Kích cầu đầu tư cần đi kèm giám sát
Các dự án xây dựng cơ bản, dự án thu hút nhiều lao động, hỗ trợ xuất khẩu... là những lĩnh vực cần được ưu tiên tăng cường đầu tư. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tác động đến nền kinh tế trong nước ngày càng sâu đậm và có nhiều diễn biến mới, Chính phủ đã thông tin sẽ đưa ra gói giải pháp kích cầu đầu tư lên tới 110.000 tỉ đồng (tương đương 6 tỉ USD).
Nên ưu tiên cho dự án quay nhanh vòng vốn
Một số ý kiến cho rằng Nhà nước cần tập trung vốn để hoàn thành các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi... đang dở dang nhằm tránh lãng phí. Điều này sẽ thúc đẩy việc hoàn thành các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản. Đồng thời tạo điều kiện để bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu thực hiện an sinh xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn chủ đầu tư những dự án trên là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã từng sử dụng vốn chệch mục tiêu, sử dụng vốn chưa hiệu quả, công trình triển khai không đúng thời gian quy định. Vì thế, trước khi quyết định rót tiền, kích cầu đầu tư lại đối với các dự án này, Chính phủ cần rà soát lại hiệu quả hoạt động của các đơn vị đang quản lý các dự án; kiểm tra giám sát thường xuyên việc sử dụng vốn Nhà nước.
Theo thạc sĩ Trần Văn Bích, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, Chính phủ nên dành tiền vào những dự án đồng vốn có thể quay vòng nhanh. Không phải cứ doanh nghiệp (DN) nào kêu khó là cứu DN đó. Đối với khối DN nhỏ và vừa, mặc dù không được hưởng lợi ích từ gói kích cầu trực tiếp 1 tỉ USD (khoảng 17.000 tỉ đồng) nhưng họ được hưởng gián tiếp khi Chính phủ kích cầu vào các ngành và đối tượng khác, tiêu dùng tăng lên, lãi suất giảm xuống, sản xuất sẽ được khơi thông, kích thích. Đó mới là lợi ích thiết thực nhất. Thạc sĩ Trần Văn Bích cho rằng hiện nay đối tượng bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nhiều nhất là các DN xuất khẩu. Vì vậy, bên cạnh chủ trương dãn, giảm thuế, hoãn nợ... Chính phủ cần có những ưu đãi riêng, ví dụ như cho vay vốn với lãi suất đặc biệt ưu đãi. Mặt khác, kích cầu đầu tư không chỉ dùng tiền mà còn phải tăng cường vai trò cầu nối, xúc tiến thương mại, mở mang các thị trường mới để DN “trú bão”, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững cho xuất khẩu.
Hỗ trợ các dự án thu hút nhiều lao động
Đồng tình với gói giải pháp chống suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư của Chính phủ, nhưng TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là làm sao thực hiện được mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Bởi trên thực tế, do khó khăn nên nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, sa thải công nhân, cho công nhân nghỉ luân phiên... Vì thế, cần phải bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bằng cách đẩy mạnh thực hiện các dự án thu hút nhiều lao động. Khi việc làm ổn định trở lại, thu nhập bảo đảm, họ sẽ tiêu dùng nhiều hàng hóa hơn. Khi đó, tự khắc việc sản xuất của DN sẽ trôi chảy.
Có quan điểm tương tự, TS Lê Vũ Nam, giảng viên ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng gói giải pháp kích cầu đầu tư cần ưu tiên hỗ trợ cho nhóm DN sản xuất, cần nhiều nhân công. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng Nhà nước không nên tập trung vốn vào một số dự án của một vài lĩnh vực. Việc bơm vốn cho đối tượng nào đều phải có tiêu chí cụ thể. DN thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi phải giải trình phương án sử dụng vốn khả thi và tiết kiệm. Đối với khu vực nông thôn, chú trọng đầu tư các dự án giao thông nối liền với thành thị để tiết giảm chi phí vận chuyển, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Việc bơm vốn cho các dự án ở nông thôn sẽ giải quyết được việc làm của những lao động có nguồn gốc từ nông thôn hiện đang bị các khu công nghiệp ở các TP lớn sa thải, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng DN đầu tư thiết bị để tăng năng lực sản xuất cũng cần được ưu tiên. Ngân hàng có thể cho DN vay vốn giá rẻ để cải tiến công nghệ, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm tạo lực đẩy tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho DN xuất khẩu về lãi suất, xúc tiến thương mại; khuyến khích DN sản xuất hàng hóa thay thế hàng hóa nhập khẩu nhằm hạn chế nhập siêu...