136 quốc gia đồng thuận áp thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Thay đổi bước ngoặt trên diễn ra sau khi một số thay đổi được đưa ra so với văn bản ban đầu, đặc biệt mức thuế toàn cầu 15% sẽ được áp dụng ở một thời điểm sau này.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào ngày thứ Sáu công bố có bước tiến mới đột phá liên quan đến thuế doanh nghiệp, kết quả này có thể coi như bước tiến lớn sau nhiều năm các bên bất đồng.
Theo CNBC, nhóm các nước công nghiệp phát triển đã đồng ý áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Đây có thể coi như thay đổi lớn với nhóm các nền kinh tế nhỏ ví như cộng hòa Ireland cho đến nay chủ yếu thu hút các doanh nghiệp nước ngoài thông qua thuế thấp.
“Thỏa thuận bước ngoặt được đồng thuận bởi 136 quốc gia chiếm hơn 90% GDP toàn cầu sẽ điều hướng hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ hơn 100 doanh nghiệp lớn và có lợi nhuận cao nhất hành tinh sang các nước khác trên thế giới nhằm đảm bảo các doanh nghiệp này đóng tỷ lệ thuế phù hợp với nơi mà họ hoạt động và có lợi nhuận”, tuyên bố của OECD nhấn mạnh.
Thay đổi bước ngoặt trên diễn ra sau khi một số thay đổi được đưa ra so với văn bản ban đầu, đặc biệt mức thuế toàn cầu 15% sẽ được áp dụng ở một thời điểm sau này, doanh nghiệp nhỏ sẽ không phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp mới.
Chính vì điều này mà Ireland, một nước với quan điểm phản đối mạnh mẽ tăng thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu, cuối cùng cũng đã chấp thuận kế hoạch. Hungary, nước cũng có quan điểm phản đối thuế thu nhập toàn cầu, cũng thay đổi quan điểm sau khi được trấn an rằng khoảng thời gian mức thuế mới áp dụng sẽ còn lâu.
Nhiều nước cũng sẽ phải bàn đến các vấn đề chi tiết để thỏa thuận có thể chính thức được áp dụng trên toàn cầu trong năm 2023.
Thỏa thuận có thể coi như thành tựu lớn nhất về đối thoại chính sách kinh tế trong nhiều thập kỷ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố.
Bà Yellen đồng thời khen ngợi nhiều quốc gia đã quyết định dừng lại cuộc chiến giảm thuế thu nhập xuống đáy đồng thời thể hiện hy vọng rằng Quốc hội sẽ sử dụng quy trình hợp tác nhằm nhanh chóng đưa thỏa thuận vào thực tế tại Mỹ.
“Việc lên được chính sách thuế quốc tế không đơn giản, tuy nhiên thông điệp mới nhất chính là người ta sẽ cảm thấy thế giới dễ kiếm việc làm, kiếm sống và khởi nghiệp hơn”, bà Yellen nhấn mạnh.
Thỏa thuận mới nhất đánh dấu cho thay đổi quan trọng về chính sách thuế bởi nó không chỉ áp thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu mà thậm chí còn buộc doanh nghiệp phải đóng thuế theo địa điểm mà họ hoạt động chứ không phải chỉ nơi mà họ đóng trụ sở chính.
Công thức tính thuế cho doanh nghiệp như thế nào sẽ còn tùy thuộc vào quá trình làm việc sắp tới giữa các quốc gia.
Khi được bầu làm Tổng thống Mỹ vào năm 2020, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rõ ràng rằng ông muốn tăng thuế với người giàu nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội tại Mỹ.