Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu Hải quan các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, chuyển khẩu; tập trung phát hiện, ngăn chặn và xử lí nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu. Mục đích, nhằm cơ bản chấm dứt tình trạng nhập lậu, buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh biên giới vào nội địa; đặc biệt ngăn chặn sự xâm nhiễm vi rút gia cầm (chủng cúm A – H7N9).
Buôn lậu gia cầm đã giảm, song vẫn tiềm ẩn với thủ đoạn tinh vi
Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện Quyết định số 2088/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, ngành Hải quan đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua cửa khẩu, trong đó đặc biệt tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng gia cầm và sản phẩm từ gia cầm. Nhờ vậy, tới nay, tình hình nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới về cơ bản đã được kiểm soát, bước đầu góp phần phục hồi và phát triển chăn nuôi gia cầm trong nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục Hải quan, do lợi nhuận từ việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm cao nên các đối tượng buôn lậu vẫn hoạt động dưới nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Một số đối tượng tuy đã cam kết không vi phạm pháp luật nhưng vẫn bí mật điều hành, thường xuyên thay đổi phương thức và thủ đoạn, hình thành các đường dây có tổ chức, chuyên chở gia cầm nhập lậu trên các phương tiện vận tải có sức chở lớn, thậm chí cả xe container.
Các đối tượng chủ yếu vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ các tỉnh biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hải Phòng,…
Thủ đoạn của các đối tượng thường là tập kết hàng phía bên kia biên giới, lợi dụng đêm tối, lúc vắng người để thuê người dân bản địa vận chuyển qua các đường mòn, lối mở biên giới, cánh gà cửa khẩu đưa vào các điểm tập kết gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, nhà dân hoặc trong rừng cất giấu, nuôi giữ tạm thời đến hợp thức hóa gia cầm nhập lậu. Sau đó, chờ có cơ hội, các đối tượng sẽ dùng ô tô vận chuyển về các chợ đầu mối, tiền hành giết mổ, chế biến đông lạnh để đưa vào nội địa tiêu thụ. Bên cạnh đó, các đối tượng còn dùng bè, mảng thả trôi theo các tuyến sông, trên biển sau đó chuyển sang phương tiện thủy để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Đáng lưu ý, gần đây, khi các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các tuyến vận chuyển từ Lạng Sơn và Quảng Ninh về Hà Nội, một số đối tượng ở Hải Dương, Bắc Ninh đã tổ chức vận chuyển gia cầm, con giống nhập lậu từ Cao Bằng vào nội địa. Chưa kể, gia cầm nhập lậu còn được đưa về Hải Phòng tập kết, sau đó đưa sang Thái Bình hoặc chuyển vào miền Trung để tiêu thụ.
Ngăn chặn xâm nhiễm vi rút cúm A H7N9
Trước thực trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm vẫn tiềm ẩn, để cơ bản chấm dứt tình trạng nhập lậu, buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh biên giới vào nội địa; đặc biệt ngăn chặn sự xâm nhiễm vi rút gia cầm (chủng cúm A – H7N9); thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cơ quan Hải quan các địa phương: Tiếp tục quán triệt thực hiện Quyết định số 2088/QĐ-TTg, Công điện số 487/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hải quan các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, chuyển khẩu; tập trung kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lí nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để xác định phương thức, thủ đoạn, đường dây, ổ nhóm, đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn hoạt động hải quan để chủ động xây dựng kế hoạch, đấu tranh có trọng điểm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu cơ quan Hải quan địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Quản lí thị trường, Biên phòng, Công an… để trao đổi thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ, xử lí vi phạm. Tổ chức quán triệt tới toàn bộ cán bộ, công chức trong đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, không bao che cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật sâu rộng đến từng người dân trên địa bàn quản lí về tác hại của việc buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm…