Kiểm toán hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản: “Vá lỗ hổng” làm thất thu ngân sách

Theo Hà Nội mới

(Tài chính) Nguồn thu từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước (NSNN). Song trên thực tế, hoạt động khai thác TNKS còn rất nhiều vấn đề dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên và gây thất thu NSNN, đòi hỏi cơ quan quản lý, giám sát, trong đó có Kiểm toán Nhà nước (KTNN), tăng cường kiểm toán chuyên sâu lĩnh vực này để hạn chế những “lỗ hổng”.

 Kiểm toán hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản: “Vá lỗ hổng” làm thất thu ngân sách
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Nhiều sai phạm

Cấp phép khai thác trong khu vực cấm hoặc chưa có quy hoạch thăm dò khai thác; cho phép đầu tư nhiều dự án chế biến khoáng sản chưa có trong quy hoạch mà không có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; vi phạm việc chấp hành các quy chuẩn khai thác mỏ và cam kết bảo vệ môi trường… là những sai phạm phổ biến trong khai thác TNKS hiện nay.

Tại hội thảo "Tổ chức kiểm toán đối với hoạt động quản lý khai thác và kinh doanh TNKS" diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Lê Thế Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành, Thanh tra Chính phủ cho biết, sai phạm trong cấp phép khai thác TNKS chiếm tỷ lệ rất lớn. Có những địa phương, tỷ lệ cấp phép sai quy hoạch, cấp phép khai thác tại khu vực cấm chiếm 1/2 tổng số giấy phép đã cấp. Tại một số địa phương, công suất khai thác khi cấp lại hoặc gia hạn lớn hơn báo cáo đầu tư mỏ đã duyệt nhưng không lập báo cáo bổ sung, hoặc có báo cáo đầu tư nhưng thiếu những quy định như đánh giá tác động môi trường…

Vi phạm trong chấp hành quy chuẩn khai thác mỏ; cam kết bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác diễn ra khá phổ biến. Điển hình là 2 vụ sập mỏ đá tại Bản Vẽ (năm 2007) và Lèn Cờ (năm 2011) tại Nghệ An làm chết 36 người. Việc chuyển nhượng quyền khai thác mỏ không đúng quy định cũng làm thất thoát nguồn thu thuế chuyển nhượng của Nhà nước. Riêng Nghệ An có 127/205 điểm mỏ phải thuê đất của 121 doanh nghiệp (DN) nhưng chưa làm thủ tục thuê đất. Nhiều đơn vị chưa nộp đầy đủ cho Nhà nước các khoản thu như: Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Đối với các mỏ lớn, vi phạm về định mức vật tư, tỷ trọng, tỷ lệ bóc đất đá, tỷ lệ hao hụt... đã ảnh hưởng đến việc trích nộp NSNN.

Trong khi đó, hành lang pháp lý quản lý hoạt động khai thác TNKS hiện nay còn nhiều “lỗ hổng”.

Siết chặt quản lý

Kiểm toán hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh TNKS là một trong những lĩnh vực quan trọng, tác động trực tiếp tới sự phát triển KT-XH. Nhưng đến nay, việc kiểm toán lĩnh vực này chưa được triển khai hiệu quả. Ông Phan Trường Giang, Vụ Tổng hợp, KTNN cho biết, những năm gần đây hầu như chỉ ưu tiên kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất đai. Với lĩnh vực khai thác TNKS, KTNN chỉ thực hiện lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính tại những đơn vị có phát sinh hoạt động này như: Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay các địa phương có hoạt động hoặc liên quan như: Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… chưa thực hiện các cuộc kiểm toán độc lập, riêng biệt về khai thác TNKS.

Trước thực trạng đáng lo ngại trong lĩnh vực này, Quốc hội đã đưa nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác TNKS gắn với bảo vệ môi trường vào chương trình giám sát năm 2012. Một số cuộc kiểm toán chuyên đề như: Khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, quản lý, sử dụng đất của Trà Vinh và An Giang đã được KTNN thực hiện. Tại các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản của địa phương; kiểm toán báo cáo tài chính tại một số tổng công ty, tập đoàn, KTNN đã thực hiện lồng ghép nội dung kiểm toán hoạt động khai thác TNKS...

Theo các chuyên gia tài chính, căn cứ vào thông lệ và thực hành kiểm toán quốc tế, hoạt động quản lý, khai thác TNKS phải gắn chặt với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bốn nội dung quan trọng trong kế hoạch kiểm toán gồm: Xác định các nguy cơ về kinh tế, môi trường của hoạt động khai thác; xác định hành động của Chính phủ và các bên liên quan đối với các nguy cơ trong quản lý và khai thác; lựa chọn chủ đề, ưu tiên kiểm toán và cuối cùng là quyết định cách tiếp cận, phương pháp, phạm vi kiểm toán. KTNN hoạt động hiệu quả, đúng trọng điểm sẽ góp phần hạn chế tình trạng thất thu NSNN.