Khủng hoảng năng lượng đã “lấy đi” của châu Âu trên 276 tỷ USD
Theo tính sơ bộ đến tháng 8/2022, khủng hoảng năng lượng đã lấy đi của châu Âu trên 276 tỷ USD.
Khủng hoảng năng lượng đã chạm ngưỡng thang độ 8/10
Theo trang tin trực tuyến Canada Visualcapitalist (VCC) số ra cuối tháng 9/2022, châu Âu đang cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhằm hạn chế tác động của việc tăng giá đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng càng cố gắng thì mức độ khủng hoảng lại càng tăng, nhất là trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine chưa đến hồi kết, khiến châu lục này “thiệt đơn thiệt kép”, ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Theo hãng phân tích năng lượng Rystad Energy của Na Uy, khủng hoảng năng lượng hiện tại “đáng sợ nhất xưa và nay”, được xếp trên thang độ 8/10 về về mức độ đáng sợ, trong đó có 4 quốc gia được xem là “cái rốn” của cuộc khủng hoảng là: Đức, Pháp, Na Uy và Nga. Theo VCC, chỉ tính sơ bộ đến tháng 8/2022, khủng hoảng năng lượng đã lấy đi của châu lục này trên 276 tỷ USD. Con số này là dùng cho mọi thứ, từ trợ cấp chi phí sinh hoạt đến quy định giá bán buôn và tài trợ cho các sáng kiến.
Theo Businessinside, trung tuần tháng 8/2022, một nguồn tin gây xôn xao thị trường năng lượng châu Âu khi giá điện giao năm 2023 được công bố tại một số quốc gia như: Pháp và Đức cao gấp khoảng 10 lần cách đây 1 năm. Còn tại Anh, Cơ quan quản lý năng lượng của chính phủ Ofgem cho biết, kể từ ngày 1/10, sẽ tăng giá trần điện và khí đốt lên từ 80%-100%, khiến mỗi hộ gia đình tại Anh trung bình sẽ phải chi gần 4.200 USD mỗi năm cho tiền năng lượng.
Tại Đức, kể từ đầu tháng 10/2022, mỗi hộ gia đình sẽ phải đóng thêm 2,4 cent cho mỗi KWh sử dụng khí đốt, tương đương với phải chi thêm khoảng 500 euro mỗi năm. Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt ngày 26/8 đã chạm ngưỡng 341 euro cho mỗi MWh, gần bằng mức kỷ lục 345 euro/MWh hồi tháng 3/2022, tăng 5,5 lần chỉ trong vòng 12 tháng qua.
Đối với các hộ gia đình châu Âu, khủng hoảng năng lượng thực tế đã quá rõ ràng, phản ánh qua hoá đơn điện, khí đốt tăng từ vài chục đến cả vài trăm %. Giá cả hàng hoá tiêu dùng cũng tăng do lạm phát, buộc người dân phải thực hiện một loạt các biện pháp để tiết kiệm năng lượng như: hạn chế sưởi ấm, hạn chế tiêu dùng điện… Tất cả những điều này càng trở nên phức tạp hơn khi châu Âu trải qua một mùa hè khắc nghiệt, hạn hán lớn nhất trong vòng 500 năm, khiến nhu cầu năng lượng ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Các con số trên là những ví dụ cho thấy, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang bước vào một giai đoạn đỉnh điểm và đáng ngại, khi giá của tất cả các loại năng lượng, từ khí đốt, điện cho đến xăng dầu đều đồng loạt tăng cao và ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống.
Về mặt vĩ mô, giá năng lượng tăng cao là yếu tố quan trọng nhất khiến lạm phát tại nhiều quốc gia châu Âu đang ở mức cao nhất trong 3-4 thập kỷ qua. Ví dụ, tại Anh, dự kiến lạm phát vào tháng 10/2022 sẽ lên tới 13%, trong khi tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), con số này đã dao động quanh mức 10%.
Những con số gây… giật mình
Hãng tư vấn Bruegel của Bỉ vừa công bố số liệu phản ánh chi tiêu cho các chính sách quốc gia, và trợ cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ở một số quốc gia châu Âu. Nói cách khác, đây là số tiền các quốc gia châu Âu đã chi ra để đối phó với khủng hoảng năng lượng trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 7/2022. Điều này thể hiện phần nào qua Bảng số liệu cập nhật Top 10 trong số 26 quốc gia châu Âu phải chi trợ cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng (đơn vị tính: tỷ USD).
Quốc gia |
Quỹ được chi ra để ứng phó |
Chiếm tỷ lệ % GDP |
Chi tiêu năng lượng hộ gia đình, (% bình quân) |
---|---|---|---|
Đức |
60,2 |
1,7% |
9,9% |
Ý |
49,5 |
2,8% |
10,3% |
Pháp |
44,7 |
1,8% |
8,5% |
Anh |
37,9 |
1,4% |
11,3% |
Tây Ban Nha |
27,3 |
2,3% |
8,9% |
Áo |
9,1 |
2,3% |
8,9% |
Ba Lan |
7,6 |
1,3% |
12,9% |
Hy Lạp |
6,8 |
3,7% |
9,9% |
Hà Lan |
6,2 |
0,7% |
8,6% |
CH Sec |
5,9 |
2,5% |
16,1% |
Nguồn: Bruegel, IMF
Hệ lụy từ cuộc khủng hoảng năng lượng
Chi tiêu năng lượng hộ gia đình dự báo tiếp tục tăng. Đức đang chi hơn 60 tỷ USD để đối phó với tình trạng tăng giá năng lượng. Các biện pháp chính bao gồm: trợ cấp năng lượng một lần trị giá 300 USD/người lao động, cùng với khoản tài trợ 147 triệu USD cho các gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên, chi phí năng lượng được dự báo sẽ tăng thêm 500 USD trong năm nay đối với các hộ gia đình. Tại Ý, người lao động và những người nghỉ hưu sẽ nhận được 200 USD cho chi phí sinh hoạt. Các biện pháp bổ sung, chẳng hạn như: tín dụng thuế cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng đã được đưa ra, bao gồm một quỹ 800 triệu USD cho lĩnh vực ô tô.
Dự báo hóa đơn năng lượng sẽ tăng gấp 3 lần trong mùa đông, các hộ gia đình ở Anh sẽ nhận được khoản trợ cấp 477 USD vào mùa đông để giúp trang trải chi phí điện. Đây là mức chi cao cho ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, nhưng Anh vẫn chưa sánh kịp Hy Lạp, quốc gia chi tiêu để đối phó với khủng hoảng năng lượng cao nhất, xấp xỉ 3,7% GDP.
Chi tiêu cho ứng phó với khủng hoảng năng lượng đang mở rộng sang các gói cứu trợ tiện ích khổng lồ. Ví dụ, Uniper, một công ty tiện ích (nơi cung cấp những tiện nghi cơ bản như: điện, nước, khí tự nhiên…) của Đức, đã nhận được 15 tỷ USD, với việc chính phủ mua lại 30% cổ phần của Công ty. Đây là một trong những gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử của Đức và kể từ khi gói cứu trợ ban đầu, Uniper đã yêu cầu thêm 4 tỷ USD tài trợ.
Theo đánh giá của giới phân tích năng lượng, chi phí nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ, vì chính khủng hoảng năng lượng đã chống lưng cho lạm phát tăng cao, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Để bù đắp tác động của giá khí đốt cao, các bộ trưởng châu Âu đang thảo luận về nhiều công cụ hơn nữa trong suốt tháng 9, để ứng phó với một cuộc khủng hoảng năng lượng đe dọa. Ví dụ như nhập khẩu khí đốt và giới hạn giá tạm thời đối với khí đốt dùng để sản xuất điện, đồng thời giới hạn giá năng lượng tái tạo và hạt nhân.
Đề cập về “tuổi thọ” của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, Giám đốc điều hành của Shell cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hiện có thể kéo dài suốt mùa đông năm nay, nếu không nói là vài năm nữa.