Kinh doanh ngoại hối: Khó tăng đột biến trong ngắn hạn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Tuy doanh thu từ hoạt động ngoại hối của các ngân hàng vẫn đang duy trì tốt nhưng theo một số ý kiến và bản thân các ngân hàng thừa nhận là khó tăng mạnh, tạo đột biến lợi nhuận cho ngân hàng bởi các sản phẩm phái sinh cho các hoạt động này khá đơn điệu. Hiện các ngân hàng chủ yếu giao dịch mua bán ngoại tệ giao ngay, kỳ hạn…

Kinh doanh ngoại hối: Khó tăng đột biến trong ngắn hạn
Hiện các ngân hàng chủ yếu giao dịch mua bán ngoại tệ giao ngay, kỳ hạn... Nguồn: internet

Doanh thu ổn định

Dù không còn là mảng dịch vụ thu nhiều lợi nhuận như những năm trước, nhưng kinh doanh ngoại hối vẫn mang lại nguồn thu ổn định cho các ngân hàng. Theo báo cáo tài chính của một số ngân hàng, doanh thu ngoại tệ 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng khá, như SHB lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối hơn 33,9 tỷ đồng; Eximbank cũng đạt hơn 99,77 tỷ đồng, tăng 31,2 tỷ đồng (34,3%) so với cùng kỳ năm ngoái... Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, mỗi tháng mảng kinh doanh ngoại tệ cũng mang lại cho ngân hàng vài tỷ đồng.

Trước đây, khi thị trường ngoại tệ biến động nhiều hơn, có thể làm cho ngân hàng thu được lợi nhuận cao hơn từ hoạt động này, nhưng do nhiều biến động nên rủi ro rất lớn, nếu không tính toán kỹ thì ngân hàng sẽ lỗ nặng. Tuy nhiên trong thời điểm này, các ngân hàng không đặt kỳ vọng lớn vào doanh thu hoạt động này, nhưng sự ổn định giúp họ thuận lợi hơn trong kinh doanh. Theo chia sẻ của ông Tùng, ngân hàng không đặt mục tiêu kiếm lợi nhuận kinh doanh ngoại tệ mà chủ yếu là mảng dịch vụ cho hoạt động liên quan đến thanh toán quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngoại tệ của khách hàng. Vì thế, tỷ giá càng ổn định, ngân hàng càng dễ giao dịch.

Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu tốt nên dịch vụ ngoại hối cũng tăng. Vì vậy doanh số mua bán ngoại tệ cũng như thu phí từ dịch vụ thanh toán của các ngân hàng tăng lên. Lãnh đạo VIB cho biết, doanh thu kinh doanh ngoại hối của ngân hàng này từ đầu năm đến nay tăng 27% so với cuối năm trước nhờ tăng cho vay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và mua bán ngoại tệ…

Tuy doanh thu từ hoạt động ngoại hối của các ngân hàng vẫn đang duy trì tốt nhưng theo một số ý kiến và bản thân các ngân hàng thừa nhận là khó tăng mạnh, tạo đột biến lợi nhuận cho ngân hàng bởi các sản phẩm phái sinh cho các hoạt động này khá đơn điệu. Hiện các ngân hàng chủ yếu giao dịch mua bán ngoại tệ giao ngay, kỳ hạn…

Việc các sản phẩm phái sinh trong kinh doanh ngoại hối còn đơn giản, theo phân tích của ông Tùng, có nhiều lý do. Đó là giao dịch thanh toán của doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ yếu qua đồng USD, còn những đồng tiền khác cũng có giao dịch nhưng ít. Mà trong môi trường Ngân hàng Nhà nước quản lý tỷ giá VND/USD rất chặt nên biến động rủi ro tỷ giá trong giai đoạn này không cao. “Một khi tỷ giá kiểm soát chặt, biến động có thể dự đoán được thì nhu cầu sử dụng các sản phẩm phái sinh của khách hàng cũng ít đi”, ông Tùng nói thêm.

Một nguyên nhân nữa ảnh hưởng đến việc đa dạng hóa các sản phẩm phái sinh được lãnh đạo ngân hàng trên nhận định đó là VND không phải là đồng tiền có tính chuyển đổi cao, sự tương tác với các loại tiền tệ khác trên thế giới thấp. Chính vì vậy, nếu ngân hàng phát triển nhiều sản phẩm phái sinh cũng không kết nối được với thị trường ngoài.

Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc một Ngân hàng TMCP phụ trách kinh doanh ngoại hối cho rằng, bên cạnh việc VND chưa có tính chuyển đổi cao khiến các sản phẩm phái sinh chưa thể phát triển còn có một nguyên nhân quan trọng đó là môi trường pháp lý như luật để hỗ trợ cho sản phẩm phái sinh chưa được xây dựng. Hiện nay, quy mô giao dịch trên thị trường còn khá khiêm tốn. Hơn nữa, để thiết lập thị trường phái sinh thì thị trường vốn phải phát triển hơn, ổn định trong dài hạn… Vì lẽ đó dù rất muốn nhưng các NH rất khó để phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phái sinh. Thời gian tới, nếu có thêm điều kiện cơ chế, hành lang pháp lý hỗ trợ các ngân hàng cũng sẽ mạnh dạn mở rộng hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Minh bạch hóa dòng tiền

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2014/NĐ – CP, thay thế Nghị định 160, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối (Nghị Định 70), có hiệu lực vào ngày 5/9/2014. Các ngân hàng đánh giá, Nghị Định 70 đi vào cuộc sống không tác động quá nhiều đến hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng.

Tuy những điểm đổi mới tại NĐ 70 đều theo hướng càng chặt hơn, nhưng lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, điều này là hợp lý vì độ chín của thị trường tiền tệ Việt Nam chưa phù hợp với những “sản phẩm” quá phức tạp. Những quy định mới cũng giúp minh bạch hóa nguồn ngoại tệ, hoạt động thanh toán ngoại tệ rõ ràng hơn. Ví dụ như trước đây, khách hàng được thanh toán xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ tiền mặt nên khách hàng có thể mở tài khoản ở nhiều ngân hàng hoặc chi trả qua nhiều hình thức ngân hàng khó kiểm soát được.

Một điểm mới nữa tại Nghị Định 70 được ngân hàng kỳ vọng tăng doanh thu ngoại hối đó là việc cho phép doanh nghiệp FDI được mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ và bằng VND. Thay đổi này rất có ý nghĩa cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư, nhất là các trường hợp đầu tư bằng nguồn thu nhập hợp pháp bằng đồng Việt Nam. Như vậy, mức độ đầu tư càng cao thì khối lượng giao dịch ngoại tệ của các doanh nghiệp tại ngân hàng càng nhiều. “Hy vọng sẽ mang lại một nguồn thu tốt cho ngân hàng. Dù trong cơ cấu lợi nhuận, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh không đáng kể, nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì cũng là khá tốt, có thể một miếng khi đói bằng một gói khi no”, lãnh đạo một ngân hàng bày tỏ.

Để đón đầu cơ hội kinh doanh ngoại hối trong thời gian tới, theo ông Tùng, bên cạnh việc ngân hàng trang bị hệ thống cần thiết phòng ngừa rủi ro cho khách hàng, thì vấn đề lớn và quan trọng nhất là đầu tư con người. Phải có đội ngũ cán bộ có khả năng, trình độ cao mới tư vấn, sáng tạo đưa ra nhiều sản phẩm quản lý dòng tiền hiệu quả, giảm thiểu rủi ro tối đa cho khách hàng.