Kiến nghị nội dung bất cập trong phòng chống ma túy
(Tài chính) Trong buổi làm việc với Đoàn Giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuối tuần qua, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị một số nội dung bất cập trong việc tuân thủ pháp luật hình sự về phòng chống ma túy.
Bất cập từ văn bản pháp quy
Trong lĩnh vực kiểm soát phòng chống ma túy, do đặc thù của công tác này là khi Hải quan phát hiện lập biên bản bắt người phạm tội quả tang về hành vi vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới thì thực hiện việc bàn giao ngay đối tượng, tang vật, hồ sơ,… của đối tượng cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) - Công an TP. Hồ Chí Minh hoặc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) - Bộ Công an để thụ lý theo thẩm quyền. Trong 3 năm (từ 2011-2013), Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chuyển giao cho hai đơn vị trên 54 đối tượng phạm tội quả tang vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới.
Qua một thời gian dài thực hiện công tác xử lý các vụ việc vi phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và thực hiện việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trong công tác bảo vệ nội bộ, an ninh kinh tế, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác đã đạt được một số kết quả tốt, song bên cạnh đó cũng vẫn còn một số mặt vuớng mắc, thiếu sót cần khắc phục, hoàn thiện nhằm đạt được hiệu quả công tác tốt hơn.
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định số: 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 (Khoản 3, Điều 7 Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 trước đây của Chính phủ) có nêu: “Nhầm lẫn trong quá trình nhập khẩu, gửi hàng hóa vào Việt Nam nhưng đã được người gửi hàng, người nhận hoặc người đại diện hợp pháp thông báo bằng văn bản với cơ quan Hải quan, được thủ trưởng cơ quan Hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ chấp nhận trước thời điểm quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu là ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc bảng I trong công ước cấm vũ khí hóa học”. Qui định này làm hạn chế hiệu quả đấu tranh ngăn chặn của lực lượng kiểm soát chống buôn lậu đối với các hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo qui định của pháp luật Việt Nam.
Theo quy định, Chi cục trưởng, Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan; Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan có thẩm quyền tạm giữ người theo qui định pháp luật. Đồng thời, điều 20 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự qui định: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm qui định tại Điều 153 và Điều 154 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tạm giữ người theo qui định pháp luật phải bảo đảm các điều kiện như: Quản lý người bị tạm giữ (nơi tạm giữ); Kinh phí, chế độ ăn uống của người bị tạm giữ; Hồ sơ về công tác tạm giữ, cơ sở vật chất và nhân sự của đơn vị…cũng như việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trong quá trình thực tiễn vừa qua tại các đơn vi nghiệp vụ trực thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh có thẩm quyền xử lý theo qui định tại Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự thực tế chưa bao giờ áp dụng thực hiện mặc dù đã có qui định của pháp luật, hầu hết mọi trường hợp vi phạm đều chuyển về Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm để tham mưu cho lãnh đạo Cục trao đổi với cơ quan chức năng. Hạn chế này dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý các vụ việc vi phạm mà điển hình là việc xử lý hành vi vi phạm không khai báo ngoại tệ xảy ra tại cửa khẩu sân bay.
Ngoài ra, theo qui định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, cơ quan Hải quan được tiến hành các hoạt động điều tra theo thẩm quyền tại các điều 153 (Tội buôn lậu) và 154 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới), nhưng trong thực tế hiện nay tại đơn vị không có điều tra viên được bổ nhiệm theo qui định nên không tổ chức được lực lượng chuyên sâu làm công tác này; Chưa có cơ chế tuyển chọn, đào tạo điều tra viên cho lực lượng Hải quan mà chỉ có ba ngành là Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát. Vì vậy, khi có phát hiện và xảy ra các vụ việc vi phạm lớn, qui mô, phức tạp…thì công tác điều tra thường chậm, chất lượng điều tra thấp, bí mật nghiệp vụ dễ bị lộ, dễ dẫn tới sai sót, vi phạm pháp luật.
Trong công tác phòng chống ma túy, Nghị định số 27/2011/NĐ-CP ngày 9/4/2011 của Chính phủ về cung cấp, khai thác, xử lý, sử dụng thông tin về hành khách trước khi xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có các thông tư, văn bản hướng dẫn. Các đại lý vận tải hàng không vẫn chưa triển khai thực hiện, gây khó khăn cho Hải quan trong công tác kiểm soát ma túy qua cửa khẩu.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng
Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về công tác phối hợp quản lý giữa các ngành chức năng về công tác quản lý tiền chất xuất nhập khẩu.
Do đặc thù trong công tác kiểm soát phòng, chống ma túy tại địa bàn sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sau khi kiểm tra đối tượng xuất nhập cảnh và hành lý xuất nhập khẩu của đối tượng không phát hiện được ma túy, nhưng thời gian chuyến bay đã trễ giờ cất cánh, một số hãng hàng không yêu cầu khách phải mua vé lại cho chuyến bay ngày hôm sau hoặc ngày hôm sau mới có chuyến bay xuất nhập cảnh thì trong trường hợp này đơn vị Hải quan chủ trì kiểm tra phải trả chi phí ăn, nghỉ lại tại khách sạn, cả chi phí trả tiền vé máy bay cho khách (đối với một số Hãng hàng không yêu cầu khách phải mua lại vé) do vậy đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét có văn bản quy định chế độ thanh toán nhanh các chí phí trên (khi có vụ việc xảy ra).
Cần tạo cơ sở hành lang pháp lý rõ ràng và có những chính sách thỏa đáng đối với công chức Hải quan làm công tác phòng, chống ma túy như có kinh phí bồi thường thiệt hại do khách quan gây ra khi thực hiện công vụ, tăng phụ cấp cho công chức làm công tác này, hỗ trợ nguồn kinh phí để đảm bảo cho công tác kiểm soát phòng, chống tội phạm ma túy.
Cần có kết nối mạng cơ sở dữ liệu tội phạm ma túy giữa lực lượng Hải quan kiểm soát ma túy với lực lượng Công an để nắm tình hình, thu thập thông tin phục vụ yêu cầu công tác kiểm soát ma túy; nối mạng cơ sở dữ liệu quản lý tiền chất giữa Hải quan và Bộ Công Thương, Bộ Công an và Bộ Y tế để theo dõi, quản lý tình hình xuất nhập khẩu tiền chất. Thiết lập hệ thống thông tin và quy chế trao đổi thông tin giữa các lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm về ma túy. Xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu về ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tội phạm về ma túy để tạo điều kiện cho các lực lượng tra cứu kịp thời.
Các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa công tác quản lý tiền chất đầu ra (khâu sản xuất và tiêu thụ). Hiện nay đầu ra còn bỏ ngỏ, nhiều lỗ hổng, dễ bị đối tượng lợi dụng. Xây dựng phần mềm Quản lý rủi ro về tiền chất để các Chi cục Hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục, sớm phát hiện và có kế hoạch kiểm soát ngay các loại tiền chất xuất nhập khẩu.
Mặt khác, phối hợp với Hải quan các nước nắm thông tin các lô hàng tiền chất hoặc tân dược có chứa thành phần chất gây nghiện, hướng thần xuất khẩu sang Việt Nam để kiểm soát kịp thời từ khi nhập khẩu, tránh thất thoát...