Khủng hoảng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tác hại lên tăng trưởng kinh tế thế giới
Vấn đề liên quan đến nguồn cung đã đẩy lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và gây ra nhiều sức ép lên tiêu dùng người dân.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày một tệ hại hơn, tình trạng thiếu nguyên liệu phụ tùng và hàng hóa đang gây tổn hại đến các nhà sản xuất trên khắp thế giới.
Theo báo Wall Street Journal, các cú sốc về nguồn cung đang có dấu hiệu cản trở đà phục hồi kinh tế tại một số khu vực.
Một phần nguyên nhân của vấn đề chính là kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh tại nhiều khu vực khi họ đang thoát khỏi đại dịch, các biện pháp hạn chế đi lại.
Nhiều nhà máy và doanh nghiệp bán lẻ tại các nền kinh tế phương Tây đã không còn phải chịu các biện pháp phong tỏa, họ đang rất cần hàng hóa thành phẩm, nguyên liệu thô và linh kiện từ nhiều nhà cung cấp lâu năm tại châu Á và nhiều nơi khác.
Tuy nhiên nhiều nước tại châu Á lại vẫn đang trong tình trạng phong tỏa, chính vì vậy khả năng đáp ứng nhu cầu của họ bị hạn chế.
Trong khi đó, tình trạng thiếu thốn nguồn cung lao động mà có nguyên nhân chủ yếu từ việc người lao động rời khỏi thị trường việc làm trong đại dịch, đang khiến cho nhiều nhà sản xuất gặp khó khăn hơn nữa.
Tất cả các yếu tố này nhiều khả năng sẽ hạn chế sản lượng sản xuất sang đến năm sau và gây tổn hại đến ngành nghề mà cho đến gần đây đã đi đầu trong việc kéo kinh tế toàn cầu hồi phục.
Sản lượng công nghiệp thế giới đã vượt mức trước khủng hoảng vào đầu năm 2021 thế nhưng từ đó đến nay đã trì trệ, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kiel tại Đức. Gần đây, viện Kiel đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 5,9% từ mức 6,7% trước đó chủ yếu do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.
Vấn đề liên quan đến nguồn cung đã đẩy lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và gây ra nhiều sức ép lên tiêu dùng người dân. Lạm phát leo thang gây ra sức ép lớn lên các ngân hàng trung ương trên thế giới trong đó có Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) buộc họ phải thu hẹp bớt các chính sách kích cầu thời kỳ đại dịch COVID-19 và như vậy gây ra thêm cản trở với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hiện đã quá muộn để thu xếp hàng hóa cho mùa Giáng sinh bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị quá tải hạn chế khả năng cung cấp hàng hóa.
Ở tâm điểm của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu là Trung Quốc, cường quốc thương mại lớn nhất thế giới.
Tàu đến Trung Quốc lấy hàng thường phải chịu cách ly 1 tuần hoặc hơn trước khi được cho phép cập cảng. Hoạt động hải quan và dịch vụ cảng biến gián đoạn cũng khiến cho vận tải hàng hóa chậm trễ hơn.
Ngày một nhiều tàu đang chờ đợi bên ngoài các cảng Trung Quốc, sẽ càng tốn thời gian hơn nữa để hàng hóa từ Trung Quốc được chuyển ra nước ngoài; hàng điện tử, quần áo, đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc sẽ mất rất nhiều thời gian để đến tay người tiêu dùng.
Đầu năm nay, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Nam Mỹ đã tăng gấp hơn 5 lần so với thời kỳ thấp điểm trong đại dịch COVID-19 năm ngoái, theo UN. Chi phí vận tải hàng hóa trên tuyến Trung Quốc – Bắc Mỹ tăng hơn gấp đôi.
Bên ngoài Trung Quốc, nhiều nhà máy tại Malaysia cũng bị đóng cửa, hoạt động của nhiều doanh nghiệp cung cấp chip cho các hãng ô tô Đức gặp khó. Tình trạng phong tỏa tại Việt Nam gây ra nhiều vấn đề cho các nhà nhập khẩu Australia, theo các chuyên gia về chuỗi cung ứng.
Tại Indonesia, nhiều công ty khai mỏ đang cần thêm nhiều xe tải nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên chở các sản phẩm than đá và khoáng sán. Thế nhưng khi họ đặt hàng mua thêm xe tải mới, nhiều khả năng họ phải chờ đến 9 tháng. Các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng khiến cho hoạt động vận chuyển nhiên liệu và nguyên liệu trở nên khó khăn hơn và vì vậy vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng ở nơi khác càng khó giải quyết và tình trạng chuỗi cung ứng mắc kẹt càng trở nên tồi tệ hơn.