Không phát triển nhà ở cao tầng tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh

Theo Duy Khánh/doanhnhansaigon.vn

Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025, trong đó ưu tiên phát triển nhà ở, chung cư cao tầng dọc trục giao thông lớn thay vì ở các quận trung tâm.

Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025. Nguồn: internet
Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025. Nguồn: internet

Theo đó, tại khu vực trung tâm (quận 1 và quận 3), Thành phố ưu tiên cải tạo, xây dựng thay thế các chung cư trước 1975, không phát triển nhà ở cao tầng đến năm 2020. Đồng thời tại quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại. Tại quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, ưu tiên xây dựng nhà ở, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông lớn.

Về vấn đề hạn chế phát triển nhà ở cao tầng tại quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh, hiện có 2 quan điểm trái chiều trong giới chuyên gia phát triển đô thị.

Theo đó, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng xây nhà cao tầng trong khu vực đô thị thì phải căn cứ vào quy hoạch chứ không phải căn cứ vào dự án. Mà trong quy hoạch thì quan trọng là phải căn cứ vào quy hoạch giao thông.

"Tôi thấy lạ là ở ta có tư duy đường này xây được nhà bao nhiêu tầng. Xây được nhà bao nhiêu tầng không quan trọng, mà quan trọng là mật độ xây dựng như thế nào. Bởi vì, nếu không xây cao được thì người ta sẽ phát triển tầng ngầm, và do đó mật độ dân số vẫn tăng nhanh. Làm sao xây nhà cao tầng phải theo quy hoạch, chứ đừng để một khu đô thị cao tầng mọc lên cạnh con đường nội đô nhỏ như ruột gà".

Ở góc nhìn khác, theo TS. Huỳnh Thế Du (Đại học Fullbright), nếu cấm xây thêm nhà cao tầng ở khu trung tâm là không hợp lý vì đang có xu hướng chuyển từ xe máy sang xe ô tô. Ông Huỳnh Thế Du dẫn ra kinh nghiệm từ nhiều thành phố trên các nước để minh chứng lập luận của mình là đúng. Chẳng hạn như Hong Kong có diện tích 2.754km2 nhưng chỉ phát triển đô thị trong giới hạn chưa tới 200km2.

Thành phố Seoul (Hàn Quốc) diện tích 605km2 nhưng phần phát triển đô thị của họ cũng rất nhỏ, Singapore có hơn 700km2 nhưng chỉ phát triển đô thị trong 250km2 mà thôi, Tokyo (Nhật Bản) 2.188km² cũng chỉ phát triển đô thị với diện tích không lớn. Diện tích phát triển đô thị của các thành phố nói trên khá nhỏ trong khi họ tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng.

"Nếu so với các thành phố vừa kể, TP. Hồ Chí Minh có diện tích phát triển đô thị rất lớn. Trong khi đó vận tải hành khách công cộng lạc quan lắm cũng chỉ chiếm 10%. Vị chuyên gia này nói thêm, khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh hiện nay mật độ nhà cao tầng vẫn chưa đủ và cần tiếp tục phát triển cao hơn nữa nhưng phải xem lại định hướng phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng.