trong logistics sẽ nâng được sức cạnh tranh cho các DN Việt, vì chi phí này đang cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong ASEAN. Đây là sự bất hợp lý nên cần phải dùng công nghệ để giúp DN Việt giảm chi phí đó xuống.

Được biết quy mô vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam năm ngoái đạt khoảng 9 tỷ USD với 1 tỷ tấn hàng hóa, trong đó phương tiện xe tải đạt số lượng hơn 1 triệu xe và tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đạt 9,5%. Trong khi đó, tại Việt Nam, 93% chủ sở hữu xe tải là cá nhân, nên 60-70% các chuyến xe tải chạy rỗng chiều về, gây lãng phí lớn.

Tiềm năng nhưng đầy thách thức

Những đặc điểm đó được các DN vận tải ứng dụng công nghệ xem là "mỏ vàng" để khai thác. Tuy nhiên, nhiều đánh giá từ giới chuyên gia cho rằng đây sẽ là cuộc đua tranh đầy khốc liệt giữa các DN, trong đó có các DN Việt mới bước vào "sân chơi" này.

Theo giới chuyên gia, những tưởng Grab "một mình một chợ" tại thị trường Việt sau khi thâu tóm Uber, tuy nhiên ngay sau đó là sự đồng loạt gia nhập thị trường của một loạt thương hiệu mới như FastGo, Go-Viet, T.net, Aber…

Ngoài ra, các hãng taxi, vận tải trong nước, như Mai Linh có Mai Linh Bike hay Phương Trang rót 2.200 tỷ đồng vào ứng dụng đặt xe cho khách hàng là Vivu và đổi tên thành Vato đang cho thấy thị trường này cực kỳ sôi động.

Và theo đánh giá, nếu thương hiệu nào giành được nhiều tài xế thì càng có cơ sở để gia tăng thị phần. Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO của FastGo, cho biết vẫn còn nhiều thách thức lẫn tiềm năng cho mô hình kinh tế chia sẻ của ứng dụng gọi xe ở Việt Nam. Thị trường này khá rộng lớn nhưng đặc thù, sẽ không có khách hàng trung thành với một ứng dụng hay một đối thủ duy nhất.

Trong bối cảnh với một thị trường đầy cạnh tranh như vậy, mới đây, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Trong đó, điều được dư luận quan tâm là việc quản lý loại hình vận tải ứng dụng công nghệ sẽ như thế nào trong thời gian tới, vốn đang còn có nhiều ý kiến trái chiều về hình thức kinh doanh của Grab và các hình thức tương tự.

Nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về bản Dự thảo mới đáng lưu tâm khi cho rằng đã có những nỗ lực nhất định để có thể quản lý được hoạt động này (dưới hình thức "hợp đồng vận tải điện tử"). Tuy nhiên, Dự thảo có những quy định có tính chất phân biệt đối xử giữa các đối tượng có hoàn cảnh/tính chất giống nhau.

Đơn cử như quy định "Chỉ các DN, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch mới được sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử".

Quy định này đồng nghĩa với việc hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh vận tải không được phép kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.