Không chấm dứt đầu cơ làm giá, thị trường bất động sản sẽ vẫn phát triển lệch lạc

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong thời gian gần đây, thông tin về các chương trình tín dụng dành cho bất động sản dồn dập xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này cho thấy sự quan tâm của các ngân hàng đối với thị trường bất động sản đang gia tăng trở lại, sau một thời gian dài thận trọng, hạn chế các khoản vay dành cho bất động sản. Nhưng nhiều ý kiến băn khoăn về tác động của hiện tượng này đối với người có nhu cầu mua nhà ở thực sự hiện nay.

Không chấm dứt đầu cơ làm giá, thị trường bất động sản sẽ vẫn phát triển lệch lạc
Thông tin về các chương trình tín dụng dành cho bất động sản dồn dập xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nguồn: internet
Chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng được Ngân hàng Xây dựng đưa ra gần đây đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi ai cũng muốn biết, chương trình sẽ tác động như thế nào đến thị trường bất động sản. Nhưng có thể thấy, chương trình tín dụng thương mại này không dành cho người mua nhà, mà là mối liên kết giữa ngân hàng – chủ đầu tư – nhà thầu và nhà cung cấp nguyên vật liệu xây dựng chủ yếu để bảo đảm tiến độ xây dựng, tăng niềm tin với người mua nhà. Nói cách khác, nó không hướng đến người mua nhà, những dự án đang dở dang, tồn kho sẽ khó tiếp cận gói tín dụng này. Đây chỉ là một chương trình tín dụng thông thường của các ngân hàng, tuy có hướng đến mục tiêu giảm tồn kho cho vật liệu xây dựng, tác động gián tiếp đến việc sử dụng vốn của các chủ đầu tư và nhà thầu.

 Đánh giá về các gói tín dụng cho bất động sản đang triển khai, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện chỉ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được thực hiện nhằm triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ là hướng đến người có nhu cầu nhà ở thực sự. Nếu các gói tín dụng không hướng đến nhóm nhà ở xã hội thì cần cân nhắc về tính phù hợp với điều kiện hiện nay cũng như việc có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản không?

Sự ra đời của chương trình tín dụng này khiến thị trường có ấn tượng: các ngân hàng đang quyết cứu bất động sản bằng mọi giá. Cùng với đó, nghiên cứu của Bộ Xây dựng cho rằng thị trường bất động sản lên xuống theo chu kỳ 7 năm, và chiếu theo đó thì giai đoạn 2014 - 2015 thị trường trở lại đỉnh giá. Vì vậy những người đầu cơ bất động sản và các chủ đầu tư đặt nhiều hy vọng cho đầu tư hôm nay. Thị trường chỉ mới có chút dấu hiệu tan băng, một số chủ đầu tư đã lập tức tăng giá chào bán khoảng 5 - 10%. Nói cách khác, nếu liên tục đổ vốn vào thị trường bất động sản như vậy, sẽ lại có những động thái làm giá khác trên thị trường.

Có thể thấy, nguồn cung bất động sản hiện chủ yếu dư thừa ở phân khúc trung và cao cấp. Nếu không hướng đến nhu cầu nhà ở thực sự của xã hội sẽ trở thành dồn vốn quá nhiều cho bất động sản. Mà hệ quả của tình trạng này đã được thấy rõ trong hai năm gần đây, khi tồn kho bất động sản tăng cao, giá giảm mạnh. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khi những vấn đề cũ chưa được giải quyết dứt điểm, việc dồn vốn cho bất động sản vào thời điểm này sẽ gây nguy cơ thừa cung, tăng nợ xấu trong lĩnh vực này.

Ngay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho người có thu nhập thấp đang giải ngân rất chậm, tính đến thời điểm này mới được khoảng 10%. Các ngân hàng thận trọng triển khai vì người có thu nhập thấp hầu như không thể trả được nợ. Bởi vậy, rất nhiều hồ sơ xin vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng đã bị treo. Điều này cũng khó trách các ngân hàng, vì giả thiết: một căn nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, ngân hàng cho vay 70% là 700 triệu. Với thời hạn vay 10 năm và lãi suất 5% như hiện nay, mỗi tháng người mua nhà phải trả gần 9 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với họ. Không chỉ ngân hàng e ngại người mua nhà không trả được nợ, căn hộ không bán được, mà chủ đầu tư cũng không mặn mà với hồ sơ mua nhà của người có thu nhập thấp.

Trước đây, đã từng có ý kiến phân tích, con số 30.000 tỷ đồng, thậm chí 50.000 tỷ đồng cũng chẳng thấm vào đâu so với lượng vốn thị trường bất động sản cần. Bởi dù lượng tồn kho bất động sản đã giảm khá nhiều, thì vẫn xấp xỉ 94.000 tỷ đồng. Và nếu cứ tập trung vốn vào thị trường này, mà không giải quyết được những điểm yếu căn bản là tình trạng đầu cơ làm giá, thiếu minh bạch, kém chuyên nghiệp... thì càng rót nhiều vốn, thị trường càng phát triển lệch lạc.