Khủng hoảng, lợi thế cạnh tranh và bài học thừa

Theo SGTT

May Sài Gòn, công ty bánh kẹo ABC hay Thời trang Việt là ba doanh nghiệp nắm bắt thời cơ trong khủng hoảng để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, với chi phí thấp hơn nhiều so với dự toán cách đây hai năm của họ. Trước đây, Singapore Airlines cũng tận dụng cơ hội trong thời kỳ khủng hoảng 1997 – 1998 ở châu Á để mua thêm máy bay mới, nâng cấp trang, thiết bị để nâng chất lượng dịch vụ cung ứng.

Nhờ vậy, khi kinh tế hồi phục, thì hãng hàng không của đảo quốc Sư tử này có lợi thế cạnh tranh về chất lượng dịch vụ mà các hãng khác nếu muốn, phải cần thời gian để đầu tư, cũng như đào tạo, huấn luyện nhân lực.

Điều gì khiến các doanh nghiệp trên có thể đưa ra quyết định được cho là táo bạo như vậy khi môi trường làm ăn lúc đó rất xáo trộn? Trong buổi trò chuyện có tên “tạo lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ khủng hoảng” tổ chức giữa tháng 9/2012 với các doanh nhân, giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm (UBI) nhấn mạnh đến các luận đề cơ bản như lợi thế cạnh tranh, nhận diện khủng hoảng và cách nắm bắt cơ hội. Ai cũng nằm lòng câu nói: Mọi tình huống đều có cơ hội và thách thức và khủng hoảng là cơ hội lớn nếu biết nắm bắt. “Vậy thì dựa vào đâu để nắm bắt?”, ông Tôn Thất Nguyễn Thiêm, tác giả cuốn Thị trường, cạnh tranh và cơ cấu, hỏi như một cách tiếp cận.

Ba vấn đề cơ bản mà giáo sư Thiêm đưa ra, hầu hết, đều có câu trả lời trong các sách giáo khoa hay chương trình giảng dạy về kinh doanh. Song mấu chốt vấn đề, theo giáo sư Thiêm, người có thâm niên nghiên cứu và tư vấn về quản trị chiến lược, là cách vận dụng. Nếu khủng hoảng, hiểu theo nghĩa là những xáo trộn làm cho những hệ quy chiếu phổ cập trước đây mất tác dụng, khiến cho các tác nhân liên quan đến hệ quy chiếu cũ mất phương hướng, thì giải quyết khủng hoảng nghĩa là tạo ra hệ quy chiếu mới giúp các tác nhân trong hệ thống có định hướng. Hai năm gần đây, ở châu Âu, theo giáo sư Thiêm, xuất hiện dạng cửa hàng bán hàng thanh lý có tuổi đời tồn tại rất ngắn, từ hai đến ba tuần, đôi khi tám tuần. Nắm bắt tâm lý người dùng đang mất niềm tin, chủ các cửa hàng nào biết cách tạo cho người dùng cảm giác rằng họ đang là người tiêu dùng thông minh khi biết tận dụng cơ hội này để mua sắm với chi phí hợp lý, ắt thành công. Việc tạo cảm giác như vậy không chỉ trông chờ vào cách hô khẩu hiệu là đủ, mà còn phải biết kết hợp với các nhà sản xuất để cung ứng dịch vụ sửa chữa, bảo hành.

Nhắc lại thực tế Singapore Airlines hay cửa hàng bán hàng thanh lý vừa kể ra, giáo sư Thiêm nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp phải chủ động, tích cực trong tạo lợi thế cạnh tranh, bởi lợi thế cạnh tranh hàm chứa yếu tố động. Phương thức tiếp cận như vậy buộc doanh nghiệp phải xây dựng cho mình năng lực đổi mới và sáng tạo. “Doanh nghiệp nào xây dựng được năng lực như vậy sẽ biết cách thích ứng với sự thay đổi của môi trường, hoàn cảnh”, ông Thiêm nói. Và nếu làm được như vậy với tầm nhìn tốt, đặt mục tiêu đúng, có cơ cấu tổ chức thích hợp để xây dựng năng lực cạnh tranh, chắc hẳn buổi nói chuyện “tạo lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ khủng hoảng” sẽ phải tìm chủ đề khác.