Kinh nghiệm lựa chọn nhà thầu và giám sát thực hiện trong hợp tác công tư
Dự án PPP có sự tham gia hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công. Theo đó, một phần hoặc toàn bộ công việc sẽ được chuyển giao cho khu vực tư nhân thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, trong các dự án PPP, Nhà nước với tư cách là người mua các dịch vụ, còn khu vực tư nhân đóng vai trò nhà cung cấp các dịch vụ.
Lựa chọn nhà thầu
Với tư cách là người mua các dịch vụ, Nhà nước có vai trò lựa chọn nhà thầu. Chỉ những nhà thầu đủ năng lực mới được dự thầu. Theo quan điểm của Singapore, vấn đề “đủ năng lực” là có tiềm lực và sự ổn định về vốn, có năng lực quản lý và có kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự trước đó.
Chính phủ Singapore ưu tiên lựa chọn nhà thầu là nhóm công ty (SPV), thông thường là liên doanh giữa một nhà thầu có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, một nhà thầu có năng lực tài chính và một nhà thầu có khả năng điều hành cơ sở hạ tầng sau khi dự án hoàn thành.
Thông qua đấu thầu cạnh tranh, Nhà nước chọn một liên doanh nhà thầu thích hợp. Bộ Tài chính đóng vai trò hoạch định các chính sách và hướng dẫn liên quan tới PPP, có tính đến phản hồi từ các bên tham gia các dự án PPP, cũng như nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài về PPP.
Khi đã có hợp đồng PPP, sẽ quy định trách nhiệm của các bên trong dự án PPP. Cụ thể, trách nhiệm của khu vực nhà nước bao gồm: Cung cấp các dịch vụ phụ trợ cho khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện dự án; bảo đảm việc chi trả cho khu vực tư nhân các chi phí thay đổi do lạm phát. Khu vực công cũng chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng của khu vực tư nhân.
Trong quá trình thực hiện, khu vực công có quyền thay đổi trong giới hạn một số khía cạnh của hợp đồng, nhằm bảo đảm việc thực hiện tốt nhất. Nhà nước thực hiện chi trả cho nhà cung cấp dịch vụ dựa trên cơ chế đánh giá mức độ hoàn thành dự án theo các tiêu chuẩn thực hiện trong hợp đồng.
Giám sát và hỗ trợ nhà đầu tư
Một trong những vai trò quan trọng của Chính phủ Singapore đó là quản lý, giám sát, hỗ trợ nhà đầu tư trong các dự án PPP. Việc Nhà nước có các cơ chế giám sát và hỗ trợ hiệu quả, là nhân tố thúc đẩy các nhà đầu tư có thái độ nghiêm túc, làm việc có trách nhiệm nhằm bảo đảm hiệu quả và tiến độ của dự án; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi ăn bớt, tham nhũng, hối lộ hoặc có thể giúp giải quyết ngay những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Đối với mỗi dự án cụ thể, ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu dự án, khu vực nhà nước sẽ thành lập “Nhóm Giám sát quản lý dự án” trực thuộc cơ quan chuyên trách PPP. Mặc dù do Nhà nước thành lập, song cơ quan này được hưởng quy chế độc lập. Các thành viên của Nhóm Giám sát phải có năng lực chuyên môn về pháp lý, tài chính và có sự hiểu biết về các khía cạnh của dự án.
Trách nhiệm của Nhóm Giám sát bao gồm: Nghiên cứu dung lượng, nhu cầu thị trường nhằm tư vấn về thông số kỹ thuật cũng như mục tiêu của dự án; tiến hành nghiên cứu các nguồn tài chính, đưa ra mức giá hợp lý cho khu vực tư nhân phù hợp với các mục tiêu của khu vực công; tư vấn các vấn đề pháp lý, tài chính cho nhà nước; tiến hành hoạt động giám sát quá trình thực hiện dự án song song với sự giám sát của nhà nước.
Trong các dự án PPP, khu vực tư nhân đảm nhận các vai trò: Thiết kế, xây dựng, vận hành, sở hữu, bảo trì trong quá trình hoạt động… Trong các dự án PPP, khu vực tư nhân còn đóng vai trò là các nhà đầu tư cổ phần và nhà cung cấp nợ.
Chính phủ Singapore cho phép các nhà thầu tư nhân huy động nguồn vốn bằng các hình thức như xin nguồn tài trợ từ các ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu, cổ phiếu để chi trả cho một phần chi phí trả trước trong quá trình thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời bảo đảm cân bằng tài chính cho dự án.
Đối với các dự án cơ sở hạ tầng có sử dụng công nghệ cao hoặc có chuyển giao công nghệ, khu vực tư nhân phải bảo đảm sử dụng công nghệ tối ưu nhất và luôn phải cải tiến công nghệ trong trường hợp có sự thay đổi công nghệ.
Đối với việc thiết kế cơ sở hạ tầng trong dự án PPP, Chính phủ Singapore chỉ đặt ra các mục tiêu về chỉ tiêu sản lượng, thông số kỹ thuật nhất định, không tham gia thiết kế nhằm tận dụng năng lực sáng tạo của khu vực tư nhân. Đối với việc sở hữu, mặc dù Singapore có chính sách quản lý chặt chẽ lĩnh vực bất động sản, song đối với các dự án PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Singapore có những ưu đãi đối với các nhà thầu.