Kinh tế Nga đã hết hy vọng?
(Tài chính) Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa tuyên bố không cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Điều này có nghĩa là nhiều khả năng giá dầu sẽ ở mức thấp trong một thời gian dài. Đây là một đòn giáng mạnh vào nước Nga và nhiều người đã nghĩ tới kịch bản xấu nhất cho nền kinh tế xứ sở bạch dương…
Suy kiệt vì “ngoại lực”
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã áp đặt nhiều đợt cấm vận với Nga do khủng hoảng ở Ukraine. Những biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành năng lượng, quốc phòng, tài chính chủ chốt của Nga đã khiến đồng rúp mất giá và lạm phát tăng cao (đồng rúp trượt giảm hơn 40% so với USD, lạm phát ở Nga đang tăng tốc và có thể lên 9% vào cuối năm nay).
Tại một diễn đàn kinh tế ở Moscow, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã nhận định: “Chúng ta đang mất khoảng 40 tỷ USD một năm do lệnh trừng phạt về địa chính trị”. Các biện pháp trừng phạt còn làm mức đầu tư vào Nga suy giảm mạnh. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dòng vốn chạy khỏi Nga có thể đạt mức 100 tỷ USD trong năm nay.
Giá dầu thô - nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Nga - cũng đã giảm xuống mức 60 USD/thùng từ mức hơn 100 USD/thùng vào mùa hè năm nay. Các chuyên gia phân tích cho rằng, giá dầu thô là yếu tố quyết định đến nền kinh tế Nga, chứ không phải biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Nga hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới và nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu thô (chiếm đến ½ nguồn thu ngân sách hàng năm). Theo IMF, Nga chỉ có thể cân đối được ngân sách khi dầu ở mức 101 USD/thùng. Bộ trưởng Tài chính Nga đã nhận định giá dầu giảm gây thiệt hại cho kinh tế Nga “khoảng 90 - 100 tỷ USD mỗi năm”.
Sức mạnh nội sinh
Tăng trưởng kinh tế Nga đã giảm mạnh những năm gần đây, từ 3,4% năm 2012 giảm tới 1,3% trong năm 2013. Giờ đây, kinh tế Nga đã “ngấm đòn” trừng phạt của Mỹ và EU. Giới phân tích cho rằng kinh tế Nga có thể rơi vào bế tắc và suy giảm trong quý IV năm nay, đây sẽ là đợt suy thoái đầu tiên kể từ năm 2009.
Ngày 2/12/2014, Bộ Kinh tế Nga cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nước này rơi vào suy thoái kinh tế và đồng rúp sẽ tiếp tục yếu đi trong năm tới. Đây được xem là sự thừa nhận thẳng thắn nhất từ trước đến nay của Chính phủ Nga về mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của lệnh trừng phạt và giá dầu giảm đối với nền kinh tế.
Mặc dù vậy, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, sự sa sút kinh tế dường như chưa gây khó khăn chính trị nào cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Những nhà phân tích cho rằng, nước Nga đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế nhưng đây cũng là một thời cơ cho nền kinh tế Nga. Việc các nhà đầu tư phương Tây thoái vốn ở Nga do các lệnh trừng phạt và giá dầu giảm sẽ là một cơ hội để chấn chỉnh kinh tế Nga, để nền kinh tế này dựa trên chính khả năng của các doanh nghiệp Nga.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014