Kiềm chế cho vay, tín dụng khó đạt mục tiêu

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế cuối năm tăng mạnh, nhiều ngân hàng lại không còn mở rộng cho vay do cạn room tín dụng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại trong thời gian gần đây.

Trên thực tế, thống kê mới nhất của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 7 chỉ đạt 7,46%, mức tăng thấp nhất so với 6 tháng đầu năm.
Trên thực tế, thống kê mới nhất của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 7 chỉ đạt 7,46%, mức tăng thấp nhất so với 6 tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tín dụng toàn nền kinh tế đến thời điểm 31/7 đạt 7.748.792 tỷ đồng, tăng 7,46%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên – vốn là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng kìm chế tín dụng

Đến nay đã có 9 ngân hàng được NHNN phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II gồm: Vietcombank, VIB, OCB, MB, TPBank, ACB, Techcombank, VPBank, MSB. Ngay từ tháng 6, một số ngân hàng trong nhóm này cho biết được NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay: VPBank nâng lên 16% thay vì 12%; Techcombank, ACB và MB được nâng từ 13% lên 17%. Do đó, theo tính toán sơ bộ thì tín dụng trong tháng 7 có thể cao hơn chút ít so với mức tăng trưởng những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, thống kê mới nhất của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 7 chỉ đạt 7,46%, mức tăng thấp nhất so với 6 tháng đầu năm. Điều này đã tạo ra sự bất ngờ cho thị trường.

Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu không tính Vietcombank thì 8 ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II có tổng dư nợ khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Nếu cả 8 ngân hàng này được nâng hạn mức tín dụng lên mức kỳ vọng thì số dư nợ tăng thêm so với hạn mức cũ là khoảng 46.000 tỷ đồng, tức chỉ khoảng 0,6% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào đạt chuẩn Basel II cũng đều có thể được xem xét nới room như mong đợi. Chẳng hạn, MSB đang trong lộ trình IPO, chưa chắc sẽ có ưu tiên “đặc biệt” cho tăng trưởng tín dụng.

Một số ngân hàng thương mại còn lại dù chưa đạt chuẩn Basel II cũng đã có tăng trưởng tín dụng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2019. Chẳng hạn như trường hợp của Sacombank có hạn mức tín dụng chỉ 7%, đã sử dụng gần hết 6% trong 3 tháng đầu năm nên cũng không còn mở rộng cho vay.

Ngoài ra, một số “ông lớn” như Agribank đã “hết room” tín dụng, nhưng do không tăng vốn đồng nghĩa không thể nới room, vì thế nếu cho vay “quá tay” sẽ vi phạm. Điều tương tự cũng diễn ra với VietinBank và Vietcombank.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đang chạy đua với thời gian để sớm “cầm được giấy thông hành” Basel II trong năm 2019. Mới đây, VietCapitalBank đã hoàn tất việc xây dựng và triển khai mô hình “Triển khai tính toán mức độ an toàn vốn theo Phương pháp của Basel II” và đã trình NHNN từ đầu quý III/2019.

Không chỉ ngân hàng nội, ngân hàng ngoại cũng đang tất bật tăng vốn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Thông tin mới từ Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết ngân hàng này đã hoàn tất việc tăng vốn cấp 2 với tổng giá trị 100 triệu USD (xấp xỉ 2.300 tỷ đồng) vào ngày 23/8/2019, nâng tổng vốn tự có lên gần 300 triệu USD (xấp xỉ 6.900 tỷ đồng). Đợt tăng vốn này sẽ giúp ngân hàng sẵn sàng áp dụng Basel II theo quy định của NHNN.

Nhiều ngân hàng đang kìm chế cho vay do cạn room tín dụng
Nhiều ngân hàng đang kìm chế cho vay do cạn room tín dụng
 

Tín dụng tăng 12 – 13%?

Theo dõi diễn biến thị trường và sức tăng trưởng của nền kinh tế trong nửa đầu năm nay, một số chuyên gia đã đưa ra dự báo về tăng trưởng tín dụng thấp hơn năm 2018, ở mức 12 – 13%.

Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phân tích: Với kịch bản tăng trưởng GDP thực 6,6 – 6,8% và lạm phát bình quân 3,5 – 4%, xấp xỉ mức tăng của năm 2018, cùng với quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nếu không có sự thay đổi đáng kể thì mức tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở mức 12 – 13%.

Về triển vọng nửa cuối năm 2019, công ty Chứng khoán BIDV cũng đánh giá tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ chỉ đạt 12 – 13%, chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (bất động sản, thép…), nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các ngân hàng vẫn sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận nhờ chênh lệch lãi suất cho vay và huy động toàn ngành giảm nhẹ do áp lực tăng từ lãi suất huy động, lãi suất cho vay ổn định. Các ngân hàng có lợi thế về nguồn tiền gửi không kỳ hạn giá rẻ cùng việc tập trung phát triển ngân hàng số sẽ có lợi nhuận tích cực.

TS. Bùi Quang Tín đánh giá: “Bản thân các tổ chức tín dụng cũng còn nhiều cửa tăng nguồn thu như tăng thu hồi xử lý nợ, hoàn nhập dự phòng, tăng thu dịch vụ, thu nhập chứng khoán, bán cổ phiếu quỹ… Do đó, bài toán kinh doanh của các ngân hàng cuối năm sẽ không phải là bất khả thi ở các mục tiêu cao”.