“Không để lãi suất tăng cao vì đó là sự đánh đổi đắt giá”

Huyền Châm

Chuyên gia cho rằng, giữ cho tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước và không nên để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỷ giá hối đoái.

Hội thảo Khơi thông vốn ra thị trường do báo Tuổi trẻ tổ chức chiều ngày 5/4 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: HC
Hội thảo Khơi thông vốn ra thị trường do báo Tuổi trẻ tổ chức chiều ngày 5/4 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: HC

Tín dụng bị tắc nghẽn

"Vì sao ra nông nỗi này? Xung quanh tín dụng hiện này là vấn đề gì? Vì sao doanh nghiệp lại dè dặt?" - Ông Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu loạt câu hỏi tại Hội thảo Khơi thông vốn ra thị trường do báo Tuổi trẻ tổ chức chiều ngày 5/4 tại TP. Hồ Chí Minh.

Chuyên gia ví von, việc tín dụng bị tắc nghẽn tương tự như câu chuyện "đi xe trên đường", tức là "đèn xanh đã bật nhưng xe không thể đi được". Trên thực tế, tín dụng được mở ra, lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp đã ở tình trạng quá khó khăn, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, có đến 73.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 24.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ba trụ cột của nền kinh tế gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, thì tiêu dùng trong quý I/2024 chỉ tăng 5,1%, trong khi cùng kỳ tăng 10,1%, chứng tỏ cầu tiêu dùng yếu.

"Vậy chúng ta phải đối mặt và giải quyết câu chuyện này thế nào?" TS. Phước nêu, thế giới đang phục hồi, thời điểm khó khăn nhất đã qua, xu hướng lạm phát đang đi xuống, kinh tế đang đi lên. Nhiều nghiên cứu cho rằng xu hướng lạm phát sẽ giảm cho đến năm 2028, mở ra triển vọng phục hồi cho nền kinh tế Việt Nam.

Khi lãi suất thấp xuống, doanh nghiệp vô cùng khó khăn, tiêu dùng giảm, nhiều nhà máy thiếu đơn hàng, công nhân giảm sút. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn trong hoạt động tín dụng, bao gồm cả người cho vay và đi vay.

Ông Phước nhắc tới câu chuyện xử lý tín dụng bằng biện pháp phi tín dụng, trong đó có xử lý ách tắc trong các thủ tục pháp lý ở thị trường bất động sản. Đây là đề xuất cũng được Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh nêu tại hội nghị với Thủ tướng Chính phủ mới đây.

Chuyên gia này đề cập, hiện nay, các ngân hàng cũng phải thừa nhận một điều, các vụ án Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC làm thị trường vốn chao đảo, khiến các ngân hàng phải xử lý bài toán thanh khoản, dự phòng.

Mặt bằng lãi suất phải xấp xỉ với lạm phát

Về vấn đề doanh nghiệp xuất nhập khẩu phản ánh lãi suất vay USD cần thấp hơn, chuyên gia này cho rằng, lãi suất VND đang thấp xuống, nên nếu có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán thì doanh nghiệp nên vay VND mua ngoại tệ sẽ hiệu quả hơn. Còn nếu doanh nghiệp cần vay ngoại tệ thì ngân hàng thương mại nên hoán đổi ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia, tạo nguồn ứng trước ngoại tệ với lãi suất vừa phải để hỗ trợ xuất khẩu.

Về tỷ giá, TS. Trương Văn Phước cho rằng, NHNN cần có tiếng nói để trấn an thị trường lúc này. Bởi, một quý mà để đồng nội tệ mất giá hơn 2% thì NHNN cần phải lên tiếng. Vì tỷ giá tăng ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó có niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.

“Chúng ta ám ảnh Fed nhưng Fed chỉ tác động nào đó đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của NHNN, nhưng tuyệt nhiên không để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỷ giá hối đoái, vì đó là sự đánh đổi đắt giá nhất”, TS. Trương Văn Phước chia sẻ.