Kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng kỷ lục 31% trong quý III
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái và điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ, giới chuyên gia kinh tế dự báo GDP Mỹ sẽ tăng vọt 31% trong quý III.
Kinh tế Mỹ đang bắt đầu phục hồi từ đại dịch Covid-19. Đây là điều chắc chắn, tuy nhiên, đợt phục hồi này có quy mô như thế nào và Mỹ còn cách mức tăng trưởng bình thường trước đại dịch bao xa vẫn là bí mật cho tới ngày 29/10 khi Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố báo cáo GDP quý III. Từ lúc đó cho tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng chỉ còn 5 ngày.
Các nhà kinh tế học tham gia khảo sát của Refinitiv dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng khoảng 7% trong quý III so với quý trước đó, sau khi đã điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ. Trước đó, GDP Mỹ giảm 9% trong quý II.
Chính phủ Mỹ thường tính toán mức độ tăng và giảm của GDP hàng quý trên cơ sở so với cùng kỳ năm ngoái với giả định kinh tế liên tục tăng trưởng cho cả 12 tháng gần nhất. Trong những thời kỳ bình thường, cách tiếp cận này giúp việc so sánh hiệu quả của nền kinh tế trong một khoảng thời gian dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi xảy ra một cuộc khủng hoảng có diễn biến nhanh như đại dịch Covid-19, mọi thứ có phần lằng nhằng hơn.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái và điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ, giới chuyên gia kinh tế dự báo GDP Mỹ tăng vọt 31% trong quý III, đồng nghĩa là quý tăng trưởng mạnh nhất kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu theo dõi số liệu GDP hàng quý vào năm 1974. Mức tăng này có được là bởi nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 31,4% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái sau khi được điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ.
Kinh tế Mỹ phục hồi một phần cho thấy sự cải thiện, nhưng giới chuyên gia kinh tế cảnh báo đà phục hồi đó không ấn tượng như mọi người tưởng tượng.
"Bất kỳ sự tăng trưởng nào trong quý III cũng chỉ là nhờ cơ sở so sánh là tăng trưởng GDP quý II sụt giảm mạnh", ông Josh Bivens, giám đốc nghiên cứu Viện chính sách Kinh tế Mỹ, nói. Nói cách khác, nếu GDP Mỹ quý III tăng vọt, điều đó không có nghĩa là nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.
Nếu dự đoán của giới chuyên gia đúng, quy mô kinh tế sẽ thấp hơn khoảng 747 tỷ USD so với mức đỉnh trước đó, đồng nghĩa sự phục hồi còn lâu mới hoàn thành.
Kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm nay. Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia định nghĩa suy thoái là khoảng thời gian giữa lúc hoạt động kinh tế đạt đỉnh và ở mức thấp nhất. Với định nghĩa này, chúng ta không thể chắc chắn về việc liệu kinh tế Mỹ đã thoát khỏi suy thoái hay chưa.
Những dấu hiệu ban đầu cho thấy hoạt động kinh tế trong quý này vẫn chậm chạp. Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 đang tăng mạnh trở lại trên khắp châu Mỹ nên rất có thể nền kinh tế lớn nhất thế giới phải áp lệnh phong tỏa lần 2 và rơi vào suy thoái sâu hơn.
Nếu đợt suy thoái này thực sự đã qua đi, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 sẽ ngắn hơn nhiều so với một cuộc suy thoái thông thường (thường kéo dài khoảng 12 tháng trong thời kỳ hậu Thế Chiến II). Tuy nhiên, cuộc suy thoái lần này lại rất sâu sắc hơn nhiều, theo ông Douglas Porter, chuyên gia kinh tế trưởng tại BMO Financial Group.
Dù thế nào, khủng hoảng kinh tế vẫn chưa kết thúc ngay cả khi báo cáo GDP quý III, dự kiến được công bố hôm nay, cho thấy hoạt động kinh tế có bước nhảy vọt.
"Tăng trưởng GDP tăng mạnh chỉ cho thấy rằng kinh tế Mỹ đã bị suy giảm nghiêm trọng bởi lệnh phong tỏa gần như hoàn toàn trước đó", Daniel Alpert, giáo sự trợ giảng kinh tế vĩ mô tại Cornell Law School, nhận định.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang trong tình trạng tồi tệ hơn rất nhiều so với hồi đầu năm nay. Hàng triệu người bị thất nghiệp và phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ. Đến nay, số người có việc làm trở lại chỉ bằng một nửa của con số 22 triệu người bị mất việc hồi tháng 3 và tháng 4.
"Trong thế giới thực, GDP là một khái niệm khá trừu tượng, nhưng việc làm và lương lậu thì không", ông Bivens nói.
Tháng 9 ghi nhận một lượng lớn phụ nữ bất ngờ nghỉ việc. Theo giới chuyên gia, nguyên nhân là họ phải ở nhà chăm sóc con cái khi trường học phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực như du lịch và khách sạn tiếp tục gặp khó khăn vì người dân ở nhà nhiều hơn và các lệnh hạn chế đi lại kìm hãm công việc kinh doanh. Quan trọng nhất là dịch vẫn đang lan rộng.
Giới chuyên gia kinh tế ngày càng lo ngại về việc liệu đà phục hồi kinh tế có thể kéo dài tới quý IV hay không, đặc biệt trong bối cảnh quốc hội Mỹ đang không đạt được sự đồng thuận về một gói kích thích mới nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.