Trump đặt cược vào GDP tăng kỷ lục để lôi kéo cử tri
Tổng thống Mỹ coi GDP là cơ hội cuối để cử tri hướng sự chú ý về vấn đề kinh tế trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử.
Hôm nay (29/10), Bộ Thương mại Mỹ dự kiến công bố số liệu GDP quý III. Khảo sát của Reuters dự báo con số này tăng tới 31% nếu điều chỉnh về cơ sở hàng năm, tương đương tăng 7% so với quý trước đó. Mô hình của Fed Atlanta còn cho ra số liệu lớn hơn, là tăng 37%.
Điều này cho thấy sự bật lại mạnh của kinh tế Mỹ sau nửa năm đầu đi xuống vì đại dịch. GDP Mỹ giảm 5% trong quý đầu, sau đó lao dốc tới 31,4% quý II – theo số liệu đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm.
Tuy nhiên, kể cả khi tốc độ hồi phục nhanh hơn dự báo, GDP Mỹ trong quý III có lẽ vẫn chưa thể bằng, hoặc vượt tiền đại dịch. Thị trường lao động cũng đang ảm đạm. Trong tháng 9, số người Mỹ có việc làm vẫn ít hơn 10,7 triệu so với tháng 2.
Hơn thế nữa, Mỹ đang trải qua đợt bùng phát đại dịch mới, và Quốc hội Mỹ cùng Nhà Trắng vẫn chưa thể đạt thỏa thuận về gói kích thích tiếp theo để duy trì đà phục hồi. Tăng trưởng của Mỹ được dự báo chậm lại đáng kể trong quý hiện tại. Mô hình của Oxford Economics dự báo tốc độ tăng trưởng chỉ còn 3% trong quý IV.
Dù vậy, với Tổng thống Mỹ Donald Trump – người đang tụt lại phía sau ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò trước bầu cử - số liệu này sẽ là cơ hội cuối cùng để ông chứng minh mình là lựa chọn tốt hơn cho nền kinh tế.
"Chúng ta đang trải qua đà hồi phục siêu chữ V mà không ai từng nghĩ đến. Hãy đợi số liệu GDP mà xem", Trump cho biết trong cuộc vận động tranh cử tại Pennsylvania tuần này, "Tôi cho rằng có thể là 25%, hoặc 15%. Tôi nghĩ kỷ lục cũ là 7-8%".
Dĩ nhiên, Trump có khả năng sử dụng các con số to tát để nói về đà hồi phục, do Bộ Thương mại Mỹ tính toán GDP theo cách so với quý trước rồi điều chỉnh về cơ sở hàng năm. Các nước khác chỉ lấy GDP so với quý trước, khiến số liệu nhỏ hơn rất nhiều.
Biden và các đồng minh của ông thì lại chỉ trích việc Trump khoe thành tựu kinh tế. Họ cho rằng Tổng thống đã xử lý đại dịch một cách yếu kém, khiến Mỹ rơi vào suy thoái sâu ngay từ đầu và đến nay có rất ít tiến triển.
Họ cũng cho rằng đà phục hồi của kinh tế Mỹ thực chất theo hình chữ K, chứ không phải chữ V. Tức là các hộ gia đình giàu có và doanh nghiệp lớn đang hồi phục tốt hơn, tương tự thị trường tài chính. Trong khi đó, các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các cửa hàng nhỏ, lại chịu nhiều thiệt hại, đặc biệt khi hiệu quả gói kích thích tài khóa đầu năm đang phai nhạt.
"Trump thừa kế di sản là chuỗi tăng trưởng việc làm dài nhất lịch sử nước Mỹ. Nhưng cũng như các tài sản khác được nhận, ông ấy đã đảo tung mọi thứ lên", cựu Tổng thống Barack Obama cho biết trong cuộc vận động tranh cử cho Biden tại Florida tuần này, "Những thiệt hại kinh tế mà ông ấy gây ra do cách phản ứng với đại dịch sẽ biến Trump thành tổng thống đầu tiên kể từ thời Herbert Hoover khiến nền kinh tế mất việc làm. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian".
Dù vậy, Trump vẫn kiên định với việc tận dụng tối đa số liệu kinh tế Mỹ. Ông đưa ra hàng chục quảng cáo trên Facebook đầu tuần này, với nội dung số liệu GDP quý III sẽ là "cao nhất trong lịch sử nước Mỹ" và "Gấp đôi kỷ lục cũ". Các quảng cáo này được đăng ký với Facebook vào phút chót, trước khi mạng xã hội ngừng đăng quảng cáo chính trị trong tuần trước thời điểm bầu cử Mỹ.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đã bước vào chặng cuối cùng khi hai ứng viên Trump và Biden đã kết thúc buổi tranh luận cuối hôm 23/10. Hai ứng viên đang nỗ lực lôi kéo cử tri tại các bang chiến trường quan trọng và thể hiện các lập trường chính sách của mình.
74,7 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu qua thư, vì sợ rủi ro lây nhiễm khi đi bầu tại các điểm đông người. Theo kết quả tổng hợp thăm dò do FiveThirtyEight thực hiện, khoảng 57,4% người Mỹ không tán thành cách Trump phản ứng với Covid-19, trong khi 39,8% ủng hộ.