Kinh tế 2013 về đích: Tín hiệu phục hồi

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Nền kinh tế đã cán đích năm 2013 với những gam màu sáng tối đan xen. Có những chỉ tiêu kinh tế đạt thắng lợi rực rỡ, song nhiều chỉ tiêu còn chưa được như mong đợi. Những phần việc cho năm 2014 xem ra vẫn khá ngổn ngang, bộn bề.

 Kinh tế 2013 về đích: Tín hiệu phục hồi
Nền kinh tế đã cán đích năm 2013 với những gam màu sáng tối đan xen. Nguồn: internet

GDP không đạt mục tiêu

Theo số liệu công bố ngày 23/12 của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,42%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Năm 2013 tăng trưởng GDP đạt 5,42%, có đóng góp quan trọng của khu vực FDI và hoạt động xuất khẩu.

Mặc dù GDP tăng cao hơn năm 2012 nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động năm nay cũng tăng cao hơn hẳn năm 2012 (60,7 nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động năm 2013). Điều này liệu có mâu thuẫn?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về số liệu này, ông Hà Quang Tuyến cho rằng: Dù số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng 11,9% so với năm trước nhưng năm nay cũng có tới 76,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 10,1% so với 2012. Qua đó doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn doanh nghiệp giải thể nên GDP vẫn tăng cao hơn.

Ngoài ra, theo ông Tuyến, năm 2013 sản xuất kinh doanhh nói chung khó khăn, nhưng khu vực FDI lại tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của Việt Nam. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo, một số ngành dịch vụ cũngcó mức tăng khá hơn năm 2012, góp phần vào mức tăng chung của GDP cả nước.

Cùng chung cách giải thích với ông Hà Quang Tuyến, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho rằng:  Qua theo dõi, kể cả năm khủng hoảng nghiêm trọng, chúng tôi thấy kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng về quy mô, số lượng, trong đó đặc biệt chỉ tiêu về vốn năm sau cao hơn năm trước. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn “nặng” về tăng trưởng dựa vào quy mô vốn, tăng trưởng mạnh về chiều rộng, thiếu chiều sâu.

CPI thấp nhưng thiếu ổn định

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2013 tăng 6,04%. Đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Đánh giá về mức tăng CPI thấp “kỉ lục” này, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng: Trong 10 năm qua, CPI có 4 năm tăng cao, 4 năm tăng thấp, 2 năm tăng tương đối. Năm nay là năm CPI có mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Dự báo năm tới CPI còn tiếp tục tăng nhưng không quá cao.

Một số yếu tố có thể tác động đến CPI của năm 2014 là việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ, nới bội chi ngân sách lên 5,3% làm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế tăng lên. Ngoài ra, việc thực hiện lộ trình tăng giá giáo dục. dịch vụ y tế, giá điện cũng sẽ làm CPI tăng.

Dù dự đoán mục tiêu kiểm soát CPI ở mức 7% như Quốc hội đề ra có thể đạt được, nhưng ông Nguyễn Đức Thắng lưu ý: Ở nước ta lạm phát có sự ổn định không chắc chắn nên đề nghị Chính phủ tiếp tục cam kết kiểm soát lạm phát ngay từ bây giờ. Bởi lẽ mức lạm phát 6,04% trong năm 2013 cũng không phải là thấp so với các nước.

Điểm sáng xuất khẩu

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 ước tính đạt 132,2 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Năm 2013 cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Tính chung cả năm nay, Việt Nam xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tính toán: Xuất siêu đóng góp cho tăng trưởng 2013 thêm 0,08 điểm phần trăm. Cơ cấu hàng xuất khẩu đã có sự thay đổi tích cực khi các mặt hàng qua gia công, chế biến đã tăng lên, nhưng nhìn chung giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu vẫn chưa cao.

Dù nhấn mạnh thành tích năm thứ hai liên tiếp Việt Nam xuất siêu nhưng bà Lê Thị Minh Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cũng băn khoăn trước kim ngạch hàng nông sản xuất khẩu suy giảm. Bà Thủy nói: Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu nông sản suy giảm là là do lượng và giá giảm. Năm 2013, nhu cầu thị trường thế giới của một số mặt hàng như cà phê, gạo, sắn...  giảm cùng với giá cả giảm đã khiến  kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản giảm so với năm ngoái.

Một số chỉ tiêu kinh tế xã hội chính của năm 2013:

- GDP tăng 5,42%

- CPI tăng 6,04%

- Tăng trưởng tín dụng tăng 8,83%

- Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 790,8 nghìn tỉ đồng, bằng 96,9% dự toán năm

- Vốn đầu tư toàn xã hội bằng 30,4% GDP

- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 132,2 tỉ USD, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 131,3 tỉ USD.

  Tính chung 2013, xuất siêu 863 triệu USD

- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 21,6 tỉ USD, tăng 54,5%

- Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với năm 2012

- Tổng số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới là 769,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,1%

- Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là 69,37 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,9%

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)