Kiểm soát thông tin quy hoạch, chặn “sốt đất ảo”
Để ngăn chặn việc sốt đất ảo, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương phải xem xét chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; rà soát, đánh giá và xử lý các quy hoạch bị điều chỉnh sai quy định...
Lập lờ thông tin nguồn cơn dẫn đến những đợt sốt đất
Mặc dù trong hệ thống luật hiện hành đã có quy định khá cụ thể liên quan đến nội dung công bố, công khai quy hoạch như tại Luật Xây dựng 2014 đã quy định “công khai quy hoạch xây dựng”, hay Luật Đất đai năm 2013 quy định về “công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”, thế nhưng đến nay thực tế cho thấy việc thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến hiện tượng sốt nóng giá đất, đặc biệt là ở phân khúc đất nền.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Văn bản số 4832/BXD-QHKT, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2019 và Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị.
KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng việc lập lờ thông tin quy hoạch chính là một trong những nguồn cơn của các đợt “sốt đất ảo”, thậm chí còn có hiện tượng một số “nhóm lợi ích” chậm đưa thông tin về quy hoạch để đầu cơ, trục lợi khiến không ít quy hoạch vẫn ở “trên giấy” mà chưa đến được với người dân.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng một trong những “nguồn cơn” đáng kể nhất dẫn đến những đợt sốt đất vừa qua là việc người dân nói chung và các nhà đầu tư mới tham gia thị trường chưa nắm được thông tin về quy hoạch. Lợi dụng điều này một số đối tượng đầu cơ đã bắt tay với nhau, dùng nhiều chiêu trò để bơm thổi giá đất. Trong đó, việc đưa ra các thông tin lập lờ về quy hoạch hạ tầng hay dự án lớn là chiêu bài ưa thích và khá hiệu quả.
Điển hình những cơn sốt đất tại Long Thành (Đồng Nai), Hòa Lạc (Thạch Thất - Hà Nội), Hớn Quản (Bình Phước),… đều có bóng dáng của những thông tin “tranh tối tranh sáng” về quy hoạch. Và thông thường, khi thông tin về quy hoạch được công bố rõ ràng thì cũng là lúc mà các cơn sốt đất đi qua và để lại rất nhiều “hòn than” trong tay các nhà đầu tư.
Mới đây trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Kiểm toán Nhà nước đã gửi tới các đại biểu báo cáo chuyên đề về việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017 - 2020.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị ở một số địa phương đã bộc lộ nhiều sai phạm. Cụ thể, tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…, việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng còn chưa bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định. Hoặc ở TP. Hồ Chí Minh, thành phố đã chấp thuận đầu tư một số dự án phát triển nhà ở bao gồm loại hình văn phòng có nhân viên lưu trú (officetel) chưa đủ căn cứ pháp lý.
Tương tự, tại tỉnh Khánh Hòa cũng phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 trên phần diện tích đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Hoặc phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đối với các khu đất kinh doanh, dịch vụ thành đất ở không hình thành đơn vị ở chưa đúng quy định Luật Đất đai.
Cần xây dựng cổng thông tin quy hoạch xây dựng quốc gia
Để ngăn chặn việc sốt đất ảo, Bộ Xây dựng vừa ban hành Văn bản số 4832/BXD-QHKT, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2019 và Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị.
Cụ thể, Bộ Xây dựng yêu cầu đối với công tác quy hoạch xây dựng cần nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo việc thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với đó, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; rà soát, đánh giá và xử lý các quy hoạch bị điều chỉnh sai quy định; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực; hoàn thiện và thực hiện quy hoạch không gian ngầm, không gian trên cao.
Các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng cổng thông tin quy hoạch xây dựng quốc gia.
Đối với công tác phát triển đô thị, địa phương cần hoàn thiện các công cụ về quản lý phát triển đô thị và đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng đô thị; lập chương trình phát triển đô thị cấp tỉnh, chương trình phát triển đô thị từng đô thị, khu vực phát triển đô thị và ban quản lý dự án phát triển đô thị theo quy định.
Các địa phương cân đối nguồn lực, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị, đặc biệt chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng đường giao thông đô thị; bảo đảm sự kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong từng khu vực và toàn đô thị cũng như với các khu vực phụ cận…
Từng bước thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát quá trình phát triển đô thị theo các bộ chỉ tiêu về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt đối với khu vực đô thị mở rộng;
Tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong công tác phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng và xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương...