Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 02-07/10/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Hoa Kỳ

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) chi nhánh Atlanta đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong quý III/2017 lên 2,7%, từ 2,3% (dự báo hồi tháng 9/2017), do chi tiêu cho xây dựng và hoạt động của các nhà máy tăng mạnh. (Theo FED chi nhánh Atlanta ngày 02/10)

Đông Á và Thái Bình Dương

Trong năm 2017, tăng trưởng kinh tếcủa các nước đang phát triển tại Đông Á và Thái Bình Dương đạt 6,4%, cao hơn so với mức tăng trưởng 6,2% (dự báo tháng 4/2017), donhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng mạnh hơn, giá hàng hóa và thương mại toàn cầu phục hồi nhẹ.

Trong đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, cao hơn so với mức tăng 6,5% (dự báo đưa ra trước đó). Thái Lan có thể đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với dự báo trước đó nhờ hoạt động xuất khẩu và du lịch phục hồi.

Giá sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế tạo tăng trưởng trở lại là động lực giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc; Kinh tế Indonesia được hưởng lợi nhờ việc tăng lương thực tế giúp thúc đẩy hoạt động chi tiêu tiêu dùng. (Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới - WB ngày 04/10)

Indonesia

Trong tháng 9/2017, CPI của Indonesia tăng 3,72% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 3,82% của tháng 8/2017, do giá của một số mặt hàng thực phẩm giảm. Ngân hàng Trung ương Indonesia dự báo, lạm phát tại nước này trong năm 2017 tăng 4%. (Theo Văn phòng Thống kê Indonesia ngày 02/10)

Thái Lan

Trong tháng 9/2017, CPI của Thái Lan tăng 0,86% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 0,32% của tháng 8/2017 và 0,45% (dự báo của thị trường).

Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 02/2017, do chi phí phi thực phẩm tăng nhanh và chi phí thực phẩm phục hồi. Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự báo lạm phát tại nước này trong năm 2017 tăng 0,8%. (Theo Văn phòng Thống kê Thái Lan ngày 02/10)

Châu Âu

Anh

- Kim ngạch xuất khẩu hằng năm của bốn ngành chế tạo chủ chốt của Anh (gồm ô tô, công nghệ, y tế và hàng tiêu dùng) ước tính sẽ chịu thiệt hại 17 tỷ GBP (23 tỷ USD) nếu quan hệ thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) được áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thay vì áp dụng theo quy định của Eurozone như trước đây.

Theo đó, Anh phải bù đắp những thiệt hại dự kiến bằng việc tăng cường hoạt động trao đổi thương mại với các đối tác quan trọng khác (như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc).

(Theo nghiên cứu của Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie ngày 02/10)

- Anh là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới - G7 (CPI tăng lần lượt 2,6% và 2,9% trong tháng 7 và tháng 8/2017), do đồng GBP mất giá (giảm 10%) kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit (24/6/2016) đã khiến giá các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh.

Báo cáo của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng GDP của Anh đạt 1,6% trong năm 2017 và giảm xuống còn 1% vào năm 2018. (Theo OECD ngày 03/10)

Nga

- Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký một sắc lệnh của Chính phủ về việc thành lập 4 khu vực phát triển tiên tiến ở nước này (gồm Mordovia, Udmurtia, Yaroslavl và Saratov). Dự kiến 4 khu vực này sẽ thu hút khoảng 20 tỷ RUB (350 triệu USD) tiền đầu tư trong 10 năm tới.

Mục đích thành lập các vùng này là nhằm cải thiện mức sống, tạo việc làm, thu hút đầu tư của các doanh nhân Nga và nước ngoài. Theo Luật liên bang, các khu vực này sẽ duy trì các chế độ hiện nay trong vòng 70 năm, sau đó có thể được gia hạn thêm. (Theo Chính phủ Nga ngày 02/10).

- Trong tháng 9/2017, CPI của Nga tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 3,3% của tháng 8/2017 và 3,1% theo dự báo của thị trường, là mức thấp nhất kể từ năm 1991. Lạm phát lõi của Nga tăng 2,8%, thấp hơn mức tăng 3% của tháng 8/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Nga ngày 05/10)

Hoa Kỳ

Trong tháng 9/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ tăng lên 60,8 điểm, cao hơn 58,8 điểm của tháng 8/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 5/2004, nhờ số lượng đơn hàng mới và giá nguyên liệu tăng mạnh. (Theo Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ - ISM ngày 02/10)

Trong tháng 9/2017, chi tiêu xây dựng tăng 0,5% so với tháng 8/2017 lên 1,21 nghìn tỷ USD, phục hồi từ mức giảm 1,2% của tháng 7/2017. Các dữ liệu tích cực trên làm tăng kỳ vọng về việc FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 12/2017. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 02/10)

Trong tháng 8/2017, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đạt 42,4 tỷ USD, thấp hơn mức thâm hụt 43,6 tỷ USD của tháng 7/2017 và 42,7 tỷ USD theo dự báo của thị trường, cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ không bị giảm mạnh trong quý III/2017 do ảnh hưởng của các cơn bão tại nước này như dự báo.

Kim ngạch xuất khẩu tăng 0,4% so với tháng 7/2017 lên 195,3 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 2,5 năm qua; trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 0,1% xuống 237,7 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 05/10)

Trong tháng 9/2017, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của Hoa Kỳ đạt 59,8 điểm, cao hơn so với 55,3 điểm của tháng 8/2017.

Hãng thông tin dữ liệu việc làm ADP, Hoa Kỳ (04/10) cho biết, khu vực tư nhân tại Hoa Kỳ tạo thêm được 135 nghìn việc làm mới, cao hơn so với mức 125 nghìn việc làm (dự báo của Reuters), cho thấy thị trường việc làm ở Hoa Kỳ vẫn vững chắc mặc dù nền kinh tế nước này vừa bị tác động tiêu cực từ thiên tai (siêu bão Harvey và Irma).

Các chỉ số trên đã củng cố thêm kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm 2017. (Theo Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ - ISM ngày 04/10)

Trong tuần từ ngày 25 - 30/9, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ giảm 12 nghìn đơn xuống còn 260 nghìn đơn, thấp hơn mức 265 nghìn đơn (dự báo của các chuyên gia kinh tế). Các chuyên gia kinh tế dự báo, mặc dù chịu ảnh hưởng của các cơn bão Harvey và Irma nhưng thị trường lao động Hoa Kỳ vẫn sẽ tăng trưởng tích cực. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 05/10)

Trung Quốc

Trong tháng 9/2017, chỉ số PMI ngành chế tạo của Trung Quốc đạt 52,4 điểm, cao hơn 51,7 điểm của tháng 8/2017 và là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 4/2012, trong bối cảnh các nhà máy tăng sản lượng do nhu cầu tiêu thụ và giá hàng hóa tăng cao.

Đây là tháng thứ 14 liên tiếp hoạt động chế tạo củaTrung Quốctăng trưởng. Tuy nhiên, áp lực về chi phí do giá nguyên liệu cao và hoạt động kém hiệu quả của các công ty nhỏ vẫn đặt ra nhiều thách thức đối với ngành chế tạo Trung Quốc. (Theo Reuters ngày 29/9)

Từ năm 2018, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) nhằm khuyến khích tài chính toàn diện tại các ngân hàng thương mại, như hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các nhóm nghèo khó và sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp, sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, các ngân hàng thương mại có dư nợ hằng năm hoặc cho vay mới trong lĩnh vực tài chính toàn diện chiếm hơn 1,5% tổng dư nợ sẽ được cắt giảm 0,5 điểm phần trăm RRR so với mức chuẩn, nếu tỷ lệ vượt quá 10% sẽ được cắt giảm thêm 1 điểm phần trăm RRR. (Theo PBoC ngày 30/9)

Nhật Bản

Trong tháng 9/2017, chỉ số niềm tin của các nhà chế tạo lớn tại Nhật Bản đạt 22 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2007 và cao hơn mức 18 điểm (dự báo của thị trường), trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà phục hồi.

Chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp phi chế tạo đạt 23 điểm, mức cao nhất kể từ quý IV/2015. Các chuyên gia nhận định, kết quả trên cho thấy triển vọng củakinh tế Nhật Bảnđang cải thiện. (Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ ngày 02/10)

Trong tháng 9/2017, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đạt 51 điểm, thấp hơn so với 51,6 điểm của tháng 8/2017 và là mức thấp nhất trong 11 tháng qua, do các đơn đặt hàng mới tăng chậm.

Chỉ số PMI tổng hợp, bao gồm cả sản xuất và dịch vụ, đạt 51,7 điểm, thấp hơn so với 51,9 điểm của tháng 8/2017. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế khác cho thấy kinh tế Nhật Bản vẫn đang trên đà phục hồi. (Theo Công ty Markit/Nikkei ngày 04/10)

Hàn Quốc

Trong tháng 9/2017, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đạt 13,8 tỷ USD, đánh dấu 68 tháng thặng dư liên tiếp. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016 lên mức cao kỷ lục 55,1 tỷ USD.

Đây là tháng thứ 9 liên tiếp xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai con số, dogiá dầu tăng và thương mại toàn cầu phục hồi. Kim ngạch nhập khẩu tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2016 lên 41,3 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 01/10)

Australia

Trong tháng 8/2017, thặng dư thương mại của Australia tăng 22% so với tháng 7/2017 lên 0,99 tỷ AUD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2017.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 1% lên 32,23 tỷ AUD, kim ngạch nhập khẩu giữ nguyên ở mức 31,24 tỷ AUD. (Theo Văn phòng Thống kê Australia ngày 05/10)

Canada

Trong tháng 8/2017, thâm hụt thương mại của Canada đạt 3,4 tỷ CAD, cao hơn mức thâm hụt 2,98 tỷ CAD của tháng 7/2017 và 2,6 tỷ CAD theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 1% so với tháng trước xuống còn 43,6 tỷ CAD, kim ngạch nhập khẩu giữ nguyên ở mức 47 tỷ CAD. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 05/10)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm do chỉ số PMI trong lĩnh vực phi sản xuất của Hoa Kỳ trong tháng 9/2017 tăng lên mức 59,8 điểm từ mức 55,3 điểm trong tháng 8.

Tính chung cả tuần (02 - 06/10/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 1,65%; 1,19%; 1,45% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (29/9/2017).Trong phiên giao dịch ngày 06/10/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nasdaq tăng 4,82 điểm (0,07%) lên 6.590,18 điểm.

+ S&P 500 giảm 2,74 điểm (-0,11%) xuống 2.549,33 điểm.

+ Dow Jones giảm 1,72 điểm (-0,01%) xuống 22.773,67 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,14 điểm (1,32%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (06/10/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 21,55 điểm (0,9%) lên 2.416,02 điểm.

+ Hang Seng (Hồng Kông) tăng 78,86 điểm (0,28%) lên 28.458,04 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 58,9 điểm (1,04%) lên 5.710,7 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 62,15 điểm (0,3%) lên 20.690,71 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc): Đóng cửa nghỉ lễ.

Dầu mỏ

Tuần từ 02 - 06/10/2017, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 4,61%; 3,34%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (06/10/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 11/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,5 USD (-3,04%) xuống 49,29 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,38 USD (-2,47%) xuống 55,62 USD/thùng.

Năng lượng

Ngành sản xuất năng lượng tái tạo sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn dự kiến, chủ yếu nhờ “kỷ nguyên mới” trong sản xuất điện mặt trời. Công suất điện mặt trời trên thế giới tăng 50% vào năm 2016, trong đó Trung Quốc chiếm gần 50% tổng công suất. Đây là lần đầu tiên công suất sản xuất điện mặt trời tăng nhanh hơn so với các nhiên liệu khác.

Dự báo đến năm 2022, công suất sản xuất năng lượng tái tạo sẽ tăng 43% và năng lượng tái tạo chiếm khoảng 30% tổng sản lượng điện năng, cao hơn so với mức 24% của năm 2016. (Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế - IEA ngày 04/10)

Chính sách

Australia

Ngân hàng Dự trữ Australia - RBA quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,5% (được duy trì ổn định từ tháng 8/2016), phù hợp với dự báo của thị trường. Theo Thống đốc RBA Lowe, các điều kiện kinh doanh tại Australia đang ở mức cao cùng sự gia tăng mạnh của đầu tư cơ sở hạ tầng đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ông lưu ý sự tăng trưởng chậm của tiền lương thực tế và mức nợ của hộ gia đình cao có xu hướng hạn chế đà tăng trưởng của chi tiêu hộ gia đình. (Theo RBA ngày 03/10)

Ấn Độ

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ - RBI quyết định duy trì lãi suất ở mức 6%, thấp nhất trong 7 năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại.

RBI cam kết giữ lạm phát ở mức 4% và cho biết, đà tăng gần đây của lạm phát là một trong những lý do khiến RBI giữ nguyên lãi suất. RBI dự báo, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đạt 6,7% trong năm 2017, thấp hơn so với dự báo 7,3% đưa ra trước đó. (Theo RBI ngày 04/10)

 

Nhận định chuyên gia

Ngân hàng Thế giới (03/10):

Kiều hối (nguồn thu chính cho các nước nghèo nhất thế giới) sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2017, do kinh tế Nga, châu Âu và Hoa Kỳ tăng trưởng sẽ thúc đẩy lượng kiều hối chuyển về khu vực châu Phi, châu Âu, Trung Á, Mỹ La-tinh và Caribe tăng.

Cụ thể, nguồn kiều hối chuyển về các nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2017 sẽ tăng 4,8% lên 450 tỷ USD.

Tuy nhiên, lượng kiều hối chuyển về khu vực Đông Á và Đông Nam Á giảm vì các nước vùng Vịnh (nguồn kiều hối truyền thống chính của khu vực này) đang phải thắt chặt chi tiêu do giá dầu giảm, gây ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động nước ngoài.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF (03/10):

Nợ hộ gia đình tăng có thể mang lại “cú huých” đối với tăng trưởng kinh tế, song cũng có thể làm dấy lên những rủi ro về khủng hoảng tài chính trong trung hạn.

Mức nợ hộ gia đình trung bình ở các nền kinh tế phát triển tăng từ 52% GDP lên 63% GDP trong giai đoạn 2008 - 2016. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, nợ hộ gia đình tăng từ 15% GDP lên 21% GDP.

Các chuyên gia kinh tế (04/10):

Tình trạng thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ có thể là một rào cản lớn đối với kế hoạch cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump, do gói cải cách thuế này (gồm các khoản cắt giảm thuế trong 10 năm có giá trị 5.800 tỷ USD) sẽ làm giảm mạnh nguồn thu liên bang, trong khi chưa có đề xuất nào về cắt giảm chi tiêu ở quy mô tương đương. Việc cắt giảm thuế theo kế hoạch của Tổng thống Donald Trump có thể làm gia tăng nợ công của Hoa Kỳ.

Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Reuters (04/10):

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh và phục hồi nhanh trong bối cảnh nước này đang nỗ lực kiểm soát các rủi ro về nợ.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, đà tăng trưởng sẽ chậm lại trong những tháng tới do chi phí cho vay cao hơn, hoạt động giao dịch bất động sản bị kiềm chế và Chính phủ đóng cửa một số nhà máy gây ô nhiễm môi trường nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trong mùa đông.

Lực đẩy từ chương trình kích thích kinh tế, trong đó có nhiều khoản chi dành cho hạ tầng đã tiếp lực cho giai đoạn bùng nổ xây dựng trong nhiều năm qua, cũng sẽ bắt đầu giảm đi.