Kiểm soát, đôn đốc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 22/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển và vốn kinh phí sự nghiệp thuộc chương trình NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn thấp như của thị xã Điện Bàn đạt 26,8%; Nam Trà My 73,2%; Bắc Trà My 32,9%; Nam Giang 55,4%; Đông Giang 21,1%; Tây Giang 45,3%; Phước Sơn 54,6%.
Một trong những khó khăn trong giải ngân vốn được lãnh đạo các địa phương nêu ra là suất đầu tư tối đa quy định tại Quyết định số 1198 (ngày 11/4/2017) của UBND tỉnh Quảng Nam hiện không còn phù hợp vì giá vật liệu, vật tư, nhân công tăng cao nên phần tăng thêm ngoài suất đầu tư từ ngân sách trung ương, tỉnh theo Quyết định 1198 thì phần còn lại sẽ chuyển cho ngân sách xã, dẫn đến gây áp lực lớn cho cấp huyện, xã trong bố trí vốn đối ứng, dễ phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Nam cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn năm 2021 ở các địa phương kể trên còn thấp, chưa đảm bảo tiến độ, nhất là nguồn vốn sự nghiệp. Do tính chất một số nguồn vốn sự nghiệp (chương trình OCOP, liên kết chuỗi giá trị) theo quy định hỗ trợ sau đầu tư.
Năng lực quản lý, điều hành chương trình của các xã còn nhiều bất cập dẫn đến hạn chế trong việc lập phương án xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, kế hoạch thôn NTM chất lượng thấp phải sửa đổi và điều chỉnh nhiều lần… Phần lớn các công trình thuộc chương trình NTM có quy mô nhỏ, khối lượng không lớn nên nhà thầu ít tạm ứng, chờ hoàn thành công trình mới thanh toán một lần…
Về nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2020 toàn tỉnh Quảng Nam được bố trí hơn 565,4 tỷ đồng. Tính đến 31.1.2021 đã giải ngân hơn 431,8 tỷ đồng và chưa giải ngân hơn 133,5 tỷ đồng (trong đó nguồn ngân sách trung ương hơn 102 tỷ đồng, nguồn sự nghiệp ngân sách tỉnh hơn 31,4 tỷ đồng).
Trong hơn 102 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương chưa giải ngân năm 2020, được phép chuyển nguồn sang năm 2021 hơn 96 tỷ đồng và phải nộp trả theo quy định gần 6 tỷ đồng. Trong hơn 31,4 tỷ đồng vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh chưa giải ngân năm 2020, được phép chuyển nguồn sang năm 2021 hơn 4,9 tỷ đồng và phải nộp trả theo quy định hơn 26,5 tỷ đồng...
Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết, kết quả giải ngân thấp, kinh phí còn lại năm 2020 nhiều và phải chuyển nguồn sang năm 2021, tập trung chủ yếu ở dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nguyên nhân là UBND cấp huyện chậm phân bổ chi tiết nguồn vốn cho các ngành, đơn vị của huyện và UBND cấp xã; trong khi các ngành, UBND cấp xã chưa chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện rà soát trình UBND huyện phê duyệt thực hiện.
Ngoài ra, các địa phương chậm nộp trả nguồn kinh phí ngân sách được cấp thẩm quyền giao (trước 31/9/2020) theo quy định và đề xuất với UBND tỉnh bố trí lại để thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo năm 2021…
Không để mất vốn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho rằng, việc giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều vấn đề đáng lo ngại; tỷ lệ giải ngân một số nơi, một số chương trình không đồng đều, đặc biệt là vốn sự nghiệp. Trong khi thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, đặc biệt là mùa mưa bão đã bắt đầu, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp… sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thi công các công trình hạ tầng nông thôn.
Thời gian tới, các địa phương cần quán triệt các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả việc giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, cần rà soát, kiểm tra số liệu giải ngân, đồng thời đánh giá, bóc tách từng chương trình, công trình cụ thể để tính toán, phân công trách nhiệm, chạy đua thời gian triển khai thi công...
Ông Tuấn đề nghị, trên cơ sở đánh giá, lãnh đạo các huyện, thị phải chủ trì làm việc với các chủ đầu tư và các xã, phường, thị trấn, ban quản lý để đưa ra mốc thời gian thực hiện, tránh việc mất vốn do phải trả lại. Cần tăng cường trách nhiệm, đổi mới cách làm theo hướng giải ngân vốn phải thực chất, khả thi.
“Ngay bây giờ, các chủ đầu tư phải phối hợp tốt với nhà thầu thực hiện giải ngân theo từng giai đoạn ngắn. Lãnh đạo các huyện phải chỉ đạo sát sao, sớm thành lập tổ công tác để kiểm soát, đôn đốc giải ngân, thanh toán khối lượng trong đầu tư; tổ chức giao ban thường xuyên tại chân công trình với nhà thầu, chủ đầu tư… Bảo đảm tinh thần đến ngày 30/9/2021, tỷ lệ giải ngân ít nhất phải đạt 60%” - ông Tuấn nói.
Ông Trần Anh Tuấn yêu cầu, các huyện, thị xã nêu trên phải 2 tuần báo cáo 1 lần (lần báo cáo sớm nhất là trước ngày 30/9) để các sở, ban ngành liên quan nắm, theo dõi, cùng tháo gỡ vướng mắc từng danh mục dự án, công trình.
“Vấn đề giải ngân, ngoài trách nhiệm của chính quyền các địa phương, có trách nhiệm của các sở, ban ngành liên quan. Đối với những nguồn không có khả năng giải ngân thì chậm nhất không quá 5 ngày sau cuộc họp này phải báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam có kế hoạch hoán đổi, điều chuyển. Tương tự như vậy, ở cấp huyện thì các xã phải báo cáo để huyện tính toán hoán đổi, điều chuyển các đơn vị khác, tránh bị mất vốn” - ông Tuấn lưu ý.