Kinh tế 6 tháng đầu năm tỉnh Vĩnh Phúc nhiều khởi sắc

Theo dangcongsan.vn

Bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều điểm nổi bật nhờ địa phương đã thực hiện các giải pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước và nằm trong TOP 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, đây là mức tăng khá cao so với tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm tính từ năm 2015 đến năm 2020 và tăng cao hơn so với kịch bản đã đề ra tại Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (kịch bản tăng khoảng 8,3%).

Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,58%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và tác động của các đợt rét đậm, rét hại từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2022 và đợt mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng vào cuối tháng 5 vừa qua, tổng giá trị tăng thêm ước tăng 1,81%.

Kinh tế 6 tháng đầu năm tỉnh Vĩnh Phúc nhiều khởi sắc - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Lĩnh vực dịch vụ nhất là dịch vụ thương mại, vận tải và du lịch gặp khó khăn trong những tháng đầu năm do sự lây lan nhanh của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên từ quý II đến nay nhờ việc triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng linh hoạt nên khu vực này đã và đang dần hồi phục, ước giá trị tăng thêm tăng 6,32% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng có những khởi sắc nhất định, từ đó tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh với tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 20.650 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 8,0% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt trên 17.700 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, thu ngân sách của cả 3 khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước đều tăng so với cùng kỳ đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá với mức 10,7% do việc thực hiện một số chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm 50% phí đăng ký trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước đã thúc đẩy doanh số tiêu thụ hàng hóa của một số mặt hàng chủ lực; thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng 8,6% và thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, về quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tỉnh Vĩnh Phúc đã bổ sung kinh phí và ban hành các hướng dẫn chi trả cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt hơn 7 tỷ đồng, đạt 39% dự toán và bằng 93% so với cùng kỳ năm 2021.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 168 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Toàn tỉnh giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 449,4 ha, bằng 40,5% kế hoạch năm, trong đó 1 số dự án lớn đã giải phóng mặt bằng được phần lớn diện tích như: Dự án Trung tâm Logistic ICD Vĩnh Phúc đã GPMB 80,5/83,8 ha; Dự án KCN Sơn Lôi đã GPMB 92/180 ha; Dự án KCN Bá Thiện đã GPMB 93,6/103,8 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công theo kế hoạch.

Dự án trọng điểm đã hoặc đang chuẩn bị hoàn thành như: Đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực xã Văn Quán huyện Lập Thạch) đến Trung tâm huyện lỵ Sông Lô và tuyến nhánh đi KCN Sông Lô I; Đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên; Đường vành đai 4; Bệnh viên Sản Nhi tỉnh; Nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh việ đa khoa tỉnh; Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Vĩnh Phúc; Cầu Đầm Vạc…

Công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được chỉ đạo quyết liệt, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thành lập tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đường dây nóng được vận hành thông suốt, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh, được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đánh giá cao và tin tưởng vào hệ thống chính quyền của tỉnh.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh thu linh kiện điện tử tăng cao với mức tăng 25,64% so với cùng kỳ; sản lượng sản xuất ô tô các loại tăng 4,06%; sản lượng sản xuất xe máy tăng 5,25% so với cùng kỳ năm 2021…

Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn khi giá cả vật tư đầu vào tăng cao; thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định; tác động của biến đổi khí hậu, từ tháng 02 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 07 đợt không khí lạnh (có 03 đợt rét đậm rét hại) và đặc biệt từ ngày 22-24/5/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài gây ngập úng diện tích lớn khi cây lúa đang ở thời kỳ mới trổ bông và chuẩn bị thu hoạch… đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Ước 6 tháng đầu năm, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 0,11%, sản lượng lương thực có hạt giảm 18,61% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản phẩm về chăn nuôi tăng trưởng khá, trong đó sản lượng sữa bò tươi tăng 14,71%; thịt lợn tăng 6,3%; thịt gia cầm tăng 3,62%; trứng gia cầm tăng 6,22%. Toàn tỉnh đã trồng mới rừng tập trung ước đạt 470,5 ha, tăng 3,41% (tương đương tăng 15,5 ha) so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản giảm 8,4ha, tương đương giảm 0,13% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thủy sản tăng 66 tấn tương đương tăng 0,59% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15/3/2022 trong điều kiện bình thường mới... Tổng số lượt khách đến tham quan du lịch tại ước đạt hơn 4,2 triệu lượt khách, tăng 109,7% cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước tăng 93,3% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước tăng 22,51% so với cùng kỳ năm trước.

Các hoạt động văn hóa thông tin được tổ chức với nội dung, hình thức tương đối phong phú, đa dạng, phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn… Tỉnh đã chuẩn bị tốt và tổ chức thành công 2 môn Muay và Golf thuộc khuôn khổ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (Seagame 31)…

Lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã và đang được kiểm soát tốt… Đã triển khai điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà/nơi lưu trú, triến khai các trạm y tế lưu động. Đây là một trong những bước chuyển mình quan trọng trong chiến lược điều trị nhằm giảm tải áp lực cho ngành y tế…

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến dịch tiêm vắc xin”, ngành y tế đã huy động tối đa nhân lực và điều kiện y tế để tổ chức tiêm vắc xin, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh đạt cao so với mức bình quân chung của cả nước.

Có được một số kết quả quan trọng trên là do những nỗ lực của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong việc phòng, chống kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả; đồng thời địa phương đã tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì sản xuất, không bị đứt gãy các chuỗi cung ứng, hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp dừng sản xuất, công nhân mất việc làm kể cả trong bối cảnh thời gian xảy ra dịch bệnh và trong thời điểm tình hình mới hiện nay.