Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến đầu ra thị trường nói chung và nông sản nói riêng, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại của thị trường nội địa.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 5 tháng của năm 2020 đã giảm 3,9%, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm tới 8,6% (so với 5 tháng cùng kì năm 2019) tăng trưởng đạt 8,5%. Đây là một sự sụt giảm đáng lo ngại.

kich cau tieu dung noi dia thuc day tang truong kinh te
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa đã được triển khai liên tục sau giai đoạn hết giãn cách xã hội do dịch Covid-19

Để phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 nhằm phục hồi và đẩy mạnh phát triển đất nước. Từ chủ trương đó, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn này. Ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã xây dựng và thực hiện chương trình hành động, trong đó đưa ra hàng loạt biện pháp, giải pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, phát triển thương mại cho giai đoạn mới, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong đó, phải kể đến Chương trình Khuyến mại tập trung Quốc gia 2020 áp dụng trên địa bàn toàn quốc.

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương đầu tiên triển khai chương trình này. Theo đó, chương trình “60 ngày vàng khuyến mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” kéo dài từ ngày 1/6 đến ngày 30/7/2020. Khi tham gia chương trình, doanh nghiệp có thể tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại đa dạng với hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại lên tới 100%.

Chương trình khuyến mại tập trung TP. Hà Nội năm 2020 diễn ra vào tháng 6, 7 và tháng 11 với chủ đề “60 ngày vàng – rộn ràng mua sắm” với chuỗi sự kiện như: Tuần hàng Việt, Ngày vàng khuyến mại, phiên chợ Việt, hội chợ mỗi xã một sản phẩm... Trong tháng 7, chương trình sẽ tiếp tục kết hợp hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Trong đó, nổi bật là “Tuần doanh nghiệp tri ân người tiêu dùng” với 100 điểm bán hàng giảm giá, khuyến mại đã chính thức được triển khai.

Chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn các thành phố lớn. Bởi lẽ, với các doanh nghiệp, chương trình này rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai hoạt động khuyến mại sâu đến người tiêu dùng.

Ngày đầu tiên của chương trình khuyến mại tập trung tại một số trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, khá nhiều khách hàng đến mua sắm. Trong đó, hệ thống siêu thị Media Mart triển khai chương trình giảm giá 30% - 70%, hoàn tiền tới 10% cho hàng nghìn sản phẩm tivi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, đồ gia dụng... Hệ thống siêu thị điện máy Pico giảm giá tới 50% cho hàng loạt sản phẩm; đồng thời kết hợp sự kiện “Ngày vàng giá sốc” mua 1 tặng 1...

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhận định, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Vì thế, chương trình khuyến mại được kỳ vọng là đòn bẩy kích cầu mua sắm, từ đó kích thích sản xuất, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố năm 2020.

Cùng với các chương trình khuyến mại, các hội nghị kết nối cung cầu cũng liên tục diễn ra trong thời gian qua. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - khẳng định, đây là cơ hội để quảng bá nông sản thực phẩm không chỉ tại thị trường trong nước mà còn giới thiệu các sản phẩm tới hệ thống phân phối quốc tế, các tham tán, đại diện cơ quan ngoại giao ở nước ngoài. "Các hoạt động kết nối cung cầu góp phần đánh thức thị trường đã trầm lắng trong thời gian qua và sẽ là biện pháp hiệu quả nếu việc tổ chức được diễn ra liên tục thường xuyên và trên phạm vi rộng khắp cả nước", ông Vũ Bá Phú nói.

Cần những chính sách dài hơi

Khẳng định thị trường nội địa không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn do dịch Covid-19 mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ các "thượng đế" trong nước, nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng chất lượng cao và giá rẻ từ các nước tràn sang.

kich cau tieu dung noi dia thuc day tang truong kinh te
Đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đến tham quan và mua sản phẩm tại Tuần lễ trái cây, nông sản các tỉnh thành phố tại Hà Nội

Tuy nhiên, hiện kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện mới chiếm 25% thị phần bán lẻ; thị trường nông thôn còn trống vắng, kênh truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ tuy chiếm đến 75% thị phần bán lẻ nội địa song doanh số một số năm gần đây bị suy giảm từ 20 - 30%, hạ tầng của kênh thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức trong khi lại phải cạnh tranh một cách quyết liệt với kênh thương mại hiện đại của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Về lâu dài, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics, cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những thủ tục hành chính thành lập các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian. Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Ngoài sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà nước và các bộ ngành, các địa phương thì các doanh nghiệp bao gồm cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh, tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.

Liên quan đến công tác xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa, ông Vũ Bá Phú cho hay, hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước… phối hợp với từng vùng địa phương trên khắp cả nước để tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu theo chuyên đề của từng vùng miền nhằm mục đích đánh thức, khơi dậy sự quan tâm cũng như nhu cầu của người tiêu dùng trong nước tới sản vật của từng vùng miền đó.

Các hội nghị kết nối trực tuyến và trực tiếp cũng sẽ được diễn ra, qua đó có thể giới thiệu được nhiều hơn, hiệu quả hơn, phạm vi rộng lớn hơn đối với người tiêu dùng không chỉ trong nước và quốc tế. Cùng với hoạt động xúc tiến, những chương trình khuyến mại, thì việc tổ chức tốt hoạt động bán hàng, bảo đảm văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được đẩy mạnh thực hiện. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa thị trường nội địa thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế.

Ngày 2/6/2020, tại cuộc họp thường kì của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Phải lấy cung làm chủ đạo, đẩy mạnh cầu của nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân”.