Tỉnh Đắk Nông:
Khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và xác định tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách để kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch.
Xúc tiến các hoạt động
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đăk Nông đã ban hành các chính sách, đề án, kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như Quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; Quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ dự án đầu tư ngoài ngân sách; Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng; Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn liền Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...
Cùng với việc ban hành những chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư, hàng năm tỉnh luôn rà soát, bổ sung danh mục các khu, điểm du lịch có tiềm năng để đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Tại các khu, điểm du lịch quan trọng, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch (đường, điện, cấp nước)...
Cùng với đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng với nhiều hình thức: phát hành đĩa DVD, xuất bản bản đồ dịch vụ du lịch Đắk Nông, các ấn phẩm du lịch, xây dựng panô quảng bá trên trục quốc lộ 14, xây dựng trang chuyên đề quảng bá du lịch trên các website của tỉnh...
Tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) để tăng cường mối quan hệ hợp tác, quảng bá xúc tiến du lịch, thúc đẩy du lịch các địa phương cùng phát triển. Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, tỉnh đã “xốc lại” hoạt động đầu tư du lịch bằng việc liên kết với một số địa phương, đơn vị để nghiên cứu, xây dựng đề án chiến lược nhằm đầu tư, khai thác du lịch một cách bài bản, khoa học và hiệu quả.
Gần đây, tỉnh đang có sự chuyển hướng trong quảng bá, xúc tiến các hoạt động thu hút đầu tư vào du lịch. Cụ thể, thay vì kêu gọi đầu tư vào các cụm, điểm đơn lẻ như trước đây, hiện nay, tỉnh đang chú trọng kêu gọi các công ty lữ hành, doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào chuỗi các sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên vào hoạt động du lịch sinh thái, lưu trú để tăng tính hấp dẫn sản phẩm du lịch đặc trưng.
Tỉnh Đắk Nông đã đồng ý để một số công ty lữ hành, đơn vị nghiên cứu từ Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội vào khảo sát các điểm du lịch, tuyến, tour và sản phẩm du lịch cụ thể. Tỉnh đang nỗ lực khôi phục và quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống như thổ cẩm, các làn điệu dân ca, dân vũ, món ăn truyền thống…
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông ưu tiên đầu tư, phục dựng tại các khu di tích văn hóa lịch sử như Di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo tại huyện Tuy Đức; Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV tại xã Nam Nung (Krông Nô)...
Hình thành những khu, điểm du lịch
Dưới sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông và sự nỗ lực của ngành Văn hóa, tốc độ phát triển du lịch tỉnh có bước chuyển rõ nét, thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng, chất lượng dịch vụ được cải thiện đáng kể, các loại hình dịch vụ - vui chơi giải trí được các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư phát triển.
Đắk Nông đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn vào khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Hiện có 9 dự án kinh doanh du lịch trên địa bàn Đắk Nông được tỉnh cấp chủ trương đầu tư: Khu du lịch - Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long (Krông Nô); Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Đắk G'lun (Tuy Đức); Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên (Đắk Song); Khu nghỉ dưỡng và Thiền hiểu về trái tim (Krông Nô); Dự án nâng cấp, cải tạo khu du lịch thác Trinh Nữ (Cư Jút); Dự án Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái Phước Sơn (Đắk R’lấp); Tu Viện Liễu Quán (Đắk Glong); Công viên vui chơi giải trí Gia Vỹ; Trang trại thiên nhiên hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái Yến Ngọc.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Nông, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có các dự án du lịch đã đi vào hoạt động, thu hút du khách gồm: Khu du lịch - di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long tại xã Đắk Sôr (Krông Nô); Khu Nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn tại xã Đắk Wer (Đắk R'lấp); Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên tại xã Nâm N'Jang (Đắk Song); Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Đắk Glun tại xã Quảng Tâm (Tuy Đức); Tu viện Liễu Quán thuộc Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng...
Trong giai đoạn 2016-2020, có khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu 180 tỷ đồng. Đến tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 cơ sở kinh doanh du lịch. Việc xuất hiện nhiều mô hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp đã làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Đắk Nông và được nhiều du khách biết đến.