Kinh nghiệm quốc tế về phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp

Theo Tổng Cục Hải quan

Quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng và trở thành một trong 10 trụ cột của một cơ quan Hải quan hiện đại trong thế kỷ 21. Việc thiết lập quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp tốt sẽ tăng cường năng lực kiểm soát Hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại, vốn là các yếu tố cơ bản cho sự phát triển kinh tế.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Trong nhiều năm qua, nhiều nước trên thế giới đã không ngừng nỗ lực tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều chương trình hợp tác đã được triển khai tại các nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Hải quan thông qua mối quan hệ này. Dưới đây là trường hợp một số nước đã triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác Hải quan - Doanh nghiệp.

Chương trình hợp tác biên giới

Đây là chương trình hợp tác giữa Hải quan Úc với các nhóm ngành nghề và các công ty tham gia vào thương mại, vận chuyển quốc tế. Chương trình tập hợp kiến thức và kỹ năng của những người trong giới giúp ngăn chặn vận chuyển trái phép ma túy và nhập khẩu hàng phi pháp, có hại vào Úc.

Chương trình khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thông tin về bất kỳ hoạt động nghi vấn nào qua đường dây nóng hoạt động liên tục 24h/ngày.

Các thành viên tham gia chương trình ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Hải quan Úc để hợp thức hóa sự hợp tác này. Các MOU thể hiện sự hợp tác tự nguyện giữa hai bên chống lại các hoạt động phi pháp, nhưng không phải là một hợp đồng buộc thực hiện hay một văn bản ràng buộc có giá trị pháp lý.

Hải quan đào tạo toàn diện cho các thành viên của chương trình và giúp họ xác định các hoạt động hoặc các nghi vấn mà cơ quan Hải quan quan tâm. Cơ quan Hải quan thường xuyên duy trì liên lạc với các thành viên để tăng cường ý thức cảnh giác của họ.

Khi tham gia chương trình, các thành viên được Hải quan Úc thừa nhận là đối tác trong cuộc chiến chống lại các hoạt động phi pháp. Điều này đã tạo dựng uy tín cho họ trong kinh doanh, trước khách hàng và trong cộng đồng.

Doanh nghiệp có thể sử dụng cơ hội trở thành thành viên của chương trình đề xem xét các thỏa thuận về an ninh và giảm thiểu khả năng hoạt động kinh doanh của họ vô tình tiếp tay cho hoạt động phi pháp.

Chương trình tự đánh giá

Chương trình này được Hải quan Canada khởi xướng vào năm 2001 như là một giải pháp thương mại tiên tiến cho khách hàng muốn tuân thủ.

Dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro và đối tác, chương trình đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp nhập khẩu và cơ quan quản lý. Thông qua chương trình, khách hàng có cơ hội giảm đáng kể chi phí tuân thủ đồng thời nâng cao khả năng chấp hành quy định của Hải quan. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại có thể phân bổ nguồn lực vào các giao dịch có nguy cơ cao hoặc tiềm ẩn rủi ro.

Chương trình cho phép nhà nhập khẩu áp dụng quy trình kế toán và thanh toán giản lược cho tất cả hàng hóa nhập khẩu. Quy trình này cho phép nhà nhập khẩu sử dụng hệ thống riêng của mình để tự đánh giá và đáp ứng nghĩa vụ đối với cơ quan Hải quan.

Chương trình cũng cho phép nhà nhập khẩu, nhà vận chuyển đã được chứng thực và các tài xế đã đăng ký được lựa chọn hình thức thông quan giản lược cho các hàng hóa hợp pháp. Quy trình thông quan giản lược không đòi hỏi truyền dữ liệu giao dịch đối với hàng hợp pháp.

Chương trình đối tác an ninh xuất khẩu

Do Hải quan NewZealand thực hiện và được xem là yếu tố then chốt trong chiến lược đảm bảo an ninh dây truyền cung ứng của nước này. Đối tượng trọng tâm của chương trình là hàng xuất khẩu.

Hải quan mời doanh nghiệp tham gia chương trình bằng các thỏa thuận riêng. Mỗi thỏa thuận được hai bên cùng hợp tác xây dựng để nhận biết điều kiện riêng có của từng doanh nghiệp nhằm đảm bảo an ninh.

Về phía doanh nghiệp, họ có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho hoạt động của mình và chịu trách nhiệm giám sát, duy trì mức độ an ninh như đã thỏa thuận từ khâu đóng gói đến khâu giao hàng đến địa điểm bốc hàng xuất khẩu. Nhờ việc đảm bảo an ninh đối với hàng xuất khẩu, cơ quan Hải quan có thể hạn chế can thiệp vào các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Cũng nhờ việc giám sát mà doanh nghiệp hạn chế khả năng vô tình tham gia hoạt động thương mại bất hợp pháp.

Về phía Hải quan, họ có trách nhiệm tư vấn về quy định an ninh, giám sát sự tuân thủ các điều kiện an ninh và đảm bảo an ninh cho doanh nghiệp. Thông qua chương trình, Hải quan có được thông tin chính xác hơn về nội dung hàng xuất khẩu, cho phép cải thiện khả năng đánh giá rủi ro. Bên cạnh đó, chương trình đã tạo lập kênh thông tin cho doanh nghiệp báo cáo về bất kỳ hoạt động phi pháp nào cho cơ quan Hải quan.

Dự án đối tác minh bạch

Dự án là sự hợp tác giữa Hải quan Thái Lan và khối doanh nghiệp nhằm tăng cường hiệu quả thủ tục Hải quan hiện tại để đem lại dịch vụ nhanh chóng và minh bạch.

Khi tham gia dự án, doanh nghiệp không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào ngoài quy định phải có biên lai; giảm khoản bảo lãnh thuế; ưu tiên tiếp nhận khiếu nại về thái độ và chất lượng phục vụ kém tại trung tâm giám sát; làm thủ tục Hải quan và thông quan theo luồng riêng tại tất cả cửa khẩu xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp muốn tham gia dự án phải đăng ký với Trung tâm minh bạch của Hải quan và ký biên bản ghi nhớ với cơ quan Hải quan.

Trong bối cảnh Hải quan Việt Nam đang chủ trương thúc đẩy quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp tiến tới hiện thực hóa mục tiêu cải cách hiện đại hóa đến 2020, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế sẽ góp phần nâng cao nhận thức chung về lợi ích của mối quan hệ này và giúp gợi mở những ý tưởng để Hải quan và doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác và thực sự trở thành đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng quốc tế.