Khối ngoại sẽ chùng xuống?

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Những phiên giao dịch gần đây, trái ngược với động thái bán ròng của nhà đầu tư (NĐT) trong nước, các NĐT nước ngoài (NĐTNN) vẫn miệt mài mua ròng với số lượng rất lớn. Tuy chiếm tỷ trọng không lớn nhưng đây lại là yếu tố quan trọng tác động tới tâm lý NĐT trên trị trường ở thời điểm hiện tại.

Khối ngoại sẽ chùng xuống?
NĐTNN vẫn miệt mài mua ròng với số lượng rất lớn. Nguồn: internet

Chiến lược “tâm lý”

Theo thống kê, trong quý I/2014, khối ngoại mua ròng đáng kể trong 2 tháng đầu và chuyển sang trạng thái bán ròng mạnh trong tháng còn lại. Điều này là dễ hiểu khi 2 tháng đầu năm thường là chu kỳ giải ngân mạnh của NĐTNN. Kèm theo đó là bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng ổn định và triển vọng phục hồi tốt trong dài hạn so với các nước trong khu vực.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn rẻ của khối ngoại. Các điều kiện về thế giới cũng vẫn thuận lợi cho Việt Nam khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cam kết giữ mặt bằng lãi suất thấp và Trung Quốc đã xoa dịu những lo ngại về rủi ro vỡ nợ, rủi ro thanh khoản bằng một số biện pháp cụ thể. Với những yếu tố thuận lợi này, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng 806 tỷ đồng trong quý I vừa qua.

Tương tự các năm trước đó, giao dịch của khối ngoại trong quý I vẫn chủ yếu xoay quanh các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn. Điều này được thể hiện rõ qua danh sách 10 mã được mua ròng và bán ròng nhiều nhất trong năm 2013. Tuy nhiên, điểm khác biệt là trong quý này, các cổ phiếu vốn hóa trung bình với yếu tố cơ bản tốt cũng đã được NĐTNN quan tâm hơn. Dù lượng mua ròng ở mức vừa phải nhưng động thái này cho thấy cơ hội dành cho các cổ phiếu này đã bắt đầu được mở rộng dần ra và có thể sẽ trở thành tâm điểm của thị trường trong dài hạn.
Mặc dù chưa thể đánh giá hết các tác động tâm lý từ sự kiện biển Đông, nhưng ở góc độ đầu tư giá trị thì mặt bằng giá hiện tại của cổ phiếu đã về mức rất hấp dẫn, đặc biệt là những cổ phiếu có cơ bản tốt và đang hết tỷ trọng nắm giữ của NĐTNN.

Sau khi bán ròng trong tháng 3, khối ngoại đã bất ngờ mua ròng trở lại hơn 1.750 tỷ đồng trong tháng 4. Tuy nhiên, khối ngoại thể hiện động thái mua ròng rõ ràng và dứt khoát nhất kể từ thời điểm đầu tháng 5. Trong khi các diễn biến tại biển Đông tiếp tục phức tạp ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý giao dịch của NĐT trong nước và tạo ra những đợt bán tháo ồ ạt thì nhóm ngoại lại là nhóm mua vào nhiều nhất. Xu hướng này càng thể hiện rõ nét hơn trong những phiên giảm sâu của thị trường.

Theo thống kê, nhiều thời điểm tỷ trọng mua ròng của họ lên tới gần 20% trên tổng giao dịch toàn thị trường. Đây là động thái mới của khối ngoại bởi những tháng trước, khi chỉ số suy yếu và bắt đầu giảm nhưng khối ngoại không hề có động thái mua vào mạnh, thậm chí họ tiếp tục tạo cung cho thị trường để đẩy giá xuống thấp hơn. Thế nhưng, với diễn biến mới về vấn đề biển Đông đã tạo ra lực bán thái quá và đưa mặt bằng giá rơi xuống rất mạnh và NĐTNN đã phải thay đổi chiến thuật.

Tái cơ cấu danh mục

Mức tăng trưởng ấn tượng của thị trường trong quý I cũng đã có công không nhỏ  của các ETF. Chẳng hạn, Market Vectors Vietnam ETF (VNM) đã liên tục phát hành thêm chứng chỉ quỹ mới trong quý I với con số ròng lên tới 3,65 triệu USD, tương đương giá trị giải ngân trên TTCK Việt Nam hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, quỹ ETF còn lại là FTSE Vietnam UCITS ETF (FTSE) lại ghi nhận những biến động khá mạnh về số lượng chứng chỉ quỹ. Nếu như trong 2 tháng đầu năm, số lượng ròng chứng chỉ quỹ phát hành thêm của FTSE đạt khoảng 1 triệu đơn vị thì trong tháng 3, trước ảnh hưởng của căng thẳng chính trị tại Ukraine và lo ngại giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, quỹ này cũng chịu áp lực thoái vốn khá mạnh của các NĐT, tương ứng mức giảm hơn 1,1 triệu chứng chỉ quỹ.

Tính chung cả quý I, FTSE ghi nhận mức giảm ròng khoảng 120.000 chứng chỉ  quỹ. Như vậy, nếu chỉ xét riêng các ETFs trong 3 tháng đầu năm 2014, VNM là nhân tố chính đóng góp tích cực cho đà tăng của TTCK.

Theo phân tích của công ty chứng khoán (CTCK) Vietcombank (VCBS) trong quý II/2014, nền tảng kinh tế thế giới nhiều khả năng không có sự khác biệt quá lớn so với cuối quý I, khi FED nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm dần quy mô gói kích thích kinh tế khổng lồ QE3 thêm 10 tỷ USD/tháng trong mỗi phiên họp hàng tháng; EU vẫn đang loay hoay trong giải quyết vấn đề nợ công và thất nghiệp; Nhật Bản đang đối mặt với khả năng giảm phát trở lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia của VCBS không đặt nhiều kỳ vọng vào lực nâng mạnh của dòng vốn ngoại trong quý II, như đã từng xảy ra trong quý trước. Nguyên nhân là trong thời gian thị trường tăng nóng vừa qua cũng là thời gian khối ngoại mua vào tương đối nhiều.

Do đó, trong quý II nhiều khả năng sẽ là lúc khối ngoại hoạt động kém sôi nổi và chủ yếu là tạo trạng thái cân bằng cũng như cơ cấu lại danh mục chuẩn bị cho các đợt sóng tiếp theo của thị trường. Theo đó, những cổ phiếu đầu ngành, có yếu tố cơ bản tốt vẫn sẽ là sự lựa chọn của các NĐTNN trong quý II này.

Theo CTCK Bảo Việt (BVSC) thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6 các quỹ ETF sẽ thực hiện công bố cơ cấu danh mục mới và các cổ phiếu chịu tác động của dòng tiền này sẽ thu hút sự quan tâm của NĐT trong nước. Với diễn biến thị trường hiện tại,  nhiều khả năng các cổ phiếu trong danh mục của VNM sẽ được tăng tỷ trọng. Tuy nhiên việc hút thêm vốn mới sẽ khó lặp lại như giai đoạn đầu năm 2014.