Khởi đầu một thời kỳ mới

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Chiếc chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nay Pyi Taw của Myanmar lúc trời mưa nặng hạt, xuyên qua những áng mây đen đang vần vũ. Lần đầu tiên tham dự một sự kiện đối ngoại với tư cách nhà báo, tôi cố chú ý quan sát xem có gì đặc biệt trong suốt chuyến bay. Ngoại trừ những lời rì rầm từ cánh nhà báo quanh chuyện biển Đông, bầu không khí trong khoang rất yên tĩnh và những nét mặt bình thản. Nhưng đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài.

 Khởi đầu một thời kỳ mới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 ở Myanmar. Nguồn: internet

Như một chiếc lò xo bị nén đến giới hạn, ngôn ngữ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bung ra hết sức mạnh của nó. Trước các nhà lãnh đạo ASEAN trong phiên họp toàn thể, Thủ tướng đã dùng những từ ngữ mạnh nhất để lên án hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Không còn những từ ngữ ngoại giao thông thường.

Không thể không sử dụng những từ mạnh như vậy, khi cùng lúc đó, hàng ngàn người dân đã đồng loạt xuống đường tuần hành khắp ba miền đất nước. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh giải thích: “Trước đây, chúng ta chỉ dùng từ “quan ngại”, thì nay đã phải dùng từ “đặc biệt quan ngại”.

Có lẽ cũng đã rất lâu rồi mới thấy một lãnh đạo cao cấp của Việt Nam dùng từ ngữ mạnh đến như vậy ở một hội nghị quốc tế. Khi Thủ tướng bắt đầu phát biểu, trong phòng báo chí, cánh phóng viên quốc tế nhất tề đứng dậy, mắt dán lên những màn hình ti vi không tiếng. Tôi hiểu, cả thế giới đang chú ý đến thông điệp này của Việt Nam. Đó là một cơ hội quá tốt, và đã được tận dụng triệt để, để thế giới biết và hiểu được điều gì đang thực sự xảy ra ở biển Đông.

“Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc”... “Song, lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Trước chuyến đi này, có lẽ ít người chú ý đến một chi tiết khá quan trọng. Trong công điện ngày 30/4 nhắc nhở toàn dân trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm ngày, Thủ tướng đã yêu cầu: “Các lực lượng chức năng đề cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, giám sát, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới, biển đảo. Bảo đảm an ninh, an toàn, hỗ trợ ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển”. Lời cảnh báo đưa ra hai ngày trước khi Trung Quốc bắt đầu kéo giàn khoan Hải Dương 981 được 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam, cho thấy Việt Nam không hề bất ngờ trước tình huống này.

Nhưng khu vực thì bất ngờ. Phó trưởng SOM ASEAN Việt Nam (đoàn quan chức cấp cao dự hội nghị ASEAN) Nguyễn Vũ Tú kể lại, trong tất cả các cuộc họp nhóm trước đó, hầu hết các nước đều rất ngạc nhiên về thời điểm hành động của Trung Quốc. Ngay trước đó, trong tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ đã có chuyến thăm tới bốn nước châu Á. Cũng trong tháng 4, các nước ASEAN và Trung Quốc đã họp về nhiều vấn đề, trong đó có kiểm điểm việc thực hiện tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), và bắt đầu tiến hành đàm phán thực chất về bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông (COC). Và cuối cùng, là họp cấp cao ASEAN ngày 11-5. “Vậy tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để làm chuyện đó. Mọi người đều bảo, họ làm thế là vỗ vào mặt mình à”, ông kể lại.

Song, để ra được tuyên bố riêng của các Bộ trưởng ASEAN về vấn đề biển Đông là những nỗ lực không mệt mỏi từ nhiều phía. Trước đó, đoàn Philippines còn đi thuyết phục các nước, nếu không đồng thuận được từ tất cả, thì chỉ cần chín thành viên ASEAN, hay ít hơn cũng được.

Trong hội nghị, chủ tọa Myanmar đã phải trực tiếp điểm danh từng thành viên xem ý kiến như thế nào. Không bộ trưởng nào phản đối. Báo chí Myanmar bình luận: “Với những vấn đề như biển Nam Trung Hoa (biển Đông), Myanmar không tệ như những gì chúng ta đã thấy ở Campuchia năm 2012, khi các thành viên ASEAN từ chối đưa ra tuyên bố chung do sự can thiệp của Trung Quốc”.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói với chúng tôi: “Trong vòng 20 năm qua, đây là lần đầu tiên có một tuyên bố riêng về tình hình biển Đông. Điều này thể hiện sự lo ngại của tất cả các nước ASEAN chứ không chỉ của các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, đến tình hình hòa bình và an ninh, tự do hàng hải”. Bản tuyên bố này sẽ được gửi cho Trung Quốc.

Người Việt Nam được hưởng hòa bình thực sự chưa lâu, xã hội gặp nhiều khó khăn. Liệu lần này thế nào?... Những dòng suy nghĩ cứ miên man, nhưng trong đầu tôi vẫn văng vẳng lời của Thủ tướng về những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi: “Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam”. Sự mềm dẻo đó cứ dẫn dắt những ý nghĩ của tôi về những đợt tuần hành của người dân, về những ngôn ngữ ngoại giao “chữ vàng và bạn tốt”, về nỗ lực thiết lập mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, về những nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng kinh tế khi tham gia các hiệp định thương mại, đăc biệt là TPP.

Giàn khoan vẫn sừng sững ngoài kia. Nó đánh dấu một cột mốc cho một giai đoạn khác, cho cả đất nước này, không trừ một ai. “Đồng lòng cùng Chính phủ chống quân bành trướng, bảo vệ tổ quốc”, đã có nhiều biểu ngữ theo tinh thần như vậy được giăng ra trong các dòng người đi tuần hành. Đó là lựa chọn tốt nhất, được chiêm nghiệm qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc này.