Khu vực tư nhân tăng trưởng mạnh nhất trong quý I
Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 diễn ra tại Hà Nội sáng nay 30-3, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, trong Quý I năm nay, khu vực tư nhân tăng trưởng mạnh nhất, khu vực nhà nước tăng trưởng chậm lại, và khu vực FDI tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như mọi năm.
Điều này cho thấy, những giải pháp của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh đang phát huy hiệu quả.
Bối cảnh kinh tế năm 2018 theo đánh giá của người đại diện Bộ KH-ĐT có nhiều điểm tích cực, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng 3,9%, mức tăng này ấn tượng vì đã lâu rồi kinh tế thế giới không tăng trưởng cao như vậy. Thương mại toàn cầu được dự báo cũng tăng nhanh nhờ tiến trình hội nhập mạnh mẽ, hiệp định CPTPP được ký kết giúp thúc đẩy hội nhập và thương mại quốc tế.
Một trong những khó khăn, thách thức của kinh tế 2018 là FED tăng lãi suất cơ bản, điều này khiến mặt bằng lãi suất tăng cao, gây sức ép tăng lãi suất trong nước. Xu hướng bảo hộ thương mại cũng tăng, trong khi có một số đối tác lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại. Xu hướng này tác động trực tiếp vì hiện nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng GDP cao trong 2 quý cuối năm trước, đồng thời Chính phủ đang thực hiện song song quá trình tái cấu trúc các lĩnh vực của nền kinh tế, việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2018 vẫn là một thách thức.
Tại hội nghị lần này, Bộ KH-ĐT đã công bố 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2018. Trong đó, kịch bản 1 nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao 6,7% theo nghị quyết Quốc hội đã đề ra; kịch bản 2 nền kinh tế sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng hơn, khoảng 6,8%.
Theo kịch bản 1, với mức tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38%, để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6,7%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đạt mức tăng 3,05%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,65%, khu vực dịch vụ tăng 7,39%, thu từ thuế sản phẩm trừ trợ cấp phải tăng 6,2%.
Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, mức tăng ấn tượng quý I năm nay là kết quả so sánh với một nền khá thấp của quý I năm 2017; trong khi các quý còn lại của năm 2017 có nhiều bứt phá, đạt mức cao nên kết quả tăng trưởng 3 quý còn lại của năm nay khó đạt như năm trước.
Bên cạnh đó, dự báo năm 2018 không có những nhân tố đột phá đóng góp cho tăng trưởng như: tăng trưởng đột phá của Samsung với sản phẩm Note 8 vào tháng 5-2017, hoặc nhà máy thép Formosa lần đầu đi vào sản xuất với quy mô lớn vào tháng 7-2107. Vì vậy, Bộ KH-ĐT nhấn mạnh đây là kịch bản phấn đấu và có thể đạt được, nhưng để đạt được mục tiêu các ngành cần kiên định các mục tiêu, giải pháp mà Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Đồng thời, cần có sự theo dõi chặt chẽ những diễn biến cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực và từng sản phẩm để có những giải pháp và đối sách phù hợp, tận dụng triệt để những thuận lợi phục vụ cho mục tiêu phát triển.
Kịch bản thứ 2 được Bộ KH-ĐT đưa ra là tăng GDP cả năm đạt 6,8%, trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ tăng trưởng 6,8%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,94%, dịch vụ tăng 7,39%, thu thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,2%. “Về cơ bản kịch bản tăng trưởng thứ 2 được xây dựng bám sát theo kịch bản 1, chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khá tốt. Trong đó, tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 0,29% điểm, riêng ngành công nghiệp tăng 0,35% điểm.
Đánh giá chung về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018, Bộ KH-ĐT cho rằng mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước có thể không được duy trì trong năm 2018. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai mọi giải pháp Chính phủ đã đề ra để đạt được mục tiêu tăng GDP 6,7%, nếu có bối cảnh thuận lợi phải thúc đẩy tăng cao hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý dù bối cảnh kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng các bộ, ngành không thể chủ quan. Các kịch bản kinh tế chỉ có thể đạt được mục tiêu khi các nhân tố tham gia vào kịch bản cũng đạt được mục tiêu đề ra. Dù có những tín hiệu kinh tế rất tích cực, nhưng không thể chủ quan. Bối cảnh 2018 có nhiều thuận lợi, quý I tăng trưởng cao so với cùng kỳ bởi do quý I (2017) tăng trưởng thấp. Nhưng trong hai quý cuối năm 2017 có sự tăng trưởng rất cao, nên dự báo 2 quý cuối năm nay khó tăng trưởng cao hơn so 2 quý cuối 2017. Trong điểm mới chỉ đạo Chính phủ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 đã yêu cầu các bộ ngành phải nắm chắc các nhân tố tăng trưởng, nắm được các khó khăn của DN để giải quyết.