Kim ngạch xuất nhập khẩu: Hướng tới 500 tỷ USD
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với các cơ quan báo chí về mục tiêu xuất nhập khẩu (XNK) trong 2 năm tới trên cơ sở nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới XNK bền vững.
Trong những năm qua, kim ngạch XNK của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ. Nếu năm 2001, tổng kim ngạch XNK mới chỉ ở con số khiêm tốn là 30 tỷ USD, sau 6 năm (năm 2007), tổng kim ngạch XNK cả nước đã đạt 100 tỷ USD, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đến năm 2011, quy mô XNK đã tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD.
Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian sau 4 năm (năm 2015). Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 2 năm tiếp theo (giữa tháng 12/2017), tổng kim ngạch XNK đã chinh phục mức trên 400 tỷ USD. Kết quả này chính là dấu mốc ghi nhận nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cùng sự chia sẻ, hợp tác và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, XNK vẫn tồn tại một số yếu tố kém bền vững như tăng trưởng XK, xuất siêu chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp ước ngoài (FDI); Hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm XK còn thấp và lợi thế của hàng hóa nước ta chủ yếu vẫn nhờ nhân công giá rẻ; Chưa nhiều sản phẩm XK xây dựng được thương hiệu mạnh…
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao, mục tiêu đưa kim ngạch XNK nước ta đạt 500 tỷ USD trong 2 năm tới là không đơn giản. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để đạt con số này, điểm mấu chốt là cần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng, tham gia ngày càng có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng không chỉ tái cơ cấu doanh nghiệp, ngành hàng, mà còn phải đổi mới từng nhiệm vụ cụ thể trong quản lý nhà nước. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chú trọng nghiên cứu thông tin thị trường, phổ biến cho doanh nghiệp các yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể cho từng ngành hàng XK, những thay đổi về chính sách của đối tác, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tác.
Đặc biệt, tiếp tục chủ động cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy của các nguồn lực phục vụ sản xuất, XK. Mặt khác, chú trọng đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất và XNK.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Công Thương là tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo, cụ thể từng ngành hàng tại từng thị trường để có quan điểm tiếp cận khả thi và phù hợp."Chúng ta không thể tiếp tục gia tăng sản xuất, XK mà không biết nhu cầu cụ thể và giới hạn của thị trường đối với từng mặt hàng. Thay vào đó, phải có phương án điều hành cụ thể cho từng ngành hàng trên cơ sở hiểu biết các nguyên tắc vận hành, nhu cầu và dung lượng của thị trường" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Công tác tổ chức hội nhập và khai thác những cơ hội của hội nhập, tham gia vào chiến dịch toàn cầu hóa phải tiếp tục được nâng lên tầm mới trong năm 2018 bởi, với những hiệp định tự do đã ký kết, nước ta đã đi được một đoạn đường rất xa trong bối cảnh chung của toàn cầu hóa. "Phải tiếp tục cụ thể hóa các cam kết hội nhập bằng những biện pháp, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan nhằm tiếp cận thị trường mới, gia tăng kim ngạch XNK. Đồng thời chủ động nghiên cứu, xây dựng kịch bản đối phó với các hàng rào phi thuế quan được các quốc gia nhập khẩu dựng lên. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương đặt ra trong năm 2018" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay, sau 10 năm, tổng kim ngạch XNK nước ta đã tăng gấp 4 lần. XNK nhiều năm giữ vai trò nòng cốt và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước.