Khởi động đàm phán thương mại Anh - Mỹ: Thỏa thuận tham vọng

Theo Thái Anh/daibieunhandan.vn

Sau khi rời Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu năm, Vương quốc Anh bắt đầu tìm kiếm mối quan hệ thương mại tương lai có lợi với nhiều nền kinh tế lớn. Hôm qua, 5.5, xứ sở sương mù khởi động vòng đàm phán đầu tiên kéo dài 2 tuần về thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, một trong những đối tác quan trọng bậc nhất thế giới của nước này. Đây là động thái được đánh giá là nỗ lực tìm đòn bẩy tạo lợi thế trong các cuộc thương lượng với EU.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Cuộc đàm phán xuyên Đại Tây dương

Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Vương quốc Anh mới nhất diễn ra trong một hội nghị trực tuyến. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh, cả hai bên đều bày tỏ mong muốn tiến trình sẽ diễn ra nhanh nhất có thể, mang tính xây dựng. Nhân vật này nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn đạt được một thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng với đối tác thương mại lớn nhất của mình”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng mong đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, vốn có thể đem đến cho ông điểm cộng về chính sách kinh tế đối ngoại.

Theo lịch trình cụ thể, vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra giữa Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ngoài ra, số quan chức tham gia sự kiện trực tuyến quan trọng xuyên bờ Đại Tây dương này cũng lên tới 100 người mỗi bên. Các Bộ trưởng tin rằng, một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ có thể giúp thúc đẩy 15 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh vốn đang bị ảnh hưởng nặng bề bởi virus Corona. Tháng trước, giới truyền thông nước này từng lo ngại, đàm phán Anh - Mỹ có thể bị ngưng lại do dịch Covid-19.

Các vòng tiếp theo sẽ diễn ra khoảng 6 tuần một lần. Ở cấp độ chính thức, đoàn đàm phán Anh sẽ do ông Oliver Griffiths thuộc Bộ Thương mại Quốc tế Anh dẫn đầu, dưới sự giám sát của Cố vấn đàm phán thương mại chính của Vương quốc Anh Crawford Falconer. Trong khi đó, ông Daniel Mullaney, Trợ lý Đại diện thương mại Mỹ tại châu Âu và Trung Đông sẽ đứng đầu phía Mỹ. Những sự kiện trên sẽ tiếp tục được tiến hành từ xa cho tới khi dịch Covid-19 được đẩy lui.

Động thái khởi động đàm phán thương mại song phương giữa Anh và Mỹ diễn ra giữa bầu không khí ngày càng lạc quan rằng, cả hai có khả năng đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 vào cuối năm 2020. Vương quốc Anh đang trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit với Brussels cho đến 31.12 tới. Thủ tướng Anh đã nhiều lần khẳng định sẽ không đẩy lùi thời hạn trên, mặc dù tuyên bố khung thời gian để đạt được một thỏa thuận hậu Brexit quá chặt chẽ. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump từng hứa hẹn sẽ ký một thỏa thuận thương mại lớn với Vương quốc Anh sau khi ông Johnson giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12 năm ngoái. Theo ông chủ Nhà Trắng, đây là thỏa thuận lớn hơn và có khả năng sinh lợi cao hơn bất kỳ thỏa thuận nào của Anh với EU.

Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) sẽ bảo đảm cắt giảm thuế toàn diện, sâu rộng và đôi bên cùng có lợi, kể cả đối với những mặt hàng nhạy cảm của Anh. Từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ cho các doanh nghiệp Anh, đồng thời giảm giá và gia tăng lựa chọn cho người tiêu dùng.

Bất đồng mấu chốt

Từ lâu, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ là một trong những cơ hội lớn mà Anh có được khi rời EU, mang lại cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phê bình đồng thời cảnh báo, để đạt được thỏa thuận với xứ sở cờ hoa thì xứ sở sương mù sẽ phải chấp nhận các tiêu chuẩn môi trường và thực phẩm lỏng lẻo của Mỹ cũng như mở cửa dịch vụ y tế quốc gia NHS cho các công ty Mỹ. Đây chính là trở ngại mà Chính phủ Anh luôn bác bỏ. Thực tế, Tổng thống Donald Trump từng gây ra phản ứng dữ dội trong chuyến thăm cấp nhà nước năm ngoái khi ông đề nghị dịch vụ y tế có thể được đặt lên bàn đàm phán.

Ngoài ra, cả Mỹ và Anh hiện cũng có nhiều bất đồng như về mạng 5G và thuế đối với công nghệ số. Washington từng yêu cầu London chặn nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co Ltd vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hồi tháng 1, Chính phủ Anh vẫn tuyên bố cho phép Huawei tham gia hạn chế vào mạng lưới 5G của nước này. Bên cạnh đó, Anh còn thông báo sẽ tiến hành đánh thuế các đại gia công nghệ, chủ yếu là các công ty lớn của Mỹ.

Trước đây, nhiều nhà phân tích nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không dễ trao cho Thủ tướng Anh Johnson một thỏa thuận thương mại mà không có nhượng bộ lớn nào. Thậm chí, chính quyền Mỹ từng đe dọa sẽ đánh thuế đối với xuất khẩu ô tô nước ngoài, vốn sẽ có tác động rất lớn tới các hãng sản xuất xe của Anh như  Jaguar, Land Rover, Mini…

Tuy nhiên, không thể phủ định rằng, việc đạt được thỏa thuận với Mỹ sẽ có tác động lớn hơn với mức độ thương mại song phương hiện tại. Nếu tính riêng từng quốc gia trong năm 2018, Mỹ đứng đầu danh sách các đối tác thương mại của Anh, với tổng lưu lượng thương mại là 190,5 tỷ bảng Anh (tương đương 246,91 tỷ USD).

Nhiều người Anh hy vọng, thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ nếu thành hiện thực có thể tái định nghĩa thương mại thế giới, đồng thời kết nối các trung tâm tài chính ưu việt toàn cầu ở London và New York. Nó cũng giúp gây áp lực lớn cho nhóm đàm phán EU do ông Michel Barnier đứng đầu, vốn đang muốn Anh phải kéo dài thời gian chuyển tiếp Brexit.

Theo các quan chức kỳ cựu ủng hộ Brexit như cựu Bộ trưởng Owen Paterson, thỏa thuận thương mại song phương Anh - Mỹ sẽ giúp đất nước Big Bang trở thành "cửa hàng một cửa" (one stop shop) đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thỏa thuận khác.