Kinh nghiệm xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh cho Việt Nam
(Tài chính) Việc nghiên cứu kinh nghiệm sử dụng các sản phẩm chứng khoán phái sinh ở các ngân hàng hay các tổ chức tài chính tại Australia là rất cần thiết đối với quá trình nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam hiện nay nói riêng và là bài học kinh nghiệm quan trọng trong việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam trong thời gian tới.
Từ lâu, các NHTM trên thế giới đã sử dụng các sản phẩm chứng khoán phái sinh nhằm nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Tại Australia, bốn NHTM lớn nhất nước này là Australia and New Zealand Bank Group (ANZ), Commonwealth Bank of Australia (CBA), National Austrlia Bank (NAB) và Westpac Banking Corporation (WBK) đã sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm chứng khoán phái sinh. Việc làm này đã mang lại không chỉ hiệu quả giảm thiểu rủi ro mà còn tăng thêm lợi nhuận cho ngân hàng.
Công cụ chứng khoán phái sinh đối với quản trị rủi ro
Chứng khoán phái sinh là những hợp đồng tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào giá trị hoặc mức độ sinh lời của một tài sản khác được gọi là tài sản tham chiếu hay tài sản cơ sở (underlying asset) [1]. Tài sản cơ sở bao gồm hàng hóa thông thường, cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số chứng khoán, lãi suất hoặc tỷ giá. Sản phẩm chứng khoán phái sinh bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau nhưng tập trung 4 nhóm sản phẩm chính: Hợp đồng kỳ hạn (Forwards); Hợp đồng tương lai (Futures); Hợp đồng quyền chọn (Options) và Hợp đồng hoán đổi (Swaps).
Hợp đồng kỳ hạn là sản phẩm chứng khoán phái sinh cơ bản nhất. Đây là hợp đồng thỏa thuận mua bán một loại tài sản nào đó với một mức giá xác định, thực hiện sau một kỳ hạn nhất định trong tương lai. Việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản cơ sở giữa người mua và người bán không thực hiện tại thời điểm ký hợp đồng mà được thực hiện vào một thời điểm xác định trong tương lai. Các bên tham gia hợp đồng kỳ hạn có thể gặp gỡ trực tiếp để thương thảo các điều khoản trong hợp đồng như giá cả, kỳ hạn của hợp đồng. Khi hết hạn hợp đồng, bên bán và bên mua thanh toán trực tiếp cho nhau. Do đó, các bên tham gia hợp đồng có thể chịu rủi ro tín dụng của nhau nếu một bên mất khả năng thanh toán.
(1) Hợp đồng tương lai về bản chất là một hợp đồng cam kết có kỳ hạn tương tự như hợp đồng kỳ hạn, là sự thỏa thuận giữa người mua và người bán về một loại tài sản nào đó với số lượng nhất định, trong một mức giá nhất định tại một thời điểm trong tương lai. Hợp đồng tương lai được xem là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa vì các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng được tạo ra và chuẩn hóa bởi Sở Giao Dịch Chứng khoán (SGDCK). Do đó, người mua và người bán gặp nhau thông qua SGDCK để thỏa thuận giá cả hoặc hợp đồng. Các bên không có quyền thương lượng về các điều khoản và điều kiện chuẩn của hợp đồng mà chỉ có quyền thỏa thuận giá cả.
(2) Hợp đồng quyền chọn là một dạng hợp đồng giữa bên mua và bên bán, trong đó bên mua có quyền mà không có nghĩa vụ thực hiện quyền đã thỏa thuận. Có hai loại hợp đồng quyền chọn chính[2]:
Hợp đồng quyền chọn mua (call option) là hợp đồng mà bên mua có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) mua tài sản cơ sở trong tương lai theo giá thỏa thuận tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Hợp đồng quyền chọn bán (put option) là hợp đồng mà bên mua có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) bán tài sản cơ sở trong tương lai theo giá thỏa thuận tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Hợp đồng quyền chọn mua hạn chế rủi ro khi giá tài sản cơ sở tăng giá và hợp đồng quyền chọn bán hạn chế rủi ro khi giá tài sản cơ sở giảm giá. Vì vậy, hợp đồng quyền chọn được xem như một loại hợp đồng bảo hiểm mà người sở hữu có quyền sử dụng khi điều kiện thị trường biến động. Để có quyền này, người mua quyền phải trả phí cho người bán quyền và được gọi là phí mua quyền. Khoản phí này được thanh toán ngay khi hợp đồng có hiệu lực.
Hai mô hình cơ bản được áp dụng định giá quyền chọn trước khi kết thúc hợp đồng là (i) mô hình nhị thức và (ii) mô hình định giá quyền chọn Black-Scholes. Cả hai mô hình đều căn cứ vào yếu tố lợi nhuận do chênh lệch giá tại những thời điểm khác nhau, tuy vậy, mô hình ngang giá quyền tập trung vào kết quả đầu tư của thời điểm kết thúc hợp đồng, còn mô hình Black-Scholes tập trung vào những kết quả đầu tư trong khoảng thời gian nhất định. Đây là hai mô hình đã được sử dụng từ lâu trên thế giới.
Trong những năm gần đây, các tổ chức tài chính trong đó có các NHTM còn đưa vào sử dụng một số chiến lược sử dụng quyền chọn, và nó mang lại một số kết quả khá hữu ích. Đó là các mô hình như:
Protective Put : thay vì chỉ đầu tư vào cổ phiếu dường như là khá rủi ro nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào cổ phiếu và mua một quyền chọn bán cổ phiếu. Điều này cho phép cho dù có điều gì xảy ra đối với giá cổ phiếu nhà đầu tư luôn được đảm bảo khoản thanh toán bằng giá thực hiện của quyền chọn bán bởi vì quyền chọn bán cho phép quyền được bán cổ phiếu đó tại mức giá thực hiện ngay cả khi giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực hiện đó.
Covered calls: là một chiến lược đầu tư phổ biến của các nhà đầu tư có tổ chức. Chiến lược covered calls bao gồm mua một cổ phiếu đồng thời mua một quyền chọn mua cổ phiếu đó. Quyền chọn mua được “che chở” bởi nghĩa vụ thanh toán giao cổ phiếu trong tương lai được đảm bảo bằng cổ phiếu nắm giữ trong danh mục đầu tư bằng cách bán quyền chọn mà không cần vị thế cổ phiếu đối ứng.
Mua straddle: được thiết lập bằng cách mua đồng thời cả quyền chọn mua và quyền chọn bán một cổ phiếu, mỗi quyền đều có cùng mức giá thực hiện, và cùng ngày đáo hạn. Straddle là một chiến lược hữu ích cho các nhà đầu tư tin rằng giá cổ phiếu sẽ biến động mạnh nhưng không chắc chắn về xu hướng biến động. Chiến lược straddle sẽ hoạt động hiệu quả cho dù kết quả vụ kiện xảy ra thế nào bởi vì giá trị chiến lược cao nhất khi giá cổ phiếu làm cho biến động tăng hoặc giảm đạt đến mức cực đại hoặc cực tiểu so với giá thực hiện.
Spread: là kết hợp của hai hoặc nhiều hơn quyền chọn mua (hoặc hai hoặc nhiều hơn quyền chọn bán) cùng một cổ phiếu với mức giá thực hiện khác nhau hoặc thời gian đáo hạn khác nhau. Một số quyền chọn được mua, trong khi các quyền chọn khác được bán. Money spread liên quan đến mua một quyền chọn và đồng thời bán quyền chọn khác với ngày đáo hạn khác nhau. Đây được gọi là bullish spread bởi vì cấu trúc thanh toán hoặc tăng lên hoặc không bị ảnh hưởng bởi mức tăng lên của giá chứng khoán. Người nắm giữ chiến lược bullish spread sẽ có lợi khi giá cổ phiếu tăng lên.
(3) Hợp đồng hoán đổi là cam kết hợp đồng giữa hai bên trao đổi một chuỗi các dòng tiền trong tương lai. Thông thường, một dòng tiền trao đổi được xác định trước trong khi dòng tiền kia phụ thuộc vào sự biến động của tài sản cơ sở trong tương lai (ví dụ hợp đồng hoán đổi lãi suất cố định với lãi suất thả nổi). Cũng có trường hợp cả hai dòng tiền đều phụ thuộc vào kết quả của tài sản cơ sở khác nhau trong tương lai (ví dụ hợp đồng hoán đổi cổ phiếu phụ thuộc vào hai tài sản cơ sở là lãi suất và giá cổ phiếu). Các tài sản cơ sở hoán đổi bao gồm lãi suất, tiền tệ, rủi ro tín dụng, cổ phiếu, hàng hóa cơ bản, bất động sản.[3]
Chứng khoán phái sinh là sản phẩm mới của thị trường tài chính trong những thập kỷ gần đây. Một trong những ứng dụng truyền thống của chứng khoán phái sinh là phòng hộ rủi ro (hedging). Các doanh nghiệp có các khoản vay theo lãi suất thả nổi có thể thực hiện hợp đồng hoán đổi lãi suất (Interest rate swap) để giảm thiểu rủi ro bằng cách hoán đổi lãi suất thả nổi thành lãi suất cố định. [4]
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán phái sinh tại Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới còn nhờ vào một ứng dụng khác của công cụ này mà như Alan Greespan, nguyên Chủ tịch Cục Dự Trữ Liên bang Mỹ đã từng phát biểu: “Trong suốt những năm qua, chúng ta đã thấy rằng chứng khoán phái sinh đã trở thành một công cụ hết sức hữu hiệu để chuyển giao rủi ro từ những người không sẵn sàng chấp nhận cho đến những người sẵn sàng chấp nhận nó”. Nói cách khác, các sản phẩm chứng khoán phái sinh đã được sử dụng để tổng hợp, gia công, chế biến rủi ro vào các sản phẩm hiện có trong danh mục đầu tư để tạo thành một danh mục đầu tư mới có đặc điểm rủi ro – mức sinh lời khác với danh mục đầu tư gốc nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ví dụ, một nhà đầu tư có danh mục các trái phiếu có lãi suất thả nổi. Tuy nhiên, nhà đầu tư dự báo lãi suất thị trường sẽ biến động mạnh trong thời gian tới do đó muốn biến danh mục của mình thành một danh mục có lãi suất cố định. Cách đơn giản nhất là thực hiện hợp đồng hoán đổi lãi suất (IRS), nhà đầu tư sẽ trả lãi suất thả nổi và nhận lãi suất cố định.[5]
Trong hoạt động của các ngân hàng, rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá luôn là mối quan tâm hàng đầu. Chứng khoán phái sinh giúp giảm thiểu biến động giá trị tài sản của ngân hàng gây ra do những thay đổi không như kỳ vọng về lãi suất, tỷ giá và giá hàng hóa. Do đó, nó có thể giảm thiểu khả năng mà giá trị tài sản có thể giảm xuống thấp hơn giá trị nợ của ngân hàng, từ đó sẽ làm giảm thiểu chi phí tài chính kiệt quệ (financial distress) và giảm thiểu rủi ro vỡ nợ. Hợp đồng hoán đổi lãi suất cung cấp cho ngân hàng với lãi suất thả nổi được điều chỉnh cùng với những thay đổi của lãi suất thị trường nhằm bảo vệ thu nhập lãi suất của ngân hàng trong giai đoạn lãi suất tăng lên.
Ngoài ra, các sản phẩm chứng khoán phái sinh có ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của ngân hàng bởi vì một số sản phẩm chứng khoán phái sinh được sử dụng như sản phẩm thay thế cho các chứng khoán nợ và chứng khoán vốn[6] do đó có thể làm tăng khả năng nợ của ngân hàng.
Sử dụng chứng khoán phái sinh tại các ngân hàng của Australia
Thị trường tương lai Sydney (Sydney Futures Exchange – SFE) là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng về tổng giá trị các hợp đồng tăng hơn 50% từ 2004 đến 2008. Trong đó, các giao dịch phái sinh về lãi suất và trái phiếu có mức tăng trưởng mạnh nhất và đạt khối lượng giao dịch lớn nhất.
Bảng: Tốc độ tăng trưởng của một số sản phẩm phái sinh trên SFE
Hợp đồng |
Khối lượng trung bình hàng ngày |
% tăng trưởng |
SFE SPI 200 90 Day Bank Bill Futures 3 Year Bond Futures 10 Year Bond Futures Tổng |
28,812 87,583 126,988 53,292 314,306 |
49% 57% 45% 60% 52% |
Nguồn: Sydney Futures Exchange
Trên thị trường SFE, các ngân hàng vừa sử dụng các công cụ tài chính phái sinh để phòng tránh rủi ro (hedging) vừa sử dụng các công cụ này nhằm mục đích kiếm lời. Hợp đồng hoán đổi lãi suất (IRS) được sử dụng nhiều nhất trong cả 4 ngân hàng ANZ, NAB, CBA, WBK nhằm giảm thiểu rủi ro hoặc đầu cơ biến động lãi suất. Đây là hợp đồng mà các ngân hàng thực hiện nhằm trao đổi dòng lãi suất trên cơ sở một số tiền gốc danh nghĩa nhất định và theo một lịch thanh toán cố định. Quy ước tính lãi suất trên SFE là 360 ngày. Các ngân hàng thường sử dụng hợp đồng này để tạo sự phù hợp giữa cơ cấu lãi suất của tài sản và các nghĩa vụ nợ.
Ngân hàng NAB chủ yếu sử dụng hợp đồng hoán đổi lãi suất nhằm quản trị rủi ro lãi suất, tổng giá trị hợp đồng IRS đạt 1.001.436 triệu AUD trong năm 2007 và đã tăng lên 1.041.561 triệu AUD tính đến 30/09/2009 và đạt 1.201.215 AUS năm 2011. Westpac có giá trị hợp đồng IRS thấp nhất trong 4 ngân hàng, tuy nhiên con số này đã tăng mạnh trong năm 2009 (62.52%). Điều này cho thấy, hợp đồng hoán đổi lãi suất vẫn là công cụ được các ngân hàng yêu thích sử dụng trong quản trị rủi ro lãi suất.
Hợp đồng hoán đổi hối đoái (foreign exchange swap) là công cụ cơ bản thứ hai sau hợp đồng hoán đổi lãi suất được cả 4 ngân hàng áp dụng nhằm giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Đây là hợp đồng mà các ngân hàng thực hiện nhằm hoán đổi đồng tiền thông qua một hợp đồng giao ngay (spot) và cam kết mua lại bằng một hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ (forward foreign exchange). Tỷ giá giao dịch đối với hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ đều được xác định ngay tại thời điểm ký kết hợp đồng. Hợp đồng hoán đổi hối đoái không được gia hạn và cũng không được phép hủy bỏ giữa chừng.
Trong ba năm trở lại đây, ngân hàng ANZ và NAB có xu hướng giảm dần sử dụng hợp đồng hoán đổi hối đoái tuy nhiên tốc độ tăng trưởng qua các năm nhìn chung vẫn khá cao và giá trị những hợp đồng này vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong các công cụ phái sinh phòng hộ rủi ro của ngân hàng.
Ngoài hai loại hợp đồng phái sinh cơ bản trên, các ngân hàng còn sử dụng một số các loại hợp đồng phái sinh khác như hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ, hợp đồng kỳ hạn lãi suất, hợp đồng quyền chọn lãi suất, hợp đồng hoán đổi tiền tệ, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng. Trong đó, ngân hàng ANZ hiện đang sử dụng khá hiệu quả hợp đồng hoán đổi tín dụng (Credit Default Swap - CDS) trong quản lý rủi ro tín dụng. Đây là sản phẩm cơ bản và là tâm điểm của sản phẩm phái sinh rủi ro tín dụng. CDS là một thỏa thuận giữa người bán và người mua về dịch vụ bảo đảm, người bán dịch vụ CDS chấp nhận bồi thường thiệt hại của tài sản tín dụng (thông thường là trái phiếu, khoản cho vay) trong trường hợp người mua gặp các sự kiện rủi ro tín dụng (vỡ nợ, phá sản), đổi lại người mua phải trả các khoản phí hàng năm. Năm 2007, tổng giá trị CDS của ngân hàng ANZ là 21,946 triệu AUD và con số này đã tăng lên đến 24,374 triệu AUD trong năm 2009.[7], con số này năm 2011 tăng lên tương ứng là 12% và 8% ở hai ngân hàng.
Phòng hộ rủi ro đã trực tiếp làm tăng thêm giá trị đáng kể cho các ngân hàng thông qua lãi thuần thu được trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Thực trạng sử dụng các sản phẩm chứng khoán phái sinh tại các ngân hàng Việt Nam
Những công cụ phái sinh được giới thiệu vào thị trường tiền tệ ở Việt Nam vào cuối những năm 1990 và đến nay xuất hiện nhiều công cụ phái sinh chuẩn và không chuẩn đang được thực hiện. Tuy nhiên, việc áp dụng các công cụ phái sinh còn rất hạn chế tại các NHTM của Việt Nam. Thống kê của ngân hàng thanh toán quốc tế, tính đến cuối tháng 9/2008, tổng giá trị chứng khoán phái sinh trên thế giới vào khoảng gần 600.000 tỷ USD. Tổng giá trị giao dịch của chứng khoán phái sinh toàn cầu là một con số rất lớn nếu so sánh với tổng GDP toàn cầu (khoảng 30.000 tỷ USD) hay tổng giá trị chứng khoán vốn (khoảng 31.000 tỷ USD) và tổng giá trị chứng khoán nợ (khoảng 51.000 tỷ USD)[8]. Thế nhưng, con số này đối với giao dịch phái sinh ở Việt Nam rất ít được nhắc tới vì quá khiêm tốn, mặc dù đây là công cụ bảo hiểm rủi ro tài chính phổ biến trên thế giới.
Đối với những công cụ phái sinh về lãi suất thì trên thực tế đã có một số hợp đồng giao dịch hoán đổi lãi suất (IRD) của ngân hàng với các đối tác trên thị trường nhưng phạm vi rất hạn hẹp. Ngân hàng ngoại thương thực hiện hoán đổi lãi suất kèm theo điều kiện quyền chọn với các đối tác là tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam và các pháp nhân khác hoạt động ở trong nước và ngoài nước. Quyền chọn thuộc về Ngân hàng ngoại thương là quyền kết thúc trước hạn hợp đồng Swap đối với các khoản vay của đối tác. Ngân hàng Citibank Việt Nam thực hiện thí điểm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền từ ngày 1/3/2005 đến 2/2006. Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam thực hiện thí điểm giao dịch quyền chọn lãi suất đối với các khoản đi vay và cho vay trung hạn bằng USD hoặc Euro. Ngân hàng HSBC thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất cộng dồn, thời hạn của hợp đồng tối đa là 5 năm. Theo thỏa thuận của hợp đồng này, khách hàng vay của HSBC sẽ trả theo Sibor cộng với phần chênh lệch cho những ngày lãi suất Sibor giao động trong một khoảng được định trước. Ngân hàng Standard Chartered chi nhánh Việt Nam thực hiện hoán đổi chéo giữa hai đồng tiền (Cross Currency Swap) đối với khoản vay ngoại tệ của khách hàng sau khi khách hàng vay ngoại tệ. Ngân hàng Calton, ABN – AMRO thực hiện nghiệp vụ hoán đổi lãi suất bắt đầu thực hiện trong tương lai (Forward Start Swap) là thỏa thuận hoán đổi lãi suất vào một ngày cụ thể trong tương lai theo một mức lãi suất đã được định trước. [9]
Bên cạnh công cụ hoán đổi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện thí điểm quyền chọn ngoại tệ (option ngoại tệ/VND) tại một số ngân hàng: NHTMCP Quốc Tế, Ngân hàng ngoại thương (8/2005); NHTMCP Á Châu, NHDDT&PT, NHTMCP Kỹ thương, NHTMCP Quân Đội (12/2005). Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số ngân hàng và chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, những nơi được đánh giá là có điều kiện để triển khai nghiệp vụ hoán đổi lãi suất đã cho thấy các công cụ này đã hình thành ở Việt Nam, tuy nhiên còn nhỏ bé và chưa phổ biến.[10]
Những số liệu phân tích trên cho thấy, thị trường các công cụ phái sinh phát triển khá khiêm tốn tại Việt Nam, đặc biệt một số NHTM. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng tổng giá trị các công cụ phái sinh được sử dụng phòng hộ rủi ro không vượt quá 1% tổng giá trị giao dịch ngoại hối trong các NHTM. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này có thể là:
- Do mức độ phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường vốn còn thấp, trên thị trường còn thiếu vắng các đội ngũ các nhà quản lý, các giao dịch viên chuyên nghiệp. Thực tế, có nhiều NHTM được phép thực hiện quyền chọn ngoại hối từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.
- Do cơ sở pháp lý các nghiệp vụ phái sinh còn chưa đầy đủ, ngoại trừ giao dịch hoán đổi lãi suất đã có quy chế của ngân hàng nhà nước (Quyết định số 1133/2003/QĐ – NHNN, ngày 30/09/2003 ban hành kèm theo quy chế). Mặc dù hiện nay tất cả các NHTM đều được thực hiện nghiệp vụ quyền chọn ngoại tệ, tuy nhiên chỉ được thực hiện quyền chọn giữa ngoại tệ và ngoại tệ, còn quyền chọn giữa ngoại tệ và VND thì phải được sự cho phép từ phía NHNN.
- Các NHTM còn e dè trong thực hiện các nghiệp vụ phái sinh do đây là nghiệp vụ phức tạp, mức độ nhận thức của chuyên gia cũng như các công cụ kỹ thuật hỗ trợ để thực hiện về nghiệp vụ này còn hạn chế.
Các biện pháp để phát triển các công cụ phái sinh và xây dựng thị trường CKPS tại Việt Nam
Thứ nhất, NHNN cần có cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, tạo ra một thị trường ngoại hối phản ánh đúng quan hệ cung cầu ngoại tệ. Đây là cơ sở để NHTM quen dần với công cụ phòng chống rủi ro tỷ giá. Đồng thời, NHNN cần nghiên cứu ban hành những quy tắc cơ bản nhất trong giao dịch phái sinh, cho phép các NHTM chủ động thực hiện quyền chọn ngoại hối giữa ngoại tệ và VND khi có nhu cầu phát sinh.
Thứ hai, cần có chiến lược lâu dài đào tạo và bồi dưỡng cho các cán bộ trực tiếp kinh doanh trên thị trường hối đoái về các công cụ phái sinh, vì đây là những sản phẩm mới, phức tạp. Cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực về phân tích và dự báo biến động của lãi suất. Ngoài ra, cần trang bị thêm những kỹ năng phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật để dự đoán xu hướng biến động của thị trường ngoại hối nhằm sử dụng các công cụ phái sinh một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba, ngoài những phương tiện, thiết bị hiện có của Reuters, Thomson, SowJones News hay Metastock, cần trang bị thêm phần mềm xử lý, quản lý rủi ro và tính phí đối với các nghiệp vụ phái sinh. Mở rộng quan hệ hợp tác với các ngân hàng nước ngoài trên thị trường ngoại hối quốc tế, để tranh thủ sự hỗ trợ về kiến thức, về hệ thống phân tích quản lý rủi ro đối với các công cụ phái sinh nói chung và công cụ quyền chọn ngoại hối, công cụ tương lai ngoại hối nói riêng.
Thứ tư, thực hiện chính sách ưu đãi cho các NHTM nào thực hiện giao dịch phái sinh và làm nhà tạo thị trường cho các giao dịch phái sinh.
Thứ năm, xây dựng và đưa vào thị trường phái sinh chính thức bên cạnh thị trường SGDCK và thị trường OTC, với đầy đủ các mặt từ hàng hóa, khung pháp lý, các chủ thể tham gia thị trường, cơ sở hạ tầng … với các điều kiện như: CPPS cần được lưu ký tập trung để thực hiện thanh toán bù trừ hiện đại; Các nhà đầu tư không phải thành viên của thị trường phải thực hiện giao dịch thông qua các nhà môi giới là các thành viên có chức năng môi giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Culp, “The art of risk management”, 2002.
2. Don M. Chance & Robert Brooks, “Derivatives and Risk management”, 7th edn
Mạc Quang Huy, “Cầm nang ngân hàng đầu tư”, 7/2009, NXB Thống Kê.
3. TS. Nguyễn Thị Mùi: “Phát triển các công cụ tài chính phái sinh nhằm nâng cao tính năng động của thị trường dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm ở Việt Nam” (2006)
4. ANZ annual report 2007, 2008, 2009: www.anz.com.au
5. CBA annual report 2007, 2008, 2009: www.combank.com.au
6. NBA annual report 2007, 2008, 2009: www.nab.com.au
7. WBK annual report 2007, 2008, 2009: www.westpac.com.au
Ngân hàng công thương Việt Nam: “Điều kiện phát triển công cụ phái sinh ngoại hối tại Việt Nam” http://www.vietinbank.vn/web/home/vn/research/08/080721.html[1] Don M. Chance & Robert Brooks, “Derivatives and Risk management”, 7th edn, 2007, p518
[2] Mạc Quang Huy, “Cầm nang ngân hàng đầu tư”, 7/2009, NXB Thống Kê, p.438
[3] Mạc Quang Huy, “Cầm nang ngân hàng đầu tư”, 7/2009, NXB Thống Kê, p. 434
[4] Mạc Quang huy, “Cẩm nang Ngân hàng đầu tư”, 2009, NXB Thống Kê, p. 429
[5] Mạc Quang Huy, “Cầm nang ngân hàng đầu tư”, 7/2009, NXB Thống Kê, p.437
[6] Culp, “The art of risk management” 2002, p.232
[7] Báo cáo tài chính ANZ năm 2007 - 2009
[8] Mạc Quang Huy, “Cẩm nang ngân hàng đầu tư”, 7/2009, NXB Thống Kê, p.438
[9] Phòng Chính sách tiền tệ - Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt nam
[10] TS. Nguyễn Thị Mùi “Phát triển chứng khoán phái sinh nhằm nâng cao tính năng động của thị trường dịch vụ Ngân hàng – Bảo hiểm ở Việt Nam” – Viện Khoa Học Tài Chính, Bộ Tài chính.