Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự


Diễn biến phức tạp của tình hình biển Ðông hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế du lịch biển, đó là phát triển kinh tế du lịch biển – đảo gắn với bảo đảm an ninh, trật tự.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nghiên cứu kinh nghiệm trong triển khai phát triển kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự tại các nước và khu vực, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển hiệu quả kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Phát triển kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự tại các nước và khu vực

Vấn đề an ninh trật tự luôn được các Chính phủ đặt ra trong chiến lược phát triển du lịch của các quốc gia. Tất cả các nước đều coi trọng đến vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội vì đó không chỉ là yếu tố thu hút khách du lịch tại các điểm đến mà còn là điều kiện cần thiết để thực hiện chiến lược phát triển du lịch của quốc gia. Cụ thể như:

Tại một số nước châu Á

Thái Lan: Là quốc gia có lợi thế về phát triển kinh tế du lịch biển với tổng chiều dài bờ biển là 3219 km, có nhiều đảo lớn nhỏ trên Vịnh Thái Lan và biển Andaman với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc… Hàng năm, kinh tế du lịch phát triển mang lại nguồn thu chiếm 6,5% GDP cho Thái Lan, tạo ra nhiều việc làm ổn định, là nguồn phân phối thu nhập cho rất nhiều ngành công nghiệp khác. Nhưng cùng với sự phát triển của du lịch, số lượng lớn du khách ngày càng tăng cũng đã kéo theo tình trạng mất an ninh trật tự tăng lên. Để ngăn chặn tình trạng mất an ninh trật tự trong quá trình phát triển du lịch, Chính phủ Thái Lan đã thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch Thái Lan - Cơ quan chuyên trách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự cho các địa điểm du lịch cũng như mở rộng hỗ trợ cho cảnh sát địa phương. Đồng thời, Chính phủ nước này cũng thành lập Ủy ban an ninh mới nhằm đảo bảo an toàn cho khách du lịch sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công đánh bom tại các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Lan. 

Cảnh sát Du lịch Thái Lan còn phối hợp với các cơ quan hữu quan khác hỗ trợ du khách nhằm xây dựng sự tin tưởng về an ninh trật tự, an toàn xã hội cho khách du lịch; Hình thành mối quan hệ điều phối, hợp tác tốt giữa các cơ quan du lịch của Chính phủ, Trung ương và địa phương, các đơn vị tư nhân và công ty nước ngoài để giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch; Nâng cao danh tiếng và vị thế của ngành Du lịch Thái Lan, quảng bá và xây dựng hình ảnh đất nước du lịch lý tưởng cho du khách.

Hàn Quốc: Là quốc gia ở Đông Á, được bao bọc chủ yếu là biển, với 2.413 km đường bờ biển và khoảng 3.000 hòn đảo nhỏ là một điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch trên thế giới, trong những năm qua, Hàn Quốc đã chú trọng phát triển kinh tế du lịch một cách bài bản. Hàn Quốc có kế hoạch rõ ràng như đào tạo nhân lực, xây dựng các khu du lịch, quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện du lịch tầm cỡ quốc tế, xây dựng hệ thống thông tin và truyền bá ra thế giới.

Tổng cục Du lịch Hàn Quốc hiện có 31 văn phòng đặt tại 19 quốc gia trên thế giới thực hiện hoạt động quảng bá du lịch với mục tiêu nâng cao sự hiểu biết của người dân sở tại về Hàn Quốc như là một điểm đến hấp dẫn. Đồng thời, Hàn Quốc cũng dùng điện ảnh, truyền hình, chương trình âm nhạc để truyền bá văn hóa, đất nước và con người Hàn Quốc, khiến du khách quốc tế háo hức đến du lịch, tham quan đất nước này ngày càng tăng.

Để nâng cao chất lượng du lịch quốc gia, Hàn Quốc đã thành lập “đội quân đặc biệt” là lực lượng Cảnh sát du lịch - Những người có ngoại hình lý tưởng và phải trải qua một khóa huấn luyện khá bài bản và chặt chẽ về ngoại ngữ và kiến thức cơ bản về du lịch, có thể nói được nhiều thứ tiếng, phổ biến nhất là Anh, Nhật, Trung. Nhiệm vụ chính của Cảnh sát du lịch là bảo vệ du khách khỏi nạn trộm cắp, lừa đảo; bảo vệ du khách khỏi bị “chặt chém” trong lúc họ lưu trú tại thủ đô Hàn Quốc; hướng dẫn, giúp đỡ các du khách trong trường hợp họ bị lạc đường; đảm bảo trật tự, hạn chế việc người bán hàng và các xe taxi tăng giá ép khách...

Singapore: Là một Quốc đảo nằm trên tuyến đường biển huyết mạch của thế giới, có hệ thống cảng biển hiện đại, an toàn và hiệu quả, nhiều khu du lịch biển nổi tiếng như Sentosa, Sky Park, tượng Ngư Sư Merlion… Singapore có lợi thế rất lớn về phát triển du lịch biển và du lịch là ngành kinh tế phát triển thịnh vượng, thu hút nhiều ngoại tệ về cho quốc gia. Singapore còn nổi tiếng sạch sẽ và có cảnh quan tuyệt đẹp ở khu vực Đông Nam Á. Đây chính là yếu tố thu hút lượng du khách khắp nơi trên thế giới đến tham quan, du lịch Singapore.

Để phát triển ngành kinh tế du lịch biển, Tổng cục Du lịch Singapore đã thực hiện cơ cấu lại các bộ phận chức năng trong Tổng cục Du lịch để tăng hiệu quả hoạt động quản lý của cơ quan này; có chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các văn phòng đại diện ở nước ngoài; tạo ra sản phẩm mới độc đáo để hấp dẫn du khách gắn kết với hoạt động thương mại, nhằm khắc sâu hình ảnh đất nước Singapore trong tiềm thức của du khách. Bên cạnh những biện pháp thúc đẩy phát triển du lịch biển, Chính phủ Singapore còn thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu du lịch biển nhằm tạo sự yên tâm, thoải mái cho du khách khi tham quan tại đây.

Cụ thể, Chính phủ Singapore đưa ra quy định chặt chẽ về an ninh trật tự và chế tài xử phạt rất nặng góp phần làm lành mạnh môi trường du lịch như: Nghiêm cấm hút thuốc nơi công cộng, nếu vi phạm bị phạt 500 SGD; nghiêm cấm hành vi nhai kẹo cao su (nếu vi phạm bị phạt 1000 SGD và phải lao động công ích trong 10 giờ)... Singapore có chiến lược đồng bộ cho phát triển du lịch biển như công tác quảng bá, xúc tiến tốt, đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực có lợi thế như du lịch tàu biển... Bên cạnh đó, việc chú trọng xây dựng hệ thống luật pháp nghiêm minh, hiệu lực thực thi pháp luật cao nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và lành mạnh cho môi trường du lịch đã đưa đất nước Singapore trở thành điểm hấp dẫn trên thế giới.

Để phát triển ngành kinh tế du lịch biển, Tổng cục Du lịch Singapore đã thực hiện cơ cấu lại các bộ phận chức năng trong Tổng cục Du lịch để tăng hiệu quả hoạt động quản lý của cơ quan này; có chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các văn phòng đại diện ở nước ngoài; tạo ra sản phẩm mới độc đáo để hấp dẫn du khách gắn kết với hoạt động thương mại.

Tại một số nước châu Âu – Mỹ

Tây Ban Nha: Là quốc gia nằm ở phía Tây Nam của châu Âu, có gần 5.000 km đường bờ biển với những bãi tắm quyến rũ nhất thế giới như Barcelone, Saint Sebastián, Valence, Marbella… phát triển du lịch biển là thế mạnh hàng đầu của Tây Ban Nha.

Để bảo vệ khách du lịch đóng cửa nhiều bãi biển để ngăn ngừa du khách khỏi bị sứa biển tấn công; cử các tàu tuần tra dọc bờ biển nhằm phát hiện những đàn sứa trôi nổi về phía bờ, cắm cờ màu đỏ để cảnh báo những người đi bơi tránh xa vùng biển này. Tại các bãi biển, có các poster khuyến cáo, chỉ dẫn về an toàn rất chi tiết và cụ thể. Cách thức quản lý hoạt động du lịch biển hiệu quả, đem đến sự an tâm, thoải mái cho du khách đã giúp các bãi biển Tây Ban Nha trở thành một trong những địa chỉ du lịch hàng đầu thế giới.   

Thành phố New Orleans và Tiểu bang Hawaii (Mỹ): New Orleans là một Thành phố du lịch ven bờ Đại Tây Dương thuộc bang Louisiana của Mỹ, là một địa điểm du dịch nổi tiếng thế giới, hàng năm thu hút từ 8-10 triệu du khách, tạo ra gần 800 nghìn việc làm. Du lịch là ngành kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực. Tuy là địa điểm du lịch nổi tiếng song New Orleans còn là nơi thường xuyên bị tác động bởi thiên tai, bão lũ. Năm 2005, khi bão Katrina đổ bộ, làm ngập 80% diện tích Thành phố New Orleans. Thiệt hại vật chất lớn nhất xảy ra là ở vùng ven biển và các thị trấn bên bờ biển, trong đó ngành Du lịch biển cũng bị thất thu và thiệt hại nặng nề, song khủng khiếp nhất là thiệt hại về người rất lớn. Bài học rút ra sau thảm họa bão Katrina là Chính quyền New Orleans cần phải xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro khẩn cấp, trong đó không chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền Thành phố mà còn đòi hỏi sự tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; phải có sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống quản lý thảm họa quốc gia. Việc lập kế hoạch trước và xác định nguồn lực sống còn sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Các doanh nghiệp phải chủ động đưa ra biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn cho khách du lịch; có các biện pháp đối phó với thảm họa và giảm thiểu thiệt hại gây ra cho ngành Du lịch; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn sau thảm họa để ngành Du lịch được trở lại hoạt động bình thường như: Cung cấp thông tin chính xác, tin cậy và liên tục về tình trạng khẩn cấp hay thảm họa xảy ra; các quy định về sơ tán; cung cấp thức ăn, nước uống cho du khách, nhân viên…

Ở Mỹ, kinh nghiệm của Tiểu bang Hawaii trong phát triển du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự cũng được đánh giá là mô hình hiệu quả. Hawaii được coi là thiên đường du lịch với những bãi tắm, môn thể thao lặn biển, lướt ván nổi tiếng trên thế giới. Cùng với các chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch, chính quyền Tiểu bang đã xây dựng mô hình chiến lược về an toàn, an ninh nhằm chống các loại tội phạm, các hiện tượng tiêu cực, tạo môi trường an ninh, an toàn cho du khách đến Hawaii và các điểm du lịch. Mục tiêu của chiến lược an toàn, an ninh là: Phòng chống tội phạm bằng giáo dục cho du khách, dân cư, nhân viên du lịch về nguy cơ đối với sức khỏe và an toàn; Củng cố nỗ lực an ninh, phòng chống tội phạm; Thực thi tăng cường biện pháp an ninh sân bay, bến cảng, các khu vực trọng điểm du lịch cho khách và dân cư; Giải quyết các hoạt động tội phạm và tệ nạn tiêu dùng ma túy; Hỗ trợ, giúp đỡ người bị hại hoặc bị nạn trên địa bàn du lịch...

Để thực hiện chiến lược an toàn và an ninh hiệu quả, chính quyền Hawaii đã thực thi nhiều giải pháp trong đó có sự phối hợp giữa các lực lượng như: Chính phủ, cơ quan an ninh, công an, toàn án, công tố, bộ đất đai và tài nguyên môi trường; cơ quan tư nhân về an ninh (công ty vệ sĩ, bảo vệ), lực lượng an ninh tư nhân; cộng đồng hợp pháp (tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, hiệp hội…). Ngoài ra, Tiểu bang này còn thiết lập thêm các lực lượng hỗ trợ khác như: Văn phòng thống đốc bang, quận huyện, cơ quan dân sự, sở ngành, tổ chức du lịch; tổ chức khác có liên quan, người sở hữu đất, cư dân, khách du lịch. Với việc phát triển du lịch gắn với đảm bảo an ninh trật tự, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hawaii. Mỗi năm, Tiểu bang thu hút khoảng 8 triệu khách thăm quan và du lịch là nguồn thu nhập số 1 ở Hawaii với doanh thu trên 15 tỷ USD, góp phần tạo việc làm cho những người dân trên đảo.

Guatemala: Là quốc gia thuộc Trung Mỹ, nằm bên bờ Thái Bình Dương và biển Caribe, có nhiều đồi núi và rừng rậm cùng với các bãi biển trải dài phía Nam, có hồ lớn nhất là Lago de Izabal nằm gần bờ biển Caribe, nhiều di sản văn hóa, lịch sử lâu đời, Guatemala đã thu hút hàng triệu du khách đến mỗi năm. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành du lịch Guatemala đã không chú trọng đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, để xảy ra các vụ bạo lực, các loại tội phạm xuất hiện ngày càng tăng. Hệ quả là Thủ đô Guatemala bị nằm trong danh sách những Thành phố nguy hiểm nhất khi đi du lịch và du khách luôn được cảnh báo là hạn chế đến tham quan tại Thủ đô Guatemala. Ngành Du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề, lượng du khách giảm sụt mạnh do tình trạng mất an ninh trật tự đối với du khách ngày càng trầm trọng. Nạn cướp giật trên đường phố và trong các khu du lịch; tội phạm tấn công xe chở khách du lịch từ sân bay về khách sạn, tấn công xe chở khách du lịch đi tham quan các khu du lịch; tấn công khách du lịch tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên. Thêm vào đó là tình trạng tha hóa của đội ngũ nhân viên hải quan, an ninh (đòi tiền của khách du lịch khi làm thủ tục xuất nhập cảnh); nhân viên ngành Du lịch tùy tiện tăng giá vé tham quan; thậm chí chính quyền và lực lượng cảnh sát còn lũng đoạn mở đường cho các hoạt động tội phạm tại Guatemala.

Trước tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp, Chính phủ Guatemala xác định được tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo an ninh trật tự trong đời sống xã hội cũng như trong phát triển ngành kinh tế du lịch. Ngành Du lịch cũng nhận thức được rằng nếu không đầu tư đầy đủ nguồn lực tài chính để ngăn chặn các tệ nạn xã hội và các loại tội phạm, nhằm bảo an ninh an toàn cho du khách thì không thể phát triển.

Từ nhận thức trên, vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã được đặt lên hàng đầu trong các hội thảo bàn về cải tổ môi trường kinh doanh du lịch ở Guatemala. Chính phủ Guatemala cũng tiến hành ngay một chiến dịch “làm sạch môi trường du lịch” cùng hàng loạt chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường được triển khai với kinh phí tới 700 triệu USD. Đồng thời, Chính phủ nước này cũng đã phê duyệt một kế hoạch dài hạn đảm bảo an ninh trật tự, trong đó ngành du lịch và các ban ngành khác cùng triển khai song song 02 hoạt động chính là: Ngăn chặn và triển khai các hoạt động trực tiếp bảo vệ an ninh, an toàn cho du khách khi đi tham quan…

Để phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự vùng Duyên hải Nam Trung Bộ cần: Tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự vùng biển; Xây dựng các kế hoạch, đề án, quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch biển; Có các kế hoạch phòng chống rủi ro, xử lý khủng hoảng khi gặp những sự cố về môi trường biển, an ninh biển ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch.

Bài học rút ra cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

Từ thực tiễn phát triển kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự của các nước trên thế giới có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với phát triển kinh tế du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thời gian tới như sau:

Một là, nhận thức: Chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp du lịch cũng như người dân cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển kinh tế du lịch biển ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; nhận thức sâu sắc về mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển kinh tế du lịch biển với đảm bảo an ninh trật tự.

Hai là, sự phối hợp quản lý trong lĩnh vực du lịch và an ninh trật tự: Các cơ quan quản lý cần phối hợp, kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời những tình huống cụ thể và giải quyết những vụ việc liên quan đến phát triển kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự; phối hợp hỗ trợ du khách để tránh đi những hình ảnh xấu, quảng bá hình ảnh đẹp về điểm đến an toàn và văn minh.

Ba là, tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh trật tự vùng biển. Cụ thể là cần tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu cao của du khách và xu thế du lịch biển trên thế giới; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, khoa học công nghệ tiên tiến cho công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn du lịch biển, công tác khắc phục thảm họa, rủi ro trong du lịch biển.

Bốn là, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch và lĩnh vực an ninh trật tự: Cần xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Du lịch chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế du lịch biển hiện đại. Đồng thời, xây dựng, đào tạo, huấn luyện các đơn vị, lực lượng chuyên trách đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển kinh tế du lịch biển chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả và tạo dấu ấn của điểm đến an toàn, văn minh (lực lượng cảnh sát du lịch ở các nước châu Á).

Năm là, xây dựng các kế hoạch, đề án, quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch biển: Trong các kế hoạch, đề án phải xác định rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện kế hoạch, đề án, nhất là phải chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể tham gia hoạt động kinh tế du lịch biển và đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển du lịch biển. Trong quy chế phối hợp công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch biển phải xác định rõ nội dung phối hợp, quy trình và phương thức phối hợp cũng như vai trò, trách nhiệm của từng lực lượng tham gia phối hợp công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch biển.

Sáu là, cần chung tay vượt qua những rủi ro về môi trường biển: Cần có các kế hoạch phòng chống rủi ro, xử lý khủng hoảng khi gặp những sự cố về môi trường biển, an ninh biển ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch như: Nước biển dâng, bão biển, sóng thần; vấn đề tội phạm khủng bố hay dịch bệnh lây lan nghiêm trọng ở các địa bàn du lịch biển…