Kinh nghiệm quốc tế về phương thức tiếp cận tài chính vi mô

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 6/2020

Sức hút của mô hình tài chính vi mô ngày càng trở nên mạnh mẽ và lan tỏa đến các quốc gia đang phát triển, bởi ở các quốc gia này có hơn 1/2 dân số sống trên địa bàn nông thôn, năng suất lao động thấp và ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức, trong khi đó tài chính vi mô lại có khả năng mở ra cánh cửa cho người nghèo khởi nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định chi tiêu, cải thiện đời sống, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trên cơ sở phân tích điều kiện chính sách, hình thức tổ chức quản lý và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô thành công trên thế giới, đối chiếu với thực tiễn hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm phát triển các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam bền vững.

Tài chính vi mô và vai trò của tài chính vi mô trong phát triển kinh tế

Khái niệm tài chính vĩ mô

Tài chính vi mô (TCVM) xuất hiện từ rất sớm, ngay đầu thế kỷ thứ XVII. Dean Jonathan Swift đã xây dựng quỹ cho vay theo nhóm cho người nghèo tại Ireland, ông nhận ra rằng, nhiều người nghèo có các dự án để tin tưởng và có lợi tức cao nhưng không đủ khả năng về vốn để thực hiện (Hollis & Sweetman, 1997).

Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ thứ XX, mô hình này mới được phổ biến rộng rãi khi giáo sư Muhammad Yunus thành lập ngân hàng Grameen ở một vùng ngoại ô của Bangladesh như là một thử nghiệm cho vay vốn ở các nhóm đối tượng phụ nữ nghèo (Hassan, 2014). Thử nghiệm của Muhammad Yunus thành công đã khiến cụm từ “TCVM” lan tỏa mạnh mẽ đến các quốc gia đang phát triển và được nhiều tổ chức tiếp cận và tìm hiểu triển khai.

Theo quan điểm của Ngân hàng Phát triển châu Á, TCVM là việc cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính như tiền gửi, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và bảo hiểm cho người nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong đó, dịch vụ TCVM được thực hiện qua 3 nguồn: (1) Các tổ chức chính thức, bao gồm các ngân hàng nông thôn và hợp tác xã; (2) Các tổ chức bán chính thức như các tổ chức phi chính phủ; (3) Các nguồn không chính thức như người cho vay tiền và chủ cửa hàng (ADB, 2000).

Tại Việt Nam TCVM được định nghĩa là việc cung cấp các khoản vay rất nhỏ cho các hộ gia đình rất nghèo nhằm giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. Đồng thời, những người nghèo và rất nghèo, cũng giống như bao người khác, thường có nhu cầu rất lớn đối với nhiều loại công cụ tài chính để tích lũy tài sản, bình ổn tiêu dùng và tự bảo vệ mình trước rủi ro, nhưng họ lại không tiếp cận được các thể chế tài chính chính thức. Do vậy, TCVM thường liên kết hoạt động vay vốn với các dịch vụ khác như tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, chuyển giao dịch vụ để đáp ứng tối đa nhu cầu của họ (VMFWG, 2017).

Về mặt pháp lý, thuật ngữ TCVM được Việt Nam đề cập đến đầu tiên tại Nghị định số 28/2005/NĐ-CP với tên gọi “tài chính quy mô nhỏ”. 5 năm sau, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 khóa XII ngày 16/6/2010. Theo đó, TCVM được khẳng định là một loại hình tổ chức tín dụng của Việt Nam tại Khoản 5, Điều 4: “Tổ chức TCVM là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ”.

Vai trò của tài chính vĩ mô trong phát triển kinh tế

Thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính đến các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đặc biệt hướng đến các đối tượng có thu nhập thấp, TCVM đóng góp vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, cụ thể:

Dịch vụ tài chính vi mô được thực hiện qua 3 nguồn: (1) Các tổ chức chính thức, bao gồm các ngân hàng nông thôn và hợp tác xã; (2) Các tổ chức bán chính thức như các tổ chức phi chính phủ; (3) Các nguồn không chính thức như người cho vay tiền và chủ cửa hàng (ADB, 2000).

Thứ nhất, TCVM cho phép các cá nhân có thu nhập thấp tiếp cận được bộ sản phẩm tài chính đa dạng về tiết kiệm, kiều hối, tín dụng và bảo hiểm để họ có cơ hội thực hiện các hoạt động kinh doanh, xây dựng các phương án thoát nghèo hoặc tiết kiệm cho tuổi hưu.

Các nghiên cứu về tác động của TCVM đối với hộ nghèo cũng đã khẳng định dịch vụ TCVM có vai trò rất lớn trong việc giúp hộ nghèo bảo vệ sinh kế trước tác động của những cú sốc kinh tế (Gash & Gray, 2016). Đặc biệt, tại những quốc gia đang phải đối phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo như: Syria, Kenya, Tanzania, Uganda.. có đến hơn 75% người trưởng thành nằm ngoài hệ thống tài chính chính thức, thì TCVM là chiếc phao cứu sinh đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương khi họ cố gắng giảm thiểu chấn động, xây dựng tài sản và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương (El-Zoghbi, Chehade, McConaghy & Soursourian, 2017).

Thứ hai, TCVM là chìa khóa giúp nâng cao trình độ học vấn của lực lượng lao động, hướng tới một xã hội hòa bình và thịnh vượng. Theo UNICEF (2019), tính đến năm 2017, có 262 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 5 – 17 không được đến trường. Ngoài ra, còn có khoảng 387 triệu trẻ em ở độ tuổi tiểu học và 230 triệu thanh thiếu niên ở độ tuổi trung học cơ sở chưa đạt đến trình độ biết chữ và số cơ bản.

Chi phí giáo dục cao là một trong những nguyên nhân cản trở các hộ gia đình nghèo cho con em đến trường. TCVM đã tiếp cận các đối tượng này thông qua các sản phẩm mới dựa trên tài chính số với những cách thức an toàn và thuận tiện để các hộ nghèo có thể tiết kiệm, thanh toán và vay tiền đầu tư cho giáo dục (Braniff, 2017).

Thứ ba, TCVM giúp khách hàng, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, có thể sử dụng các dịch vụ y tế, bảo hiểm để nâng cao điều kiện sống cho họ một cách hiệu quả. Ngày càng có nhiều tổ chức TCVM cung cấp các dịch vụ liên quan đến sức khỏe và thiết lập mối liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ y tế để tạo điều kiện tiếp cận việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Leatherman & Dunford, 2010). Tương tự, MkNelly & Dunford (1999) đã tìm thấy những thay đổi đáng kể trong quan điểm chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng ở các bà mẹ khi họ tham gia chương trình tích hợp của các ngân hàng làng xã và giáo dục sinh tồn.

Các phương thức tiếp cận tài chính vi mô trên thế giới

TCVM ở các quốc gia trên thế giới đều thống nhất ở quan điểm hướng tới những khách hàng nghèo hoặc rất nghèo dựa trên hoạt động kinh doanh thực thụ, có lợi nhuận, chứ không phải vì mục đích từ thiện. Chính vì không có sự bao cấp của Nhà nước nên lãi suất cho vay của các tổ chức TCVM thường cao hơn khá nhiều so với các tổ chức tín dụng nông thôn nhà nước. Mặc dù vậy, các tổ chức TCVM vẫn ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Mô hình Grameen Bank (GB)

GB là tổ chức TCVM đầu tiên của Bangladesh, được thành lập năm 1976 dưới danh nghĩa một dự án kinh tế nông thôn của Trường Đại học Chittagong. Mục tiêu ban đầu của dự án là cho vay thí điểm đối với những nông dân nghèo, không có tài sản thế chấp nhằm giúp họ có vốn để thực hiện quá trình sản xuất kinh doanh. Dự án đi vào hoạt động với mức thành công ngoài mong đợi nên đã được phát triển thành ngân hàng độc lập vào năm 1983. Đến năm 2006, GB cùng với người sáng lập ra nó, Tiến sĩ Muhammad Yunus đã được trao giải Nobel về Hòa bình vì những nỗ lực tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội cho người nghèo.

Theo báo cáo của GB, tính đến tháng 11/2019, ngân hàng này có đến 9,6 triệu thành viên, trong đó 97% là phụ nữ. Với 2.568 chi nhánh, GB đang cung cấp dịch vụ TCVM cho 81.678 ngôi làng, chiếm hơn 93% tổng số làng ở Bangladesh (GB, 2019). Lãi suất cho tất cả các khoản vay cơ bản là khá cao, từ 20 – 30%, nhưng dưới áp lực nhóm và lợi ích cá nhân, tỷ lệ trả nợ cho các khoản vay này đạt đến 98,92% (GB, 2020). Các chương trình tín dụng tại GB tập trung vào nhiều hoạt động khác nhau như trồng trọt, chăn nuôi gia súc-gia cầm-thủy sản, hoạt động kinh doanh nhỏ, lâm nghiệp và thủ công mỹ nghệ.

Sự khác biệt trong tín dụng của GB so với các ngân hàng thương mại thông thường được thể hiện thông qua một số đặc trưng cơ bản sau:

- Ưu tiên nhóm người nghèo nhất trong nhóm người nghèo được vay vốn, trong đó tập trung vào đối tượng vay vốn là phụ nữ.

- Người vay được tổ chức thành các nhóm nhỏ, bao gồm 5 thành viên sống trong cùng khu dân cư hoặc cùng làng, xã. Mỗi nhóm bầu ra một tổ trưởng đảm nhận việc tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tuần để lập kế hoạch và thực hiện các quyết định phát triển cấp vi mô, phổ biến thông tin, nắm bắt khả năng hoàn trả cũng như sự đảm bảo trong khoản vay… Điều này có nghĩa GB đã chú trọng vào cộng đồng địa phương, để người dân cùng nhau tham gia vay vốn nhưng đồng thời kiểm soát các khoản nợ lẫn nhau vì sự phát triển của chính bản thân họ.

Tính đến năm 2019, Việt Nam có 1.182 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trải dài khắp 57 tỉnh, thành phố (Hiệp hội Qũy Tín dụng nhân dân, 2019) cùng với 30 tổ chức tài chính vi mô (VMFWG, 2020). Sản phẩm dịch vụ từ các tổ chức tài chính vi mô chủ yếu là tín dụng và tiết kiệm, các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và bảo hiểm vi mô chưa phát triển đầy đủ.

- Điều kiện cho vay đặc biệt phù hợp với người nghèo như: (i) các khoản cho vay không có bất kỳ tài sản thế chấp nào; (ii) các khoản vay phải được trả góp hàng tuần trong năm; (iii) các nhóm vay và nhân viên ngân hàng sẽ đồng thời giám sát chặt chẽ tín dụng cá nhân; (iv) nhấn mạnh về kỷ luật tín dụng và sự đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau; (v) có biện pháp an toàn đặc biệt thông qua tiết kiệm để giảm thiểu rủi ro mà người nghèo phải đối mặt.

Thành công của GB đã truyền cảm hứng cho hơn 40 quốc gia trên thế giới áp dụng các dự án tương tự. Các tổ chức phi chính phủ cũng luôn khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển nhân rộng mô hình tín dụng cho người nghèo theo kiểu GB.

Mô hình ngân hàng vi mô (MC2 )

MC2 là các ngân hàng vi mô phát triển nông thôn được tạo ra và quản lý bởi các thành viên của cộng đồng liên quan đến các giá trị văn hóa xã hội và phong tục địa phương của họ, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức phi chính phủ ADAF và sự tài trợ của Afriland First Bank – một ngân hàng nổi tiếng tại Cameroon. Người đề xuất khái niệm này là tiến sĩ Paul K. Fokam, ông đã lấy cảm hứng từ công thức nổi tiếng của Enstein MC2 để đưa vào mô hình với ý nghĩa: Chiến thắng nghèo đói (VP) sẽ đạt được với điều kiện là có sự kết hợp giữa phương tiện (M – Mean) và năng lực (C – Competences) của cộng đồng (C – Community) theo công thức (Fotabong, 2011):

VP = M*C*C = MC2

Sứ mệnh của MC2 là cung cấp cho người dân nông thôn một công cụ để hỗ trợ phát triển cá nhân và toàn bộ cộng đồng nông thôn. Hoạt động của MC2 được triển khai thành theo 5 giai đoạn:

Ở giai đoạn đầu tiên, MC2 đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiết kiệm đối với công cuộc giảm nghèo; về sức mạnh của nỗ lực bản thân để thay đổi vận mệnh của họ chứ không phải trông chờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài. Giáo dục nhận thức được thực hiện thông qua các cuộc họp mặt cộng đồng và các diễn đàn trao quyền cho phụ nữ. Đây chính là bước đệm để thúc đẩy huy động nguồn lực ở giai đoạn thứ hai.

Sang giai đoạn thứ hai, MC2 tiến hành huy động tiến tiết kiệm và tiền gửi trong cộng đồng bằng cách thành lập các quỹ xã hội, trung bình khoảng 15 triệu FCFA (đơn vị tiền tệ của các quốc gia Tây Phi, tương đương với 577 triệu đồng, tính theo giá hiện hành 2020) cho mỗi quỹ tương hỗ. Để tham gia vào quỹ, mỗi người phải trả trung bình 2.500 FCFA (tương đương 96.000 đồng) cho 10 cổ phần (10.000 FCFA) và cam kết tiết kiệm ít nhất 1000 FCFA mỗi tháng (Mees & Bomda, 2006). Những nguồn lực được huy động trong giai đoạn này sẽ cho phép MC2 bắt đầu chức năng cho vay ở giai đoạn kế tiếp.

Trong giai đoạn thứ ba, MC2 thực hiện vai trò trung gian, điều phối các khoản tiền gửi từ quỹ tương hỗ để cấp tín dụng cho các hoạt động kinh tế cá nhân với mong muốn tạo ra thu nhập cho họ.

Đến giai đoạn thứ tư, ngân hàng vi mô MC2 đã hiện thực hóa các dự án kinh tế cộng đồng bằng cách trích một phần lợi nhuận để tài trợ cho các dự án.

Giai đoạn thứ năm, MC2 thực hiện các dự án phát triển xã hội bằng các nguồn lực được tạo ra trong giai đoạn 3 và 4 như xây dựng bệnh viện, trung tâm y tế, trường học, vòi nước công cộng…

Với quan điểm, việc áp dụng lãi suất cao cho người nghèo là không phù hợp với chiến lược chống đói nghèo nên tín dụng cho vay tại MC2 thường thấp hơn so với trên thị trường (khoảng từ 10 – 15%). Để kiểm soát chi phí, MC2 đặt trọng tâm vào các yếu tố khác ngoài lãi suất, như chất lượng danh mục đầu tư, khối lượng tiền gửi và kinh tế theo quy mô.

Trải qua gần 30 năm hoạt động, tính nhân văn của mô hình TCVM mà MC2 tạo ra cho cộng đồng đã thực sự gây được ấn tượng mạnh và lan tỏa đến khác trong xã hội. Tính đến năm 2011, có hơn 81 ngân hàng vi mô MC2 ra đời với mạng lưới bao gồm 650.000 người được hưởng lợi. Tính tự lực tự thân của mỗi cá nhân trong mô hình này đã tạo nên chất xúc tác rất mạnh mẽ cho cuộc chiến chống đói nghèo và sự phát triển nông thôn.

Mô hình ngân hàng làng xã

Mô hình ngân hàng làng xã được phát triển lần đầu tiên vào những năm 1980 tại Bolivia bởi John Hatch – một chuyên gia người Mỹ về phát triển kinh tế và là người tiên phong trong lĩnh vực TCVM hiện đại. John Hatch đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên Quỹ hỗ trợ cộng đồng quốc tế (FINCA) trong một chuyến đi tư vấn ở Bolivia. Tại đây, ông nhận định rằng, thiếu vốn đang khiến nông dân Bolivia nghèo khó.

Các khoản vay truyền thống với lãi suất quá cao trong khi nông dân không có tài sản thế chấp khiến họ càng không thể vay mượn. Chính vì vậy, ông đã phác thảo cách tiếp cận cấp tiến: cung cấp các khoản vay nhỏ cho người nghèo có khả năng biến đổi toàn bộ cộng đồng một cách bền vững (FINCA, 2020).

Phương tiện để đạt được mục đích này là ngân hàng làng xã, có nhiệm vụ cung cấp cho các gia đình nghèo nhất-đặc biệt là những gia đình do các bà mẹ đơn thân làm chủ-những khoản vay nhỏ để tài trợ cho các hoạt động có khả năng tạo ra thu nhập tăng thêm. Mỗi ngân hàng làng xã là một nhóm từ 30 – 60 thành viên, tất cả đều là phụ nữ.

Ngay sau khi ngân hàng làng xã được khánh thành, FINCA đã cấp các khoản vay đối với các thành viên của ngân hàng, đồng thời bầu cử ban quản lý, đào tạo các thành viên cũng như thiết lập các luật lệ và quy tắc để quản lý ngân hàng hiệu quả.

Thông kê cho thấy, kể từ khi thành lập đến nay, ngân hàng làng xã đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu gia đình, cho các hộ gia đình nghèo nhất thế giới vay hơn 360 triệu USD với tỷ lệ trả nợ lên đến 98%. Với hiệu quả mà mô hình ngân hàng làng xã mang lại thì ngoài FINCA, hiện có khoảng 30 tổ chức phi chính phủ khác cũng đã thành lập hơn 800 mô hình ngân hàng làng xã tại 60 quốc gia trên thế giới (FINCA, 2020).

Thực tiễn hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam

TCVM xuất hiện ở Việt Nam vào cuối những năm 1980 thông qua các hoạt động của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các chương trình hỗ trợ phát triển chính thức song phương và đa phương (Nguyễn Kim Anh, 2016). Những dự án của các tổ chức này đã bắt đầu cung cấp các khoản tín dụng nhỏ cho một số khu vực ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn với mục tiêu chung là xóa đói giảm nghèo và giảm bất bình đẳng thu nhập.

Tuy nhiên, TCVM ở Việt Nam có sự khác biệt rõ nét so với các quốc gia khác trên thế giới, đó là sự tham gia đồng thời của các tổ chức nhà nước và các tổ chức ngoài nhà nước. Những tổ chức do Nhà nước sở hữu như: Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Hợp tác xã đều hoạt động với ưu tiên phục vụ người nghèo, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tính đến năm 2019, Việt Nam có 1.182 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trải dài khắp 57 tỉnh, thành phố (Hiệp hội Qũy Tín dụng nhân dân, 2019) cùng với 30 tổ chức TCVM (VMFWG, 2020). Sản phẩm dịch vụ từ các tổ chức TCVM chủ yếu là tín dụng và tiết kiệm, các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và bảo hiểm vi mô chưa phát triển đầy đủ.

Trong hoạt động tín dụng, các tổ chức TCVM ở Việt Nam hầu hết cung cấp cho vay dưới 2 hình thức: cho vay theo nhóm và cho vay cá nhân, nhưng cho vay theo nhóm chiếm tỷ trọng lớn. Xét về quy mô thị trường, Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm ưu thế nổi bật trong cung cấp tín dụng, bởi mức lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất của các tổ chức TCVM với 71% thị phần vay (tương đương khoảng 6,9 triệu món vay nhỏ).

Trong khi đó, thị phần khách hàng của tất cả các tổ chức TCVM là 8%, tương đương với thị phần của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên mức dư nợ cho vay chỉ chiếm 2% thị phần. Tương tự, đối với khoản tiết kiệm, Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn dẫn đầu số lượng khách hàng gửi tiết kiệm, chiếm 70%, còn các tổ chức TCVM có thị phần không đáng kể với 7% số lượng khách hàng và 2% quy mô tiền gửi (Đào Lan Phương, Đào Thúy Vân, 2017). Điều này cho thấy, vai trò của các tổ chức TCVM tại Việt Nam còn mờ nhạt ở hoạt động tín dụng và tiết kiệm.

Song song với các hoạt động tài chính, các tổ chức TCVM đã thành công trong việc triển khai các dịch vụ phi tài chính khác, điều mà các tổ chức tài chính quy mô lớn như Ngân hàng Chính sách Xã hội hay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa làm được. Các tổ chức TCVM tiêu biểu như TYM, CEP đã thực hiện các dịch vụ hỗ trợ sinh kế, đào tạo nâng cao năng lực, đào tạo về giới và môi trường, tổ chức các buổi tập huấn về kiến thức nông nghiệp, giáo dục sức khỏe, giáo dục khả năng tự quản lý tài chính cá nhân…

Bài học kinh nghiệm để nâng cao khả năng tiếp cận tài chính vi mô ở Việt Nam

Qua kinh nghiệm hoạt động của các mô hình TCVM thành công trên thế giới, cùng với quá trình phát triển TCVM tại Việt Nam, có thể đưa ra một số bài học kinh nghiệm để phát triển TCVM ở Việt Nam như sau:

Một là, nhận thức đúng về mục đích và tính hiệu quả của các tổ chức TCVM. Mục đích của các tổ chức TCVM là hướng tới người nghèo trong xã hội, trao cho người nghèo cơ hội để thoát nghèo nhằm xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Tuy nhiên, hoạt động TCVM không phải là hoạt động mang tính từ thiện mà có nguyên tắc kinh doanh theo hướng bù đắp chi phí và có lãi.

Hai là, hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với lĩnh vực TCVM. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý nên xem xét đặc thù hoạt động của TCVM là các khách hàng ở các làng, bản xa trung tâm, không tiếp cận được với các tổ chức tín dụng chính thức, nên mạng lưới hoạt động của các tổ chức TCVM thường rất rộng, dẫn đến chi phí quản lý và điều hành cao. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức TCVM theo Thông tư số 19/2019/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Đây là tín hiệu tích cực cho hoạt động của các tổ chức TCVM tại Việt Nam.

Ba là, tổ chức TCVM cần có lộ trình chuyển đổi từ bán chính thức lên chính thức. Sự chuyển đổi này là quá trình tương đối lâu dài, chuyển đổi căn bản từ hoạt động bán chính thức, thiếu tính chuyên nghiệp sang hoạt động mang tính chuyên nghiệp cao, trở thành một trung gian tài chính thực sự, được đặt dưới sự giám sát và quản lý của ngân hàng trung ương. Thành công của các tổ chức TCVM chính thức như GB, MC2 hay ngân hàng làng xã đều khởi đầu từ những khoản vay nhỏ, từ một nhóm đối tượng người nghèo nhất định.

Do vậy, để tạo cơ hội trong chuyển đổi, các tổ chức TCVM cần tăng cường mối quan hệ với các tổ chức đã được cấp phép và các nhóm công tác TCVM tại Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời cùng nhau vận động chính sách để có được những chính sách phù hợp và thực sự đem lại lợi thế cho ngành TCVM.

Bốn là, tất cả các tổ chức TCVM, muốn phát triển bền vững và tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, trước hết cần xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là nền tảng ứng dụng công nghệ số. Theo đó, các tổ chức TCVM cần cải thiện cơ sở hạ tầng hệ thống thanh toán để bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế số của quốc gia và thế giới.

Tuy nhiên, ở nhiều vùng xa xôi hẻo lánh của Việt Nam, người dân chưa có nhiều hiểu biết về công nghệ, kiến thức tài chính, thì việc khuyến khích khách hàng sử dụng ngay dịch vụ tài chính số có thể sẽ gặp một số khó khăn. Do đó, khi hoàn thiện và triển khai áp dụng công nghệ số, các tổ chức TCVM nên từng bước giúp người dân quen với các hoạt động tài chính số, hiểu biết hơn về các sản phẩm, dịch vụ được cung ứng từ tổ chức TCVM để họ tự tin hơn và dễ dàng chấp nhận sử dụng các dịch vụ tài chính số.

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2010), Luật Các Tổ chức tín dụng, Luật số 47/2010/QH12;
2. Đào Lan Phương, Đào Thúy Vân (2017), Thực trạng và giải pháp phát triển hoạt động TCVM tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, 169-180;
3. Hiệp hội QTDND (2019), Báo cáo kết quả hoạt động năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam;
4. Nguyễn Kim Anh (2017), Sản phẩm dịch vụ TCVM: Thực trạng và giải pháp phát triển, Hà Nội: Nhóm công tác TCVM Việt Nam;
5. VMFWG (2019), Báo cáo hoạt động 2018, Nhóm công tác TCVM Việt Nam;
6. VMFWG (2020), Báo cáo kết quả hoạt động 2019, Nhóm công tác TCVM Việt Nam;
7. The World Bank (2019), Tổng quan về Việt Nam, Retrieved Truy cập: 2020, from Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: https://www.worldbank.org;
8. VMFWG (2017), TCVM là gì, Retrieved 2020, from Vietnam Microfinance Working Group: https://microfinance.vn;
9. UNICEF (2019), Annual Report 2018, UNICEF;
10. ADB (2000), Finance for the Poor: Microfinance Development Strategy, Asian Development Bank.