Nhiều tiềm năng phát triển du lịch ở Nam Tây Nguyên

Theo Đức Hùng/Báo Đắk Nông

Hơn 26.000 ha rừng và đất rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Tuy Đức) đang được quản lý, bảo vệ và phát triển hiệu quả. Điều này đang mở ra nhiều tiềm năng thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái.

Dòng thác và cảnh vật hoang sơ trong khu rừng Nam Tây Nguyên là điểm đến tham quan hấp dẫn của du khách. Ảnh: ĐH
Dòng thác và cảnh vật hoang sơ trong khu rừng Nam Tây Nguyên là điểm đến tham quan hấp dẫn của du khách. Ảnh: ĐH

Những điểm đến thú vị

Dọc hai bên tuyến quốc lộ 14C (từ huyện Tuy Đức (Đắk Nông) tới huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) là những cánh rừng tự nhiên và rừng trồng xanh ngát. Những cánh rừng này đều do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý, bảo vệ.

Chỉ cần đi dọc tuyến đường này, mọi người được hít thở không khí trong lành của núi rừng, cảm nhận được giá trị của thiên nhiên hoang dã.

Trên lâm phần của Công ty còn có 300 ha rừng thông được trồng cách đây 13 năm tuổi. Rừng thông đã khép tán, tạo nên không gian dưới tán rừng rất đặc trưng. Dưới tán rừng thông còn xuất hiện một lớp thảm cỏ hồng đầy hấp dẫn.

Khu rừng trải dài dọc tuyến quốc lộ 14C như đang chờ đón các gia đình đến nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.

Cách đồi thông không xa là ngọn thác hoang sơ đậm chất Tây Nguyên. Thác tọa lạc tại tiểu khu 1477, thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý.

Thác có độ cao khoảng 50m, dòng chảy chia thành nhiều bậc nối tiếp nhau. Phía hai bên thác là cây rừng, cùng với dòng chảy quanh năm tạo ra khung cảnh ấn tượng với các thảm thực vật. Khung cảnh núi rừng, dòng thác hoang sơ đã tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng.

Hiện nay, Công ty đã hình thành tuyến đường tuần tra rừng dài hơn 80 km. Tuyến đường này có thể phục vụ du khách thực hiện các chuyến du lịch trải nghiệm. Du khách vừa trải nghiệm công việc tuần tra rừng, vừa khám phá thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành.

Chưa dừng lại ở đó, với những du khách thích khám phá, nghiên cứu, nơi đây hiện có 530 loài cây thuốc với 348 chi, 127 họ, 6 ngành. Các loài này có mặt khắp nơi từ khu rừng trồng, đến các khu rừng tự nhiên.

Tại đây còn có 20 loài cây dược liệu quý hiếm có tên trong "sách đỏ" Việt Nam và theo Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính Phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Ngoài ra, những quần thể cây, những cột mốc biên giới, cửa khẩu biên giới, khu rừng chăn nuôi, trồng các lâm sản phụ... đã được Công ty định hình, kết nối các khu vực này và sẵn sàng chào đón những nhà đầu tư.

Chờ đón các nhà đầu tư

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên hiện đang quản lý, bảo vệ hơn 26.000 ha rừng, trong đó, hơn 21.700 ha rừng tự nhiên, gần 1.000 ha rừng trồng… 

Nhờ công tác quản lý, bảo vệ tốt nên chất lượng rừng ngày càng được nâng cao, cảnh quan, môi trường, tài nguyên, động thực vật đa dạng, phong phú. Đồng bào các dân tộc tại địa phương còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo là những yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch, như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá rừng, du lịch nghỉ dưỡng, nghiên cứu...

Ông Nguyễn Ngọc Bình - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên chia sẻ, rừng tự nhiên, rừng trồng đều có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Thực tế quá trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đơn vị đã định hình ra những khu vực, những sản phẩm du lịch để đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, rất nhiều lâm sản phụ có thể trở thành sản phẩm quà tặng phục vụ du lịch trong tương lai.

Công ty đang liên kết, giao khoán với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, họ vẫn còn lưu giữ các nghi lễ truyền thống, các bài chiêng, các món ăn truyền thống... và từ đây có thể phát triển thành sản phẩm du lịch.

"Tiềm năng phát triển là rất lớn và công ty đang chờ đón các nhà đầu tư đến biến tiềm năng thành những sản phẩm du lịch đặc sắc", ông Bình chia sẻ.