Kinh tế Malaysia đang tụt hậu so với các láng giềng

Theo Vietnam+

Mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2010 của Malaysia đạt 7,2%, vượt dự đoán 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của chính phủ nước này, nhưng theo đánh giá của các nhà kinh tế trong nước cũng như khu vực, nền kinh tế Malaysia đang tụt hậu so với các nước láng giềng khi họ mất dần sức cạnh tranh và nợ công ngày một gia tăng.

Kinh tế của các nước láng giềng đã vượt trội Malaysia với 14,5% là mức tăng trưởng của đảo quốc nhỏ bé Singapore và tăng trưởng 6,2% của Indonesia cũng được cho là thấp hơn so với thực tế vì nước này không phải đối mặt với suy thoái kinh tế trong năm 2009 như Malaysia và Singapore.

Đây là một bằng chứng cho thấy rằng nền kinh tế của Malaysia đang tụt hậu so với các nước láng giềng và vị thế tài chính của họ cũng bị tụt bậc khi khu vực nợ công lên tới 407 tỷ ringgit (133,8 tỷ USD) hay chiếm tới hơn 53% GDP.

Quy mô kinh tế của Malaysia hiện xấp xỉ ngang bằng Singapore với khoảng 239,96 tỷ USD so với 239,33 tỷ USD của nước láng giềng nhỏ bé. Sở dĩ Malaysia, đất nước giàu tài nguyên không bị Singapore vượt xa trong năm 2010 là nhờ đồng ringgit của họ tăng giá so với USD. Trong 12 tháng qua đồng nội tệ này đã tăng 12% so với đồng đôla Mỹ.

Tăng trưởng kinh tế của Singapore được coi là đã đuổi kịp và hiện đang đe dọa vị trí nền kinh tế lớn thứ ba khu vực mà Malaysia chiếm giữ lâu nay sau Indonesia và Thái Lan. Singapore đã đạt mức tăng trưởng hai con số sau khi phục hồi mạnh trong khu vực sản xuất với mức tăng đạt 29,7% trong khi Malaysia chỉ đạt 11,4% trong khu vực này.

Trên thực tế, các sản phẩm của Malaysia đang mất dần sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu do nước này bị đẩy xuống nấc thang thấp hơn khi các nước cạnh tranh như Singapore vươn lên vượt trước.

Trong khi đó, Indonesia cũng tránh được cuộc suy thoái năm 2009, còn kinh tế Malaysia lại sụt giảm 1,7%. Mặt khác, nợ công của Indonesia chỉ ở mức 28,3% GDP so với 53,1% của Malaysia.

Đề cập tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2010 của Malaysia chỉ đạt 7 tỷ USD so với con số 37,4 tỷ USD của Singapore, các nhà kinh tế cho rằng tình trạng trì trệ trong đầu tư tư nhân đã khiến chính phủ phải bơm quá nhiều tiền để kích thích tăng trưởng, dẫn tới chỗ thâm hụt tài chính vẫn là một vấn đề kinh tế lớn nhất mà Malaysia phải đối mặt.

Sự sụt giảm trong các khu vực khai mỏ (1,3%) và nông nghiệp (4,3%) trong quý 4 năm 2010 là một dấu hiệu xấu của tình trạng trì trệ đang kéo nền kinh tế Malaysia thụt lùi./.