Khủng hoảng kinh tế Venezuela qua những con số

The Võ Quyền/nhadautu.vn

Sau khi dầu mỏ được phát hiện ở Venezuela đầu thế kỉ 20, nền kinh tế nước này phát triển nhanh chóng và dần trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Tuy nhiên, kinh tế nơi đây lại sụp đổ theo một cách không ai có thể ngờ tới được.

 
Khủng hoảng kinh tế Venezuela qua những con số - Ảnh 1

 Lượng dầu mỏ được khai thác cho tới năm 2016. Nguồn: CIA Factbook

Những năm sau Thế chiến thứ 2, khi mà các cường quốc đang vật lộn để hồi phục, thì Venezuela đã là đất nước giàu có thứ tư trên thế giới tính thep GDP đầu người, gấp đôi Chile, gấp bốn lần Nhật Bản và mười hai lần so với Trung Quốc.

Tuy nhiên sự giàu có này không tồn tại quá lâu, và việc phụ thuộc vào dầu mỏ lại đưa nền kinh tế Venezuela tới một kịch bản không ngờ tới.

Khủng hoảng kinh tế Venezuela qua những con số - Ảnh 2

Sa sút

Từ năm 1950 đến đầu những năm 1980, nền kinh tế nước này phát triển ổn định. Thậm chí cho tới 1982, Venezuela vẫn là một trong những nước giàu có nhất khu vực Mỹ Latin.

Chính phủ tận dụng nguồn dầu mỏ dường như vô tận nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Giao thông, giáo dục, chăm sóc y tế được chú trọng. Công nhân ở Venezuela được trả lương cao hàng đầu trong khu vực.

Giữa thập niên 80 của thế kỉ trước, nguồn cung dầu mỏ trên thế giới trở nên đa dạng hơn với những thế lực mới từ Trung Đông, giá dầu giảm mạnh, nền kinh tế Venezuela đi xuống một cách nhanh chóng.

Khủng hoảng kinh tế Venezuela qua những con số - Ảnh 3

Hiện tại, Venezuela là một trong những nước nghèo nhất Mỹ Latin. Khủng hoảng kinh tế cùng với bất ổn chính trị đang đẩy lùi hy vọng phục hồi nền kinh tế nơi đây.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa. Tổ chức này dự đoán GDP theo đầu người (PPP) của Venezuela sẽ giảm xuống còn 12.210 USD vào năm 2020, mức thấp nhất kể từ thời điểm cố Tổng thống Chavez nhậm chức.

Phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ

Theo số liệu tới từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), dầu mỏ hiện chiếm 95% lượng hàng xuất khẩu của Venezuela. Chỉ cần giá dầu biến động, nền kinh tế nước này sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khủng hoảng kinh tế Venezuela qua những con số - Ảnh 4

Sau cuộc khủng hoảng thừa nguồn cung dầu những năm 80, lợi nhuận từ dầu của Venezuela giảm xuống đáng kể, và cuộc chiến chống lạm phát bắt đầu. Lạm phát chạm đỉnh năm 1989 (84,5%) và sau đó là năm 1996 (99,9%). Thiếu nguồn ngoại tệ khi dầu mất giá, chính phủ bắt đầu phải in thêm tiền nhằm duy trì nền kinh tế.

Năm 1998, ông Hugo Chavez nhậm chức Tổng thống với mục tiêu xóa bỏ nghèo đói và khôi phục lại thời kì hoàng kim của đất nước. Kế hoạch của ông Chavez lại được thực hiện bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ. Kế hoạch ngay lập tức có hiệu quả khi giá dầu được phục hồi vào những năm 2000, nền kinh tế phần nào được phục hồi cho tới lúc ông Chavez mất năm 2013.

Ngay khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời, nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này nhanh chóng sụp đổ do thị trường dầu thô biến động mạnh. Lạm phát tăng theo cấp số nhân, đồng nội tệ Bolivar mất giá nhanh chóng, dự trữ ngoại hối lao dốc.

Đất nước này hiện đang thiếu hụt trầm trọng những nhu yếu phẩm thiết yếu như điện, lương thực và thuốc men. Bạo động leo thang trên khắp các nẻo đường thủ đô Caracas. Tuy nhiên chính quyền ông Nicolas Maduro lại chưa có một động thái xác đáng nào để cải thiện đời sống người dân.