Kinh tế Mỹ đã bước vào suy thoái

Theo M. Hồng/thoibaonganhang.vn

Nền kinh tế Mỹ đã kết thúc chu kỳ tăng trưởng dài nhất trong lịch sử vào tháng Hai để bước vào suy thoái, mà nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi là do đại dịch Covid-19, một nhóm nghiên cứu kinh tế vừa cho biết.

 Boston, Massachusetts, Mỹ vắng lặng trong ngày 12/5/2020, khi các biện pháp phong tòa để ngăn chặn đại dịch Covid-19 được áp dụng. Ảnh: Reuters/Brian Snyder
Boston, Massachusetts, Mỹ vắng lặng trong ngày 12/5/2020, khi các biện pháp phong tòa để ngăn chặn đại dịch Covid-19 được áp dụng. Ảnh: Reuters/Brian Snyder

Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế thuộc Cục nghiên cứu Kinh tế Quốc gia cho biết trong một tuyên bố, các thành viên của cơ quan này "đã đi đến kết luận rằng mức độ giảm sút chưa từng thấy của việc làm và sản lượng sản xuất, trên phạm vi rộng toàn bộ nền kinh tế, xác thực đây chắc chắn là giai đoạn suy thoái, mặc dù nhận định này được đưa ra sớm hơn so với các lần suy thoái trước đây".

Việc đưa ra tuyên bố này đã được dự kiến, nhưng đáng chú ý là mức độ đưa ra rất nhanh của nó, chỉ sau bốn tháng kể từ khi cuộc suy thoái bắt đầu. Thông thường, Ủy ban này phải chờ đợi lâu hơn trước khi "gọi tên" một cuộc suy thoái để đảm bảo tuyên bố là chính xác. Chẳng hạn như khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy giảm vào cuối năm 2007, nhóm phải chờ đến một năm sau đó mới khẳng định.

Tăng trưởng GDP và các giai đoạn suy thoái kinh tế của Mỹ từ 2002 tới nay. Nguồn: Reuters
Tăng trưởng GDP và các giai đoạn suy thoái kinh tế của Mỹ từ 2002 tới nay. Nguồn: Reuters
 

Nhưng mức độ và tốc độ sụp đổ của nền kinh tế Mỹ lần này vẫn để lại chút băn khoăn.

"Khi quyết định có khẳng định đã có suy thoái kinh tế hay chưa, Ủy ban đã cân nhắc đến mức độ thu hẹp của GDP, thời gian nó diễn ra và liệu hoạt động kinh tế có suy giảm rộng khắp nền kinh tế hay không... Ủy ban nhận ra rằng đại dịch và các phản ứng chính sách nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng đã dẫn đến một cuộc suy thoái với các đặc điểm và động lực khác với các cuộc suy thoái trước đó", Ủy ban cho biết.

GDP của Mỹ đã giảm 4,8% so với cùng kỳ trong quý đầu năm nay. Tổng sạn lượng nền kinh tế giai đoạn từ tháng tư đến tháng sáu được dự báo sẽ còn giảm mạnh hơn, có thể từ -20% trở lên. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức thấp kỷ lục 3,5% trong tháng Hai lên 14,7% trong tháng Tư và 13,3% trong tháng Năm.

Nhưng, tăng trưởng có thể phục hồi ngay sau đó, khiến cho giai đoạn suy thoái hiện tại không chỉ rõ nét nhất mà còn thuộc loại ngắn nhất trong lịch sử.

Kể từ Thế chiến thứ hai, các cuộc suy thoái chỉ kéo dài từ 6-18 tháng, không có giai đoạn suy thoái nào gần với thời kỳ Đại khủng hoảng kéo dài 43 tháng bắt đầu vào năm 1929.

Mặc dù dữ liệu chỉ bắt đầu thể hiện rõ nét sự suy thoái kinh tế Mỹ từ tháng 3, các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng sẽ cải thiện vào mùa hè này và dường như có khả năng kéo dài trong giai đoạn sau đó, trừ khi virus corona quay trở lại phát tác.

"Sẽ thật tốt nếu đây là giai đoạn đáy của khủng hoảng", Jack Kleinhenz, nhà kinh tế trưởng của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, nói. Tuy nhiên, "có thể sẽ có rất nhiều chuyển dịch", ông nói. "Nếu đại dịch tái bùng nổ và nó diễn ra mạnh mẽ hơn, thì khi đó sẽ tiềm ẩn một khả năng suy thoái tiếp theo về kinh tế".

Tốc độ phục hồi kinh tế trong lúc này sẽ rất quan trọng đối với việc xác định liệu suy thoái hiện tại có kéo dài như các cuộc suy thoái trong quá khứ hay không. Chẳng hạn như cuộc suy thoái năm 2007 đến 2009 đã dẫn đến mất hàng trăm nghìn việc làm văn phòng, tình trạng thất nghiệp kéo dài và nhiều năm sau đó việc tăng lương chỉ ở mức thấp.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp trong tuần này và các quan chức ngân hàng trung ương sẽ đưa ra các dự báo kinh tế mới, phản ánh mức độ phục hồi mà họ mong đợi sẽ như thế nào.