Kinh doanh bất động sản online - phương thức phát triển trong mùa dịch
Sau thời gian im ắng vì tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bất động sản tổ chức các buổi giới thiệu trực tuyến về dự án. Mua bán bất động sản trực tuyến đã nở rộ, được coi là giải pháp nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Livestream bán hàng
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp diễn phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước bối cảnh này, ông Trần Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty DKRA Vietnam, cho biết, hầu hết các công việc của nhân viên môi giới bất động sản như gặp gỡ, tư vấn và đưa khách đi tham quan dự án… bị hạn chế rất nhiều, thậm chí là tạm ngưng.
Cũng bởi dịch bệnh, cả chủ đầu tư lẫn khách hàng đều thận trọng hơn. Chủ đầu tư thận trọng khi ra hàng, khách hàng thận trọng khi ra quyết định xuống tiền vì nguồn thu nhập bị ảnh hưởng đáng kể. Điều này tác động trực tiếp đến khả năng bán hàng của môi giới, của doanh nghiệp môi giới. Dự báo được tình hình và chuẩn bị trước một số kịch bản để ứng phó với diễn biến thực tế, Công ty DKRA Vietnam đã chủ động tổ chức phát triển các công cụ hỗ trợ nhân viên kinh doanh tiếp thị và bán hàng qua kênh online như video, zoom, livestream... bước đầu nhìn chung tạm ổn. Hằng tuần, công ty vẫn tổ chức livestream với hiệu quả khá bất ngờ là lượng khách hàng quan tâm khá lớn, mỗi buổi có từ 800 - 1.200 (chưa tính sale) khách quan tâm. "Vì mùa dịch ở nhà nên họ rất hứng thú tham gia. Đây là giai đoạn nhân viên kinh doanh tích lũy khách hàng để trở lại mạnh mẽ sau dịch. Hiện DKRA Vietnam đã triển khai giao dịch qua app bước đầu khá hiệu quả" - đại diện công ty cho biết.
Một lãnh đạo của Công ty Hưng Thịnh Land cũng thông tin, để việc kinh doanh không bị “tắc nghẽn” chủ trương của doanh nghiệp là cho nhân viên bán hàng online và dùng các nền tảng của mạng xã hội để tiếp cận khách hàng, giới thiệu dự án. Không những vậy, công ty cũng dùng phần mềm giúp khách hàng đi tham quan dự án “online” để có được cái nhìn toàn cảnh, như đang đi xem trực tiếp ở công trường. Nhiều nhân viên kinh doanh đã sử dụng các nền tảng như Zalo, Facebook, TikTok… để chia sẻ về dự án, chính sách bán hàng và đã mang lại hiệu quả khi có giao dịch.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam nhìn nhận, việc mở bán qua hình thức trực tuyến trong thời điểm giãn cách xã hội đã có những thành quả nhất định, cho thấy các chủ đầu tư rất nhanh nhạy và linh hoạt ứng phó với tình hình thực tế.
"Xu hướng này bắt đầu từ năm ngoái nhưng chưa gây sự chú ý của thị trường. Sang năm 2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nhiều hơn, xu hướng này cho thấy nhiều lợi ích và sẽ tiếp tục trong thời gian tới, ngay cả khi việc giãn cách xã hội từng bước nới lỏng và gỡ bỏ, các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục", ông Hoàng nói.
Thích nghi để tồn tại
Theo ông Gibran Bukhari - Giám đốc khối kinh doanh của Công ty Masterise Homes, việc phát triển ứng dụng thông minh là một phần của kế hoạch chuyển đổi số, cũng là chiến lược trọng tâm để đơn vị này thích nghi với trạng thái bình thường mới.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Công ty Colliers Việt Nam, cho rằng với dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao (hơn 70%) cùng với sự bùng nổ của các kênh tương tác online tại Việt Nam, người làm môi giới bất động sản cũng không thể đứng ngoài xu hướng. Để sử dụng hiệu quả “sức mạnh” của các kênh trực tuyến nhằm bán được sản phẩm, người môi giới cần có thông tin và chiến lược chuyên sâu, phù hợp.
Lợi thế quan trọng của hình thức này là có sự tương tác đa dạng từ nhiều người, nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau, tạo ra sự phản biện khách quan, giúp mỗi thành viên của nhóm rút ra được thông tin chính xác nhất có thể. Không chỉ trong lĩnh vực bất động sản mà trong nhiều lĩnh vực khác nữa, việc xây dựng cộng đồng (community) được xem là phương cách bền vững, giúp cả bên bán và bên mua có cái nhìn tiệm cận nhất với thực tế.
Không ít các công ty, các sàn môi giới bất động sản đã nhanh chóng đẩy mạnh hình thức bán hàng online. Có thể kể đến như: Hưng Thịnh Land vừa giới thiệu trực tuyến ra thị trường dự án Moonlight Centre Point (quận Bình Tân, TP HCM), diện tích 1,9 ha. Dự án gồm 4 block cao 24 tầng, diện tích căn hộ đa dạng từ 34,49 m2 đến 83,45 m2. Tập đoàn Thắng Lợi cũng sắp giới thiệu trực tuyến giai đoạn 3 dự án The Sol City, Cần Giuộc, Long An với 250 sản phẩm nền nhà phố, nền shophouse, nhà phố, shophouse. Trước đó, giai đoạn 2 của dự án với 300 sản phẩm cũng được chọn ra mắt bằng hình thức bán hàng online. The Sol City có diện tích hơn 103 ha, được triển khai làm 3 giai đoạn.
Đại diện công ty Thắng Lợi cho biết với giai đoạn 2, vì dịch bệnh bùng phát diện rộng, doanh nghiệp đã phải 3 lần thay đổi thời gian giới thiệu dự án (từ tháng 4 sang tháng 5, chốt vào tháng 6). Trên tinh thần không chờ đợi diễn biến dịch, trong lần ra mắt ở giai đoạn 3, công ty đã chủ động chọn hình thức giới thiệu trực tuyến thông qua hình thức livestream, sử dụng các công nghệ hỗ trợ như sa bàn ảo, phần mềm True360, trải nghiệm nhà mẫu 360 độ... để khách hàng tiếp cận sản phẩm.
Theo các chủ doanh nghiệp địa ốc, thời gian giãn cách quá dài khiến việc giới thiệu dự án liên tục phải dời lịch, họ không thể chủ động được thời gian để giới thiệu, quảng bá dự án. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã quan sát, nắm bắt thị trường và nhanh chóng ứng dụng công nghệ, thậm chí, tạo dựng nền tảng công nghệ - bất động sản.
Theo nhiều chuyên gia, bán bất động sản online là xu hướng tất yếu trong bối cảnh đại dịch bủa vây hiện tại và thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Hưng Thịnh, Novaland… đã làm điều này thành công.
Thị trường cần thời gian để thích nghi
Không thể phủ nhận, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản đang là một trong những giải pháp hữu hiệu, giúp duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng đủ tiềm lực để thực hiện việc này.
Để tổ chức các buổi mở bán, giới thiệu dự án trực tuyến một cách hiệu quả không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất công phu, kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, video giới thiệu dự án với những công nghệ chuyên biệt mà còn yêu cầu nền tảng trực tuyến của doanh nghiệp phải có lượng người theo dõi lớn, độ lan toả rộng khắp tới nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Bên cạnh đó, quy trình tư vấn, bảo mật thông tin, chăm sóc khách hàng và bán hàng sau mở bán trực tuyến cũng cần hết sức chuyên nghiệp. Trong khi đa phần các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính và kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ còn nhiều hạn chế.
Trên thực tế, các giao dịch bất động sản thành công phải đi qua nhiều bước từ tìm hiểu thông tin, khảo sát thực tế dự án, kiểm tra tính pháp lý mới chốt giao dịch thì đa phần các kênh bán hàng online hiện chỉ dừng lại ở bước số đầu tiên, giúp các chủ đầu tư, sàn giao dịch bước đầu giới thiệu thông tin dự án đến thị trường và tìm kiếm những khách hàng tiềm năng.
Công nghệ trực tuyến hay các giải pháp bán bất động sản online hiện mới chỉ dừng lại ở việc giúp khách hàng xem sản phẩm, kiểm tra tính năng của sản phẩm đó, hoặc cùng lắm là giữ chỗ, chứ chưa đưa ra các giải pháp toàn diện cho cả một chu trình mua bán bất động sản.
Quan trọng hơn, các giao dịch mua bán bất động sản luôn đi kèm với các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước như phòng công chứng, trung tâm đăng ký thủ tục đất đai, thủ tục vay vốn của ngân hàng (trong trường hợp khách hàng có nhu cầu). Do đó, trong giãn cách xã hội, việc các cơ quan này ngừng hoạt động cũng ảnh hưởng đến các thủ tục mua bán bất động sản.
Mặc dù, doanh nghiệp có thể tổ chức bán hàng online nhưng thủ tục mua bán cũng không thể thực hiện mà vẫn phải đợi sau dịch mới có thể hoàn thiện.
Nói như vậy nhưng phải thừa nhận rằng việc đưa các hoạt động kinh doanh bất động sản lên nền tảng trực tuyến là những bước đi cần thiết và thị trường bất động sản Việt Nam đã bước được những bước đầu tiên. Kỳ vọng trong tương lai, cùng sự phát triển của thị trường và các doanh nghiệp, hoạt động này sẽ dần phổ biến hơn, trở thành một kênh bán hàng hiệu quả cho các doanh nghiệp.