Không vội vã
(Tài chính) Nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng trong nước là điều các ngân hàng trông đợi nhất trong năm 2014, dù vậy, bầu không khí dè dặt vẫn bao trùm.
Tại một cuộc họp có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) diễn ra cuối tháng 1 vừa qua, phần lớn ý kiến ủng hộ các quy định mới về nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room). Theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP Chính phủ ban hành đầu tháng 1, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nâng lên tối đa là 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng thay vì 15%.
Tuy nhiên, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không vượt quá 30% vốn điều lệ - như quy định hiện hành. Trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu cụ thể.
Trong một tháng trở lại đây, khối ngoại đã tăng cường giải ngân vào cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, room của các ngân hàng lớn như Ngoại thương (Vietcombank), Đầu tư và Phát triển (BIDV), Công thương (Vietinbank) vẫn còn khá nhiều. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã hết room vốn ngoại hoặc đã có nhà đầu tư chiến lược sở hữu 20% vốn. Chẳng hạn, BNP Paribas sở hữu 20% vốn điều lệ của OCB, Commonwealth Bank of Australia sở hữu 20% vốn điều lệ của VIB, HSBC sở hữu 20% vốn của Techcombank, Societe Generale sở hữu 20% vốn của SeABank, United Overseas Bank sở hữu 20% vốn của Southern Bank, BTMU sở hữu gần 20% vốn của VietinBank… Tất nhiên, trên thị trường, vẫn còn nhiều ngân hàng chưa có đối tác chiến lược nước ngoài.
Dù nhu cầu hút vốn ngoại là có thực song khó khăn cũng chất chồng, nhất là khi thông tin hoạt động của các ngân hàng chưa minh bạch, trong khi tỷ lệ sở hữu tối đa 20% được cho là chưa hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư ngoại từng cho rằng, sở hữu 20% vẫn là quá khó để có thể điều khiển một ngân hàng, không thể nắm quyền kiểm soát tại ngân hàng đó. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, nếu vội bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài, ngân hàng chưa hẳn đã có lợi một cách toàn diện. Bởi khi bán, quyền lợi thu về cho cổ đông sẽ cao hơn khi và chỉ khi giá trị nội tại của ngân hàng đã được nâng lên.
Vì vậy, củng cố và nâng cao nội lực trở thành yêu cầu trước hết đối với các tổ chức tín dụng khi có ý định thu hút thêm nguồn vốn từ cổ đông nước ngoài. Đây cũng là lựa chọn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Dù chưa có cổ đông ngoại, ngân hàng này vẫn mời tư vấn nước ngoài chuyên nghiệp để giúp thực hiện tái cơ cấu hiệu quả và nhanh chóng hơn. SCB muốn nâng cao giá trị nội tại để nâng giá cổ phiếu trước khi bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Cũng bởi, nếu bán trong lúc này, chắc chắn cổ đông trong nước sẽ bị thiệt vì giá cổ phiếu SCB đang giao dịch ở mức thấp. Lãnh đạo SCB khẳng định, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được nguyện vọng của cổ đông trong nước, cũng như đáp ứng được phần nào kỳ vọng của cổ đông sau những gì mà họ đã vất vả bỏ ra trong nhiều năm qua.