Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Không ngừng nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Đức Bảo - Thu Lan

Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), cũng như kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, bên cạnh củng cố đội ngũ thanh tra viên, BHXH Việt Nam sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước.

BHXH Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố đội ngũ thanh tra ngày càng lớn mạnh theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
BHXH Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố đội ngũ thanh tra ngày càng lớn mạnh theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ban hành hơn 5.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Bên cạnh tích cực triển khai các nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; chi trả kịp thời các chế độ BHXH, BHYT cho các đối tượng thụ hưởng, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp trên toàn quốc để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia chính sách BHXH, BHYT.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 12/2023, cơ quan này đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 18.707 đơn vị. Tổng số tiền các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 1.504,1 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi kiểm tra là 909,8 tỷ đồng (bằng 60,5%).

Đáng chú ý, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan BHXH đã phát hiện 44.859 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu 132,6 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tổng số tiền 139,5 tỷ đồng do hưởng chế độ không đúng quy định, bằng 186% so với năm 2022.

Nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ của toàn ngành BHXH Việt Nam, đến hết năm 2023, số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% số phải thu.

Đóng góp vào kết quả chung của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian qua không thể không nhắc tới BHXH TP. Hà Nội với nhiều cách làm mới, sáng tạo trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2024, BHXH TP. Hà Nội phối hợp với các đơn vị tiến hành 496 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện không ít vi phạm… Điển hình như: BHXH TP. Hà Nội đã công bố Kết luận số 933/KL-BHXH ngày 5/3/2024 để yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại và Cơ khí CNC Việt Nam (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) khẩn trương khắc phục vi phạm về đóng, nộp BHXH, giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động... Hiện doanh nghiệp này đã nộp số tiền chậm đóng BHXH hơn 200 triệu đồng.

Hay tại Kết luận số 822/KL-BHXH ngày 26/2/2024 đối với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Sông Đà - UCRIN (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), BHXH TP. Hà Nội cũng chỉ rõ vi phạm và yêu cầu đơn vị chuyển ngay hơn 600 triệu đồng về tài khoản thu của cơ quan BHXH do không đóng BHXH trong một số tháng…

Không chỉ TP. Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng xác định việc thanh tra, kiểm tra là biện pháp then chốt nhằm đưa hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2023, cả nước tổ chức 115.791 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 179.415 đơn vị, doanh nghiệp, qua đó phát hiện, kiến nghị truy thu về các nguồn quỹ số tiền 23.790 tỷ đồng, do chậm đóng, nợ đóng BHXH...

Từ kết quả thanh tra, kiểm tra, ngành BHXH Việt Nam đã tham mưu ban hành hơn 5.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; gửi hơn 400 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan công an điều tra đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT nghiêm trọng.

Sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố

Phát huy kết quả đạt được trên, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.

Dự kiến, theo kế hoạch, trong năm nay, BHXH Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Bình Dương (18 đơn vị), TP. Hải Phòng (8 đơn vị), Bạc Liêu (6 đơn vị), Kon Tum (6 đơn vị), Hà Nam (8 đơn vị), Đắk Lắk (9 đơn vị), Đồng Tháp (6 đơn vị), Sóc Trăng (8 đơn vị), Quảng Bình (7 đơn vị), Tiền Giang (8 đơn vị).

Đồng thời, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra chuyên đề về thực hiện khám, chữa bệnh BHYT tại 8 tỉnh gồm: An Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Nghệ An, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa; tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam và một số công ty thành viên.

Với BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Việt Nam giao các địa phương tiến hành thanh tra chuyên ngành 6.964 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành 2.254 đơn vị.

Cùng với đó, các địa phương cần kiểm tra 5.026 đơn vị sử dụng lao động, 529 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và 516 tổ chức dịch vụ thu, dịch vụ chi trả BHXH, BHYT.

Các địa phương sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng BHXH nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh với 660 đơn vị; Hà Nội với 650 đơn vị; Phú Thọ với 200 đơn vị; Đồng Nai với 195 đơn vị; Nghệ An và Bình Dương cùng có số lượng 180 đơn vị.

Trong quá trình này, ngành BHXH Việt Nam sẽ sử dụng bộ tiêu chí nhận diện điện tử, gồm 121 dấu hiệu, qua đó đối chiếu, sàng lọc, phát hiện những chi tiết, số liệu có tính chất bất thường để xử lý theo quy định của pháp luật...

Xây dựng đội ngũ thanh tra viên ngày càng lớn mạnh

Triển khai kế hoạch trên, thời gian tới, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra một số đơn vị, doanh nghiệp cố tình lách luật nợ đóng BHXH, các khoản hỗ trợ cho người lao động.

Tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp tại nhiều địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố đội ngũ thanh tra ngày càng lớn mạnh theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Số liệu thống kê cho thấy, lực lượng thanh tra viên của ngành BHXH Việt Nam hiện có khoảng gần 600 người, hoạt động từ Trung ương đến cơ sở.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, trước khi công bố quyết định thanh tra, các địa phương đôn đốc, nhắc nhở người sử dụng lao động thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về lao động, BHXH với tinh thần lắng nghe và thấu hiểu.

Đồng thời, các cơ quan chức năng gỡ vướng bằng cách đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xử lý hành vi vi phạm về BHXH sao cho thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, làm căn cứ cho các bên liên quan triển khai. Đây cũng là giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, sự phát triển an toàn, ổn định của các nguồn quỹ an sinh.