Không ngừng lan tỏa hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng

Hạ Băng

Tăng năng suất, chất lượng sản phẩm có ý nghĩa sống còn với các doanh nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh giải pháp tổng thể để không ngừng lan tỏa hoạt động này thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: Internet
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: Internet

Tăng năng suất, chất lượng sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, thậm chí mang yếu tố sống còn với doanh nghiệp đã là điều không phải bàn cãi thêm.

Lý do bởi, năng suất lao động tăng thì làm giảm giá thành sản phẩm, đồng thời cũng giúp cải thiện chất lượng sản phẩm vì tiết kiệm được chi phí về tiền lương trên một đơn vị sản phẩm.

Nhiều năm qua, nhiều hỗ trợ của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp tạo lập các nền tảng quan trọng cho triển khai hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam.

“Trái ngọt” thu về là không ít doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Các chương trình cải tiến năng suất, chất lượng đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển của doanh nghiệp. Nhiều hệ thống quản lý như ISO 9001, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP và các công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Lean… đã dần quen thuộc với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhằm tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hoạt động này, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến…

Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng hàng năm tăng từ 10 - 15%.

Trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011 - 2020; có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh giải pháp tổng thể để không ngừng lan tỏa hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp.

Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất; tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, từng bước khẳng định thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.