Cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan tại một số nước
Qua nghiên cứu kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan quốc tế, có thể rút ra 5 giải pháp quan trọng như sau:
Thứ nhất, đơn giản hóa pháp luật về thuế, hải quan:
Hệ thống thuế đơn giản là một hệ thống thuế với ít sắc thuế và mức thuế suất hạn chế việc miễn, giảm thuế. Đối với các nước đang phát triển, một hệ thống chính sách thuế đơn giản sẽ dễ quản lý và dẫn đến mức độ tuân thủ cao hơn một hệ thống thuế phức tạp. Chẳng hạn, Thái Lan chỉ áp dụng một mức thuế suất đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT). Bên cạnh đó, các nước đang phát triển còn thực hiện đơn giản hóa về thuế suất các loại thuế (áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT); đơn giản hóa cơ cấu giá; đơn giản hóa cấu trúc về thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, áp dụng một ngưỡng thuế GTGT duy nhất để đơn giản pháp luật về thuế, thể hiện có một thuế suất thuế GTGT; Ngưỡng đăng ký đủ cao điều đó giúp cho cả hai đối tượng nộp thuế và quản lý thuế hiểu và dễ áp dụng.
Không chỉ với các nước đang phát triển, ngay cả các nước phát triển như: Đan Mạch, Canada và New Zealand cũng đặc biệt coi trọng việc thực hiện đơn giản hóa những thông tin cần thiết trên các mẫu đơn thuế và số liệu có sẵn từ sổ sách, hồ sơ của người nộp thuế (NNT). Điều này cho thấy, việc đơn giản hóa các thủ tục trong lĩnh vực thuế là yêu cầu của tất cả các nước.
Ở các quốc gia có quy định ngưỡng chịu thuế GTGT, những đối tượng nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng thường chịu thuế doanh thu ở mức từ 2% - 3%. Mặt khác, để khuyến khích đối tượng nộp thuế và duy trì hệ thống sổ sách, hóa đơn, chứng từ cần có quy định cho phép đối tượng nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng nếu đăng ký kê khai thuế GTGT theo phương thức “tự nguyện”. Ở Trung Quốc, để được áp dụng phương pháp khấu trừ “tự nguyện”, đối tượng nộp thuế phải đáp ứng được yêu cầu về sổ sách chứng từ theo quy định và chứng minh được với cơ quan thuế là có khả năng thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ để thực hiện phương pháp khấu trừ.
Trong khi đó, một số quốc gia nhất là các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu đã thực hiện cải cách chính sách thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng xoá bỏ biểu thuế luỹ tiến, áp dụng duy nhất một mức thuế suất thuế TNCN. Điều này đã tạo được sự cải cách về thủ tục hành chính thuế cho NNT.
Thứ hai, tăng cường tuân thủ tự nguyện thông qua tuyên truyền, giáo dục:
Quản lý thuế là nghệ thuật nhằm đạt được một sự cân bằng giữa dịch vụ cho NNT thực thi các quy định của luật thuế để thúc đẩy tuân thủ tự nguyện. Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế như: Sự bất bình đẳng của hệ thống thuế; sự phức tạp của pháp luật về thuế; sự thiếu công bằng của hệ thống hình phạt; tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên quản lý thuế chưa cao… đã gây trở ngại cho sự tuân thủ nghĩa vụ của NNT.
Để khắc phục tình trạng trên, các quốc gia thường áp dụng chương trình kiểm toán dự phòng dữ liệu để phát hiện đối tượng trốn thuế, từ đó cũng có thể thúc đẩy tuân thủ tự nguyện. Hơn nữa, việc thực hiện các chương trình giáo dục và thông tin cho NNT đã tạo điều kiện hiểu biết và tuân thủ các nghĩa vụ thuế. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm thời gian trong việc tuân thủ thuế.
Ví dụ: Bờ Biển Nga, Madagascar và Senegal đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ với việc thực hiện các tài liệu quảng cáo thuế và đăng thông tin trên trang web của cơ quan thuế. Hay Cameroon và Benin là hai nước thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa cơ quan quản lý thuế và “khách hàng”.
Thứ ba, áp dụng một hệ thống quản lý thuế, hải quan hiện đại:
Để giảm thời gian về thủ tục tuân thủ thuế, thanh toán thuế, hải quan, các nước trên thế giới đã dựa trên một hệ thống tin học hiện đại. Hệ thống này sẽ loại bỏ thủ tục giấy tờ và sự tiếp xúc giữa NNT với cán bộ thuế. Nhờ đó, giảm đáng kể thời gian cho DN, tăng cường tuân thủ thuế và giảm chi phí cho DN.
Hiện nay, các dịch vụ điện tử chính được cung cấp bởi hầu hết các cơ quan thuế bao gồm: Cung cấp đầy đủ hồ sơ về thuế và các thông tin khác; Nộp hồ sơ khai thuế điện tử; Có đầy đủ và/hoặc một phần tờ khai thuế điền sẵn; Kết hợp phương tiện thanh toán điện tử cho tất cả các loại thuế (ví dụ như thanh toán trực tuyến trực tiếp); Tiếp cận thông tin NNT cá nhân thông qua cổng thông tin NNT trực tuyến; Trung tâm sử dụng phương tiện điện thoại hiện đại (bao gồm cả công nghệ Interactive voice response), để cung cấp dịch vụ điện thoại, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Quản lý thuế công bố năm 2011 cho thấy, một số cơ quan thuế đã bắt đầu sử dụng công nghệ truyền thông xã hội (Twitter, YouTube và Facebook) trong hoạt động quản lý thuế.
Đáng chú ý, việc sử dụng hệ thống mẫu thuế có sẵn áp dụng cho thuế TNCN bao gồm: Các thông tin như thông tin NNT, lịch sử NNT và các báo cáo của bên thứ ba về thu nhập và các khoản khấu trừ; Từ đó tạo điều kiện cho NNT cũng như công tác kiểm tra thuế của cơ quan quản lý thuế. Điển hình là các nước trong khu vực Bắc Âu (Đan Mạch và Phần Lan) - Các cơ quan thuế cung cấp hình thức hỗ trợ cho hầu như tất cả NNT.
Tại các quốc gia trên thế giới, thanh toán thuế được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau bao gồm: Thanh toán qua ngân hàng, bưu điện; Thanh toán di động, thanh toán qua mạng internet; ghi nợ trực tiếp; Các hình thức khác. Trong đó thì việc thanh toán qua ngân hàng, bưu điện, internet và ghi nợ trực tiếp đang được các nước sử dụng khá phổ biến.
Ví dụ: Ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) 12/34 nước thành viên có các khoản thanh toán thuế được thực hiện đầy đủ bằng phương pháp điện tử. Cụ thể hơn, tại một số nước khác như: Australia thanh toán thuế qua ngân hàng, bưu điện chiếm tỷ lệ 24%, điện thoại 3% và qua Internet là 60%; Nhật Bản thanh toán qua ngân hàng bưu điện là 75%, trừ nợ trực tiếp là 16%; Italia thanh toán qua ngân hàng, bưu điện là 29%, qua Internet là 30% và trừ nợ trực tiếp là 41%; Hàn Quốc thanh toán qua ngân hàng, bưu điện là 69% và qua Internet là 18…
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực quản lý thuế, hải quan:
Trong bối cảnh hiện nay, các nước không chỉ tập trung vào việc đào tạo nghiệp vụ trong quá trình quản lý thuế cho cán bộ thuế, mà còn đẩy mạnh xây dựng đội ngũ quản lý thuế trung thực, minh bạch và hiện đại. Để thực hiện được điều đó thì mức lương trả cho cán bộ thuế, cần phải được tương xứng. Đồng thời, cần thiết kế hệ thống quản lý thuế mà cán bộ thuế ít tiếp xúc trực tiếp với đối tượng nộp thuế và khả năng quyết định đối với NNT không nhiều.
Xây dựng một chiến lược hoặc kế hoạch quản lý nhân sự trong ngành Thuế, Hải quan là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành của các nước trong đó bao gồm các nội dung: Chế độ tuyển dụng; Kỹ năng phát triển nhân viên; Lãnh đạo và khả năng quản lý; Sự hài lòng và tham gia của nhân viên; Nhân viên xuất sắc; Sự đa dạng về tuổi; Mức lương và phụ cấp; Số nhân viên/tỷ lệ doanh thu; Các vấn đề phải đặt ra.
Đơn cử, New Zealand tập trung phát triển nguồn nhân lực ngành Thuế dựa trên tiến hành đánh giá năng lực trong sử dụng công nghệ thông tin; Tập trung vào các dự án phát triển nguồn lực; Tăng cường kỹ năng và sự hiểu biết của các nhân viên thuế, hải quan… để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong những lĩnh vực như thu nợ, đào tạo hệ thống, kiến thức kỹ thuật cao cấp và kết nối mạng.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã nêu rõ mục tiêu của cải cách quản lý thuế đó là “Hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính theo định hướng chuẩn mực quốc tế; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ; Kiện toàn, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế; Nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật của NNT; Ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thuế điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, phân đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế vào năm 2020”.
Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2014 (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), chỉ số “nộp thuế” của Việt Nam xếp hạng thứ 149/189 trong số các quốc gia và vùng lănh thổ, với tổng số thời gian nộp thuế năm 2014 là 872 giờ, DN làm các thủ tục thuế (GTGT, TNDN) là 537 giờ, bảo hiểm xã hội là 335 giờ. Theo tính toán của WB, phần lớn thời gian DN dùng để chuẩn bị tài liệu, rà soát, ghi chép số liệu để thực hiện kê khai thuế (do khác biệt về quy định của chính sách thuế và kế toán). Trước tình hình đó, thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã triển khai quyết liệt các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan như: Sửa đổi Luật thuế TNDN, Luật thuế GTGT, Luật Quản lý thuế… nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế.
Do đó, để giảm được số giờ làm thủ tục nộp thuế trên cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của các nước. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục rà soát và đơn giản hóa hệ thống pháp luật về thuế, tạo điều kiện cho DN trong quá trình thực hiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính về mức thuế suất, phương pháp tính, giá tính… cũng như mẫu biểu kê khai.
Hai là, tăng cường tuân thủ tự nguyện thông qua tuyên truyền, giáo dục, tuyên truyền bằng cả các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội.
Ba là, cần áp dụng hệ thống quản lý thuế hiện đại dựa trên nền tảng tin học hiện đại tiến tới áp dụng tự động hóa đầy đủ các mẫu kê khai thuế; tăng cường sử dụng các hình thức dịch vụ thanh toán hiện đại của các ngân hàng thương mại như: thu thuế qua ATM, bưu điện, internet…
Bốn là, không ngừng nâng cao năng lực nghiệp vụ của cán bộ công chức quản lý thuế, hải quan với việc tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn... Từ đó, tạo ra một đội ngũ quản lý thuế, hải quan giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trung thực khách quan.
Năm là, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực thực hiện tích hợp thuế và hải quan với các nước trong khu vực nhằm hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN không biên giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Chiến lược thuế cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2015;
2. Tài liệu hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2014, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho NNT, Tổng cục Thuế, năm 2014;
3. ThS. Trương Bá Tuấn, Cải cách chính sách thuế GTGT: Kinh nghiệm các nước và một số hàm ý đối với Việt Nam, Sách Tài chính Việt Nam 2012;
4. TS. Lê Quang Thuận, Cải cách chính sách thuế TNDN: Kinh nghiệm các nước và một số hàm ý đối với Việt Nam, Sách Tài chính Việt Nam 2012;
5. Carlos Silvani and Katherine Baer, Designing a tax administration reform strategy: Experiences and guidelines.
Kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan tại một số nước
(Tài chính) Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập đã được các quốc gia thực hiện từ nhiều năm nay. Những giải pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan của các nước sẽ là bài học hữu ích cho Việt Nam…
Xem thêm