Kinh nghiệm chống thất thu thuế ở một số nước châu Á và bài học đối với CHDCND Lào
Trong những năm qua, việc hợp tác chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quản lý thuế giữa cơ quan thuế các nước đã trở nên phổ biến. Mỗi cơ quan thuế của mỗi nước đều có những thế mạnh riêng và có những bước tiến nhanh hơn ở một số lĩnh vực quản lý thuế nhất định. Bài viết tìm hiểu kinh nghiệm chống thất thu thuế của một số nước trên thế giới như: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm, tận dụng các kiến thức kinh nghiệm quản lý thuế tiên tiến, hiện đại có thể áp dụng vào thực tiễn ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào trong bối cảnh hiện nay.
Kinh nghiệm các nước về chống thất thu thuế
Việt Nam
Để chống thất thu thuế TNDN, Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp, cụ thể như sau:
Một là, Việt Nam đã xây dựng, ban hành hệ thống quy định về thuế, tạo hành lang pháp lý để quản lý thuế, qua đó khắc phục tình trạng trốn thuế, tránh thuế do thiếu cơ sở pháp lý. Hệ thống quy định về thuế có thể kể đến: Luật Quản lý thuế năm 2019; Nghị định 100/2016/NĐ-CP về thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, quản lý thuế; Nghị định 129/2013/NĐ-CP xử phạt VPHC, cưỡng chế thi hành thuế; Quyết định 746/2015/QĐ-TCT về quy trình kiểm tra thuế; Quyết định 1403/2015/QĐ-TCT về quy trình kiểm tra hóa đơn...
Hai là, không thu thuế doanh nghiệp (DN) bằng tiền mặt. Điều này thúc đẩy nhanh quá trình luân chuyển hàng hóa, tăng tốc độ luân chuyển vốn trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh được tiến hành trôi chảy, nhịp nhàng; giảm chi phí trong thu chi tiền mặt.
Ba là, phát hành hóa đơn điện tử. Việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử đã mang đến rất nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý thuế và DN như: tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường; góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế; tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN....
Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế. Cơ quan thuế Việt Nam đã thiết lập hợp tác song phương với nhiều cơ quan thuế ở các quốc gia trên thế giới như: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… Qua các chương trình hợp tác, cơ quan thuế Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội thảo với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý thuế cho cán bộ, công chức ngành thuế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hợp tác với rất nhiều tổ chức quốc tế, gia nhập các diễn đàn khu vực và thế giới để cùng nhau nâng cao năng lực quản lý thuế. Năm 2003, Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội nghiên cứu và quản lý thuế các nước châu Á - Thái Bình Dương (SGATAR), đến nay đã có 18 nước thành viên.
Trung Quốc
Để chống thất thu thuế đạt hiệu lực hiệu quả, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa đã thực hiện nhiều biện pháp để chống thất thu thuế TNDN:
Một là, thực hiện chống chuyển giá. Các quy định về chống chuyển giá của Trung Quốc được xây dựng trên căn bản dựa theo các hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Theo đó, các biện pháp chống chuyển giá thông qua các phương pháp tính giá chuyển giao, như: Phương pháp định giá chuyển giao trên cơ sở giá tự do có thể so sánh được; Phương pháp giá bán lại; Phương pháp giá cộng lãi; Phương pháp chiết tách lợi nhuận; Phương pháp lợi nhuận ròng của nghiệp vụ chuyển giao.
Hai là, kiểm toán thuế chặt chẽ. Hoạt động kiểm toán thuế của Cơ quan kiểm toán tối cao Trung Quốc dựa trên Luật Thuế do Quốc hội thông qua, các quy định và quy tắc liên quan đến thuế và tài chính công do Chính phủ ban hành; hệ thống chính sách tài chính, thuế được Bộ Tài chính và Cục Thuế nhà nước áp dụng; đồng thời, các quy định, quy tắc thuế địa phương được thực hiện theo luật pháp, trong phạm vi quyền hạn của từng địa phương.
Ba là, giảm thuế giá trị gia tăng. Liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thông thường các nước áp dụng thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu dựa trên đích đến cuối cùng của hàng hóa, nhưng Trung Quốc lại cho giảm thuế giá trị gia tăng một phần, nhằm hạn chế hành vi trốn thuế thông qua các hoạt động thương mại trung gian với hình thức khai báo sai trị giá hàng hóa xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài.
Hàn Quốc
Kinh tế Hàn Quốc có đặc trưng của những tập đoàn sở hữu bởi các gia đình giàu có. Các DN Hàn Quốc phát triển rất mạnh, do đo việc chống thất thu thuế TNDN của cơ quan quản lý thuế Hàn Quốc cũng rất được quan tâm. Một số biện pháp chống thất thu thuế TNDN của Hàn Quốc đó là:
Một là, cưỡng chế nộp thuế. Tại Hàn Quốc, việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế được quy định tại Luật Thu thuế. Trong trường hợp có cưỡng chế thi hành người thứ ba giữ tài sản của DN, thì khi cơ quan thuế đưa ra các chứng cứ chứng minh người nộp thuế đã tẩu tán tài sản cho người thứ ba, cơ quan thuế sẽ tiến hành khởi kiện thu lại tài sản hoặc thu hồi lại bằng tiền từ người thứ ba để trả nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế bị cưỡng chế.
Hai là, chống chuyển giá. Các tổ chức, cá nhân có các giao dịch quốc tế phải báo cáo giá chuyển nhượng khi nộp hồ sơ kê khai thuế, tuy nhiên để đạt được sự chắc chắn trong phương pháp định giá chuyển nhượng, các tổ chức cá nhân có thể áp dụng một thỏa thuận trước khi xác định giá với cơ quan thuế và để sát thực của thông tin, cơ quan thuế cũng có bộ phận thẩm định giá để kiểm tra tính xác thực của giá chuyển giao được kê khai trong các báo cáo.Trong đó, các thông tin của bộ phận thẩm định giá được lấy từ kho cơ sở dữ liệu thương mại và sự phối hợp thông tin với các nước khác.
Ba là, kiểm toán thuế. Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thanh tra, kiểm toán điện tử đồng bộ và liên kết với các hệ thống thông tin khác của Chính phủ Hàn Quốc. Từ đó, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra có thể chủ động và thường xuyên thu thập, cập nhật, khai thác thông tin, dữ liệu trong phạm vi chức năng của từng bộ, ngành.
Nhật Bản
Để hạn chế tối đa những rủi ro về chuyển nhượng giá, Chính phủ Nhật Bản đã ký các hiệp định với các nước để phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia, đồng thời đã sớm ban hành luật về chuyển giá, xác định rõ các loại hình DN có quan hệ liên kết và có khả năng cao thực hiện chuyển giá; thiết lập chế tài bắt buộc DN phải cung cấp tài liệu và xuất trình cho cơ quan thuế về các thông tin liên quan đến quan hệ liên kết, các biện pháp xác định giá chuyển giao mà DN đang áp dụng, kê khai số tiền giao dịch, thu nhập.
Chính phủ Nhật Bản mà cụ thể là Bộ Tài chính đã tiến hành quản lý chặt chẽ thương mại điện tử. Theo đánh giá của cơ quan thuế Nhật Bản, các giao dịch thương mại điện tử dù được thực hiện một phần, hay toàn bộ qua mạng internet thì đều có những đặc điểm như tính nặc danh cao, dễ dàng thực hiện, phạm vi rộng, dữ liệu được mã hóa dưới định dạng số và được bảo mật... Để hạn chế gian lận, chống thất thu thuế, cơ quan thuế Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp yêu cầu các ngân hàng cung cấp các số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch thương mại điện tử nhằm nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Bài học kinh nghiệm cho nước CHDCND Lào
Hiện nay, CHDCND Lào đang bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, với nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Thu thuế ở CHDCND Lào đã có những chuyển biến tích cực và đang ngày càng tăng lên, cụ thể: năm 2020, thu thuế 10.139,18 tỷ Kip (đạt 92,05% kế hoạch); năm 2021 thu thuế 10.843,06 tỷ Kip (đạt 93,47% kế hoạch); năm 2022, thu thuế 11.251,82 tỷ Kip (đạt 91,33% kế hoạch). Tuy nhiên, nhiều DN đã lợi dụng sự ưu đãi trong chính sách về thuế để thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Chống thất thu thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý thuế nhằm góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời tạo sự công bằng về nghĩa vụ thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác chống thất thu thuế TNDN của CHDCND Lào ngày càng được quan tâm và mang lại kết quả. Tuy vậy, CHDCND Lào là nước chưa phát triển, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, công tác quản lý thuế của cơ quan thuế chưa thực sự chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức ngành thuế còn hạn chế, trong khi DN ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những điều này càng làm cho công tác chống thất thu thuế nói chung, chống thất thu thuế TNDN nói riêng thêm áp lực.
Để công tác chống thất thu thuế của CHDCND đạt hiệu quả cao, từ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho CHDCND Lào như sau:
Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật đầy đủ, rõ ràng. Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về kinh tế, sẵn sàng cho việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài phục vụ cho việc phát triển kinh tế đất nước.
Thứ hai, coi trọng công tác tuyên truyền cho các đối tượng nộp thuế nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người nộp thuế. Cần phát huy vai trò của công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, các hoạt động tuyên truyền phải được tiến hành dưới nhiều hình thức phong phú với phương châm phục vụ khách hàng tốt nhất; tiến hành các chiến dịch tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các DN nắm bắt kịp thời chính sách, pháp luật về thuế; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế.
Thứ ba, triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thu nợ thuế TNDN theo đúng quy định pháp luật. Công tác thu nợ thuế TNDN được thực hiện hiệu quả theo phương pháp quản lý rủi ro với các tiêu chí tuân thủ về thời gian kê khai, mức nợ thuế, mức thuế năm trước… Quy định nộp dần tiền thuế có tính lãi chậm nộp trong thời gian nộp chậm đối với trường hợp người nộp thuế không có đủ khả năng nộp tiền thuế một lần do gặp khó khăn tài chính trong ngắn hạn vừa nhằm có thể thu được thuế, đồng thời thể hiện được quan điểm Nhà nước giúp đỡ DN có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ, chính xác để có biện pháp đôn đốc phù hợp; tập trung thu dứt điểm các khoản nợ cũ và khống chế nợ mới phát sinh; đẩy mạnh việc công khai những trường hợp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế. Đào tạo nguồn nhân lực với chất lượng cao, tổ chức bồi dưỡng về trình độ chuyên môn trong quản lý đối với DN nhằm phục vụ cho việc quản lý thuế, bảo đảm tránh thất thu thuế TNDN. Các cơ quan quản lý kinh tế, nhất là cơ quan thuế và hải quan cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho công chức thuế. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn các kỹ năng khai thác, tìm kiếm, truy tìm và thu thập thông tin trên mạng internet cho các cán bộ ngành Thuế nhằm nhận diện DN không tuân thủ, thu thập thông tin trực tiếp phục vụ thanh tra, kiểm tra người nộp thuế.
Thứ năm, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chống thất thu thuế. Ứng dụng công nghệ thông minh hỗ trợ cơ quan thuế xử lý khối lượng thông tin về người nộp thuế và quản lý thuế lớn, góp phần tạo lập được kho cơ sở dữ liệu về quản lý thuế, đồng thời cũng đã hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan; hỗ trợ người nộp thuế giảm thủ tục khai, nộp thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế cho người dân và DN.
Tài liệu tham khảo:
- Vũ Thị Như Quỳnh (2021), Kinh nghiệm của các nước châu Á về chống thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 17;
- Lê Duy Thành (2007), Đổi mới quản lý thuế trong điều kiện hội nhập kinh tế ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội;
- Nguyễn Xuân Thành (2013), Nâng cao hiệu quả thanh tra người nộp thuế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội;
- Sẻn Sắc SULYSẮC (2009), Đổi mới hệ thống thuế phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ở CHDCND Lào, Luận án tiến sỹ, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh;
- Rosanne Altshuler, Alan J. Auerbach, Michael Cooper, Matthew Knittel (2008), “Understanding U.S. Corporate Tax Losses”, NBER Working Paper No.14405.