Cải cách và tái cấu trúc: Cơ hội tăng trưởng kinh tế năm 2018
Năm 2018, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần kiên trì, nhất quán chính sách, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế một cách thực chất để nắm bắt tốt hơn xu thế phát triển mới.
Tại hội thảo về kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 25/1 tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô của CIEM đánh giá, năm 2017 là năm tương đối thành công của kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao hơn mức mục tiêu được đặt ra từ đầu năm.
Duy trì ổn định trong trung hạn
Về tình hình kinh tế thế giới, ông Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, theo chu kỳ 10 năm, kinh tế thế giới sẽ suy thoái. Vì vậy, cần duy trì sự ổn định trong trung hạn. Cũng theo ông Ngoạn, thị trường chứng khoán và bất động sản đang tăng trưởng nhanh nhưng phải cẩn trọng, đề phòng tác động từ các thị trường chứng khoán thế giới khi có điều chỉnh sâu.
Tình hình lãi suất và lạm phát trong năm 2018, một số chuyên gia tỏ ra lo lắng khi Chính phủ ra Nghị quyết giảm lãi suất nhưng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) lại chủ trương tăng lãi suất đồng USD. Điều này có thể dẫn đến áp lực giữ vững chỉ tiêu lạm phát. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết: Ngân hàng Nhà nước vừa tiến hành khảo sát lạm phát và hiện lạm phát vẫn ổn định dưới 3%. Việc tăng lạm phát 2 tháng đầu năm chỉ do tính mùa vụ, nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán tăng và giá điện tăng cuối tháng 12 vừa qua. Nhìn chung, tỷ giá sẽ ổn định nếu không có vấn đề bất thường; lãi suất không tăng nhưng giảm sẽ khó.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định: Những hiệp định thương mại tự do đã thực thi hay gần đây nhất là việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và sẽ mở ra cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của hàng hóa. Vấn đề đặt ra là phải làm sao tận dụng tối đa cơ hội này.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Trong bối cảnh trên, cơ hội nào để doanh nghiệp (DN) phát triển và Chính phủ cần làm gì để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng được các chuyên gia kinh tế, DN phân tích.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - khẳng định: Môi trường pháp lý an toàn, minh bạch là thứ DN đang cần. Tuy nhiên, bản thân DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ cũng phải tự lớn, thay đổi tư duy hoạt động… Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam phải “quốc tế hóa” DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Chính phủ tạo lập môi trường pháp lý an toàn và minh bạch.
Với thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng, thị trường đang phát triển theo hướng lệch pha cung - cầu, nghiêng về phân khúc cao cấp, trong khi phân khúc cho đối tượng có thu nhập trung bình, thấp còn hạn chế. Muốn thị trường bất động sản phát triển bền vững, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý.