Khuyến công Thái Nguyên góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè

Hân Nguyễn

Sản phẩm chè là thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên, được đánh giá là có “thiên thời, địa lợi”. Song, để sản phẩm này có được giá trị cao như hiện nay là nhờ chủ trương phát triển đúng đắn cùng những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, của địa phương, trong đó có công tác khuyến công.

Sản phẩm chè Thái Nguyên có mặt tại Triển lãm Quốc tế trà tại Trung Quốc.
Sản phẩm chè Thái Nguyên có mặt tại Triển lãm Quốc tế trà tại Trung Quốc.

Củng cố thương hiệu "chè Thái Nguyên"

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn Tỉnh. Những hoạt động này góp phần giúp các cơ sở nâng cao năng lực sản xuất và giá trị sản phẩm chè của các địa phương.

Năm 2023, ngành Công Thương Thái Nguyên đã chỉ đạo xây dựng nhiều đề án chiến lược về chế biến nông sản; sản xuất cơ khí phục vụ công nghiệp nông thôn; chế biến lâm sản... Đồng thời, bám sát Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để làm cơ sở triển khai các hoạt động khuyến công.

Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần tăng giá trị của các loại nông, lâm sản. Các đề án đều tập trung phát triển những ngành nghề có lợi thế so sánh, kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ tiên tiến. 

Đặc biệt, chương trình khuyến công đã góp phần củng cố thương hiệu "chè Thái Nguyên". Thông qua việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến chè đầu tư máy móc, chương trình khuyến công đã giúp các đơn vị nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cũng như giá trị và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Có thể nói, Thái Nguyên có “thiên thời địa lợi” cho phát triển chè, tuy nhiên, độ phủ mạnh mẽ của chè Thái Nguyên như hiện nay là nhờ chủ trương phát triển đúng đắn cùng những chính sách hỗ trợ thiết thực, trong đó có công tác khuyến công. Nhiều đơn vị, hợp tác xã sản xuất, chế biến chè đã được chương trình khuyến công hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, giúp tăng năng suất, và đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Đồng thời, khuyến công Thái Nguyên còn hỗ trợ quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua công tác truyền thông trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương, Fanpage của Trung tâm Xúc tiến thương mại Tỉnh. Hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, giao thương trực tuyến và tạo kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

 

Năm 2023, Thái Nguyên có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia thì có tới 4/5 sản phẩm chè. Kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc năm 2024, Thái Nguyên có 9 sản phẩm được công nhận, trong đó cả 9 sản phẩm chè.

Thông qua việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư cho chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, chương trình khuyến công của tỉnh đã góp phần củng cố và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên. Nhiều sản phẩm chè của Thái Nguyên đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia, sản phẩm OCOP 5 sao…

Điển hình như Hợp tác xã Tâm Trà Thái (TP. Thái Nguyên), năm vừa qua, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ đơn vị này đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại. Nhờ đó, đơn vị đã đầu tư hệ thống máy hút chân không và máy đóng gói sản phẩm tự động phục vụ sản xuất với tổng trị giá trên 600 triệu đồng.

Với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn khuyến công vào đầu tư thiết bị tiên tiến, Hợp tác xã Tâm Trà Thái đã tăng được năng suất lao động và giảm chi phí. Hơn vậy, chất lượng sản phẩm chè của hợp tác xã đã nâng lên đáng kể, bảo quản được lâu hơn và giữ nguyên hương vị thơm ngon, đưa thương hiệu Tâm Trà Thái phát triển.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về kiến thức nền tảng, đổi mới công nghệ

Cùng với Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt của huyện Tân Cương cũng nhận được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công để mua sắm hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại vào quy trình sản xuất như máy xay chè, sao chè... Nhờ sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, đơn vị đã nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hơn so với trước đây, ngày càng đáp ứng được những nhu cầu khắt khe và sự cạnh tranh của thị trường.

Như vậy, các hoạt động khuyến công của tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất, chế biến chè. Tính đến nay, hầu hết các cơ sở chế biến chè trên địa bàn Tỉnh đã ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu đã dần được thay thế bằng thiết bị mới, bán công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh việc đầu tư cho khâu chế biến, hoạt động khuyến công cũng tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất trong khâu đóng gói, bảo quản, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Thái Nguyên đã được cải thiện một cách rõ rệt.

Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm chè Thái Nguyên luôn được Trung tâm chú trọng thực hiện. Để hoạt động này ngày càng đạt được hiệu quả cao, Trung tâm sẽ tiếp tục khảo sát các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến, kinh doanh chè; nghiên cứu thị trường để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp sát thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. 

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về kiến thức nền tảng, đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm tốt hơn, mục tiêu cuối cùng là tạo ra thu nhập tốt cho người dân và phát triển bền vững doanh nghiệp.