Kiếm tiền trên YouTube: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra


Nếu bạn vào được top 3 các kênh YouTube được xem nhiều nhất trên thế giới thì có thể sẽ có doanh thu quảng cáo khoảng 16.800 USD một năm. Con số này cao hơn một chút so với mức nghèo tại Mỹ là 12.140 USD cho một cá nhân và 16.460 USD cho một hộ gia đình hai người.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trang Bloomberg mới đây dẫn nguồn một nghiên cứu của Mathias Bärtl, một giáo sư tại Đại học Khoa học Ứng dụng Offenburg, Đức chia sẻ 96,5% số người cố gắng trở thành YouTuber không kiếm đủ tiền từ quảng cáo trên dịch vụ để vượt qua được mức nghèo ở Mỹ.

Theo đó, nếu bạn vào được top 3 các kênh YouTube được xem nhiều nhất trên thế giới thì có thể sẽ có doanh thu quảng cáo khoảng 16.800 USD một năm. Con số này cao hơn một chút so với mức nghèo tại Mỹ là 12.140 USD cho một cá nhân và 16.460 USD cho một hộ gia đình hai người. Top 3 kênh YouTube trong mẫu nghiên cứu của Bärtl thu hút về 1,4 triệu lượt xem video mỗi tháng.

Kiếm tiền trên YouTube: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra - Ảnh 1

Những đứa trẻ sinh từ năm 2005 trở lại đây đã lớn lên chứng kiến sự nổi tiếng của rất nhiều YouTuber cùng số tiền khủng mà họ kiếm được được phơi bày trên mặt báo. Theo một thống kê, một trong ba đứa trẻ Anh tuổi từ 6 đến 17 tham gia khảo sát cho biết mình muốn trở thành một YouTuber toàn thời gian. Tỷ lệ này cao gấp ba lần ước mơ trở thành bác sỹ hay y tá.

Tom Burns, người sáng lập Summer in the City, một hội thảo YouTube Anh thường niên, chia sẻ cháu anh muốn bỏ học đại học để trở thành một YouTuber toàn thời gian. “Tôi như phát điên, bởi tôi nghĩ, ‘Đó là điều ngu ngốc nhất mà cậu có thể nói ra,” anh chia sẻ. “Chẳng có gì chắc chắn cậu có thể làm điều đó như một công việc cả.”

Dĩ nhiên, mục đích cuối cùng là trở thành một siêu sao. Top 1 những người sáng tạo nội dung trên YouTube có thể mang về từ 2,2 triệu đến 41,2 triệu lượt xem video mỗi tháng trong năm 2016, nghiên cứu của Bärtl đề cập đến. Dù vậy, những người này còn kiếm được tiền từ các dự án phụ khác hoặc từ nguồn tài trợ, vì thế tính toán ra thu nhập của họ cực kì phức tạp.

Tỷ lệ chi trả trên lượt xem của YouTube trong khi đó khá mơ hồ với nhiều người và thay đổi theo thời gian, thế nhưng Bärtl tạm tính mỗi 1.000 lượt xem có thể mang về 1 USD. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ kiếm được 35 cents cho lượng view này và cũng có người kiếm được tới 5 USD.

Năm ngoái, một người phát ngôn của YouTube cho biết số kênh YouTube kiếm được thu nhập 6 số trở lên trên YouTube tăng tới 40% so với cùng kì năm trước. Thế nhưng những người cố gắng kiếm tiền trên dịch vụ này thì cho biết YouTube từ lâu đã bị phàn nàn về việc luôn cố gắng bảo vệ một nhóm các ngôi sao, nâng tầm họ đánh đổi bằng số đông những người dùng khác, theo Bloomberg.

Sự bất cân xứng đang ngày càng tệ hơn. Năm 2006, top 3 kênh YouTube hàng đầu kiếm chiếm 63% tổng lượt xem. Mười năm sau, cứ 10 lượt xem thì có 9 lượt xem thuộc về nhóm kênh này. Nhóm 85% kênh YouTube xếp dưới bắt đầu đăng video từ năm 2016 kiếm được nhiều nhất 458 lượt xem mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa với việc tiền phần lớn đổ vào túi một số lượng ít YouTuber hàng đầu.

Kiếm tiền trên YouTube: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra - Ảnh 2

Bắt đầu đăng video trên YouTube nhìn chung không yêu cầu bất kì điều gì đặc biệt. Theo lý thuyết, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại và kết nối Internet là đủ. Thế nhưng, các lớp học chuyên nghiệp và trại hè đã được mở ra. Trại hè YouTube ở Mỹ có thể có chi phí lên tới 569 USD. Mua các thiết bị giống như của Casey Neistat, một YouTuber nổi tiếng, cũng mất tới 3.780 USD.

Asher Benjamin, một sinh viên khoa học máy tính 19 tuổi tại Đại học Grand Canyon, đã đầu tư 460 USD mua máy ảnh và tripod cho kênh YouTube của mình, nơi cậu tải lên video hàng ngày.  Đến nay, Benjamin đã đăng hơn 150 video về những điều hàng ngày trong cuộc sống của mình. “Tôi không biết mọi thứ sẽ đi đến đây,” cậu chia sẻ. “Nhưng sẽ rất tuyệt nếu tôi có thể đi trên con đường mà nhiều người khác đã đi và biến nó thành một công việc, nhưng tôi phải đợi để xem đã.”

Benjamin dành một giờ mỗi ngày để chỉnh sửa video và vẫn hy vọng có thể biến nó thành “sự nghiệp” mặc dù cho những bất lợi đã được nghe. “Tôi nghĩ tôi sẽ tiếp tục tải video lên, chẳng có lý do gì tôi không biến nó thành một công việc được cả,” sinh viên 19 tuổi này nói. Mới đây, kênh YouTube của Benjamin có 100 người theo dõi, tăng lên từ con số 71 hồi năm ngoái.

Mọi thứ sẽ còn khó khăn với anh chàng sinh viên này thêm nữa khi YouTube mới đây công bố một kênh YouTube sẽ chỉ có thể kiếm được tiền từ quảng cáo trên YouTube khi có 1.000 người theo dõi và có 4.000 giờ video được xem trong năm trước đó.