Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 10-15/10/2016
KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI |
Nội dung |
Tăng trưởng - Lạm phát - |
- Đức: + Kinh tế Đức năm 2016 sẽ tăng trưởng 1,8%, cao hơn mức tăng 1,7% (dự báo tháng 4/2016) do kinh tế nước này đang phục hồi vững chắc. Năm 2017, 2018, kinh tế tăng trưởng lần lượt ở mức 1,4% và 1,6%. + Số lao động có việc làm trong năm 2016 đạt mức kỷ lục 43,6 triệu người và năm 2017 là 44 triệu người, làm tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước và nguồn thu từ thuế, cho phép Chính phủ tăng chi tiêu công hoặc giảm thuế. + Số lao động thất nghiệp giảm xuống 2,69 triệu người trong năm 2016 2,66 triệu người năm 2017. (Theo Chính phủ Đức ngày 07/10)
- Pháp: + Kinh tế Pháp năm 2016 sẽ tăng trưởng 1,3%, thấp hơn mức tăng 1,6% (dự báo tháng 7/2016), do kinh tế Eurozone quý II/2016 có diễn biến xấu hơn dự kiến. + Tỷ lệ thất nghiệp năm 2016 giảm 4 điểm phần trăm so với năm 2015 xuống 9,5%. (Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và Thống kê Quốc gia Pháp - INSEE ngày 06/10)
- Hàn Quốc: + Tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2017 sẽ giảm từ 2,9% (dự báo hồi tháng 7/2016) xuống 2,8% do lo ngại về những yếu tố bất ổn trong và ngoài nước, đặc biệt là quyết định của Hãng điện tử Samsung về việc ngừng sản xuất dòng điện thoại Galaxy Note 7. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Hàn Quốc từ 3,2% (tháng 1) xuống 3% (tháng 4), 2,9% (tháng 7) và 2,8% (tháng 6/2016). (Theo BoK ngày 13/10) + Tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 9/2016 tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2015 lên 3,6% (120.000 người, chủ yếu trong độ tuổi 20 - 50 tuổi) - mức cao nhất trong 11 năm qua, do xuất khẩu sụt giảm liên tiếp và việc tái cơ cấu ngành công nghiệp vận tải và đóng tàu của nước này. (Theo Chính phủ Hàn Quốc ngày 12/10) |
Đầu tư |
Trong quý III/2016, tổng vốn đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng thông minh toàn cầu đạt 42,2 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2013, giảm 31% so với quý II/2016 và giảm 43% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do vốn đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại châu Âu, đầu tư dự án tại Trung Quốc, Nhật Bản giảm mạnh (đầu tư của Trung Quốc giảm 51% so với cùng kỳ năm 2015 xuống 14,4 tỷ USD, Nhật Bản giảm 56% xuống 3,5 tỷ USD). (Theo Bloomberg ngày 10/10) |
Chứng khoán |
- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều giảm điểm trong tuần qua trong bối cảnh thị trường đón nhận những thông tin bi quan về kinh tế Trung Quốc; đồng thời chịu tác động bởi những thông tin về khả năng nâng lãi suất vào cuối năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Tính chung cả tuần (10 - 14/10/2016), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,56%; 0,96% và 1,48% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (7/10/2016). Trong ngày giao dịch cuối tuần (14/10/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số: + Dow Jones đạt 18.138,38 điểm, tăng 0,22%. + S&P 500 đạt 2.132,98 điểm, tăng 0,02%. + Nasdaq Composite đạt 5.214,16 điểm, tăng 0,02%.
- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính giảm điểm do những lo ngại về dữ liệu thương mại của Trung Quốc và sự sụt giảm của chứng khoán Hoa Kỳ; Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,75% xuống 138,16 điểm. Các thị trường chính - Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,02% xuống 16.856,37 điểm. - Hang Seng (Hong Kong) giảm 2,59% xuống 23.233,31 điểm. - Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,51% xuống 2.022,66 điểm. - S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,6% xuống 5.434,032 điểm. - Riêng Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 1,94% lên 3.063,81 điểm. |
Dầu mỏ |
Trong khi sản lượng dầu thế giới tiếp tục tăng thì nhu cầu dầu tăng chậm lại cùng với sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, gây sức ép làm giảm giá dầu. Dự báo thị trường dầu thế giới vẫn dư cung đến giữa năm 2017 nếu OPEC không thực hiện thỏa thuận đạt được tại Algeria vào tháng 9/2016 về việc cắt giảm sản lượng xuống 32,5 - 33 triệu thùng/ngày.Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 9/2016 đạt mức cao kỷ lục 33,64 triệu thùng/ngày, trong khi sản lượng dầu của Nga cũng đạt mức cao kỷ lục từ năm 1991.(Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA ngày 11/10) |
Trong tuần kết thúc vào ngày 07/10, lượng dầu lưu kho của Hoa Kỳ tăng 4,9 triệu thùng, ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 6 tuần qua và cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 900.000 thùng của các nhà phân tích trong khảo sát của Wall Street Journal; tổng nguồn cung dầu thô và sản phẩm lọc dầu của Hoa Kỳ giảm 5,1 triệu thùng. (Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA) |
|
Tuần từ 10 - 14/10/2016, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 0,08% và 0,04%. Ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp, cũng là đợt tăng dài nhất kể từ tháng 4. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (14/10/2016), giá dầu kỳ hạn giao tháng 11/2016: - WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 9 cent (1,18%) xuống 50,53 USD/thùng. - Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 8 cent (1,5%) xuống 51,95 USD/thùng. |
|
Châu Âu |
- Eurozone: Sản lượng công nghiệp tại Eurozone trong tháng 8/2016 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015, sau khi giảm 0,5% trong tháng 7, chủ yếu do các mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh (tăng 4,9%). Trong đó sản lượng công nghiệp tại Đức và Pháp tăng lần lượt là 2,1% và 0,2%, sau khi giảm tương ứng 1,7% và 0,3% trong tháng 7. (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 12/10) - Pháp: Trong tháng 8/2016, thâm hụt thương mại của nước này đạt 4,26 tỷ EUR (4,77 tỷ USD), bằng mức thâm hụt của tháng 7/2016. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 2,1% lên 38,07 tỷ EUR do ngành thiết bị vận tải hoạt động hiệu quả; kim ngạch nhập khẩu tăng 1,8% lên 42,33 tỷ EUR chủ yếu do nhập khẩu dược phẩm tăng. Lũy kế 12 tháng, thâm hụt thương mại của Pháp tăng 6% lên 48,4 tỷ EUR. (Theo Cơ quan Hải quan Pháp ngày 07/10) - Hy Lạp: Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đã đồng ý giải ngân 1,1 tỷ EUR (1,2 tỷ USD) trong gói cứu trợ trị giá 2,8 tỷ EUR cho Hy Lạp sau khi ghi nhận những nỗ lực cải cách của nước này. Các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã thông qua những biện pháp bổ sung cần thiết để cải tổ hệ thống hưu trí và ngành năng lượng, tăng cường quản trị ngân hàng và tiếp tục chương trình tư nhân hóa.(Theo Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone ngày 10/10) - Hà Lan: Ngân hàng lớn nhất Hà Lan (ING) thông báo kế hoạch đến năm 2021 sẽ cắt giảm 7 nghìn việc làm (chủ yếu tại các chi nhánh ở Bỉ và Hà Lan) nhằm tiết kiệm 900 triệu EUR (1,01 tỷ USD). ING dự định đầu tư khoảng 800 triệu EUR (899 triệu USD) để phát triển thị trường ngân hàng trực tuyến. |
Hoa Kỳ |
Trong tháng 9/2016, thị trường lao động Hoa Kỳ tăng thêm 156.000 việc làm, thấp hơn so với mức tăng trung bình 210.000 việc làm trong tháng 7 và 8, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,1 điểm phần trăm lên 5%, tương đương 7,9 triệu người; mức lương trung bình theo giờ tại Hoa Kỳ tăng 0,2% so với tháng 8/2016, lên 25,79 USD/giờ. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 07/10) |
Trung Quốc |
Dự trữ ngoại tệ của nước này giảm từ 3.185 tỷ USD xuống còn 3.166 tỷ USD trong tháng 9/2016. Đây là tháng thứ ba liên tiếp dự trữ ngoại tệ giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn so với dự báo giảm của Reuters là 3.180 tỷ USD.Năm 2015, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm kỷ lục 513 tỷ USD sau khi nước này hạ giá đồng nhân dân tệ, gây ra một đợt thoái vốn lớn khỏi nền kinh tế Trung Quốc. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 07/10) |
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9/2016 đạt dưới mức kỳ vọng. Tính theo đồng USD, kim ngạch xuất khẩu giảm 10%, kim ngạch nhập khẩu giảm 1,9%, thặng dư thương mại đạt 41,99 tỷ USD; tính theo đồng NDT, kim ngạch xuất khẩu giảm 5,6%, kim ngạch nhập khẩu tăng 2,2%, thặng dư thương mại đạt 278,35 tỷ NDT (41,4 tỷ USD). (Theo CNBC ngày 13/10) |
|
Trong tháng 9/2016, Trung Quốc đã nhập khẩu 8,04 triệu thùng dầu thô/ngày (khoảng 33,06 triệu tấn), cao hơn so với mức 7,98 triệu thùng/ngày của Hoa Kỳ. Lũy kế 9 tháng , lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 284 triệu tấn (7,55 triệu thùng/ngày).(Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc ngày 13/10) |
|
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục sử dụng cơ chế cho vay trung hạn (MLF) để bơm thêm 301 tỷ NDT (khoảng 44,7 tỷ USD) (gồm 217 tỷ NDT đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 2,85% và 84 tỷ NDT đối với kỳ hạn 1 năm, lãi suất 3%) cho 18 tổ chức tài chính thông qua các hoạt động thị trường mở. (Theo PBoC ngày 13/10) |
|
Ngày 12/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục hạ tỷ giá trung tâm của đồng NDT so với đồng USD xuống 6,7258 NDT/USD - mức thấp kỷ lục trong sáu năm qua. Đây cũng là ngày thứ sáu liên tiếp PBoC hạ tỷ giá NDT/USD - chuỗi giảm dài nhất trong 9 tháng qua.Theo dự đoán của giới phân tích, đồng NDT sẽ tiếp tục giảm giá trong thời tới trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm và tình trạng “tháo vốn” vẫn diễn ra. (Theo Hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc - CFETS ngày 12/10) |
|
Nhật Bản |
Thượng viện Nhật Bản ngày 11/10 đã phê chuẩn khoản ngân sách bổ sung trị giá 4.110 tỷ JPY (40 tỷ USD) nhằm kích thích nền kinh tế, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm sút. Phần lớn khoản ngân sách này sẽ được dùng để hỗ trợ gói kích thích kinh tế trị giá 28 nghìn tỷ JPY mà Chính phủ Nhật Bản công bố tháng 8/2016, trong đó: 710 tỷ JPY dùng để tăng cường các biện pháp trợ cấp xã hội; 1.410 tỷ JPY cải thiện cơ sở hạ tầng; 430 tỷ JPY hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như vực dậy kinh tế địa phương; 1.440 tỷ JPY tái thiết và giảm thiểu thiên tai. Với ngân sách bổ sung lần này, tổng chi tiêu công của Nhật Bản cho năm tài chính 2016 đạt 100.010 tỷ JPY - mức cao nhất trong 3 năm qua. (Theo TTXVN ngày 11/10) |
Saudi Arabia |
Năm 2018, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Saudi Aramco, Saudi Arabia sẽ triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) - một phần trong Chương trình Tầm nhìn Kinh tế 2030 của Saudi Arabia nhằm hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế. Trước đó, “Tầm nhìn Kinh tế 2030” đề ra mục tiêu thành lập Quỹ Đầu tư công trị giá tối thiểu là 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030 thông qua việc phát hành 5% IPO của Aramco (hiện chiếm gần 12% tổng sản lượng khai thác dầu của thế giới). (Theo Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng quốc doanh Saudi Aramco, Saudi Arabia, ông Amin Nasser ngày 11/10) |
Chính sách
|
- Châu Âu: Trong bối cảnh hiện tượng thép và nhôm giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường, dẫn đến những vi phạm các thỏa thuận thương mại quốc tế, ngày 07/10, Ủy ban châu Âu - EC quyết định áp thuế chống bán phá giá mới đối với hai loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc, theo đó mức thuế đối với thép cán nóng tăng từ 13,2% lên 22,6% và thép tấm nặng tăng từ 65,1% lên 73,7%, thời gian áp thuế kéo dài 5 năm.. - Hàn Quốc: BoK ngày 13/10 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,25%, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này. Mức lãi suất này được BoK duy trì từ tháng 6/2016, sau khi hạ từ mức 1,5% trước đó. Theo Chính phủ Hàn Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 9/2016 đạt 40,9 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. |
Nhận định |
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc - FAO ngày 06/10: Tổng sản lượng lúa mỳ và thóc gạo thế giới trong năm 2016 sẽ tăng 1,5% so với năm 2015, góp phần làm tăng nguồn lương thực dự trữ và hạ giá gạo, đưa tổng giá trị nhập khẩu lương thực trong cả năm (tính bằng đồng USD) giảm 11%, trong đó các sản phẩm chăn nuôi và thực phẩm chế biến từ ngũ cốc chào giá thấm , bù đắp cho chi phí thịt cá, rau quả, các loại dầu ăn và đặc biệt là đường tăng cao.
Chủ tịch ECB Mario Draghi ngày 08/10: Lạm phát tại Eurozone sẽ tăng 1% vào cuối năm 2016 nhờ tác động của giá năng lượng và có thể đạt mục tiêu 2% vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Tăng trưởng tại khu vực đã dần đi vào ổn định và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ hiện tại trong những tháng cuối năm 2016, tuy nhiên có nguy cơ suy giảm trong năm 2017, chủ yếu là từ rủi ro địa chính trị và thương mại thế giới tăng trưởng thấp hơn dự báo.
Thống đốc PboC - Chu Tiểu Xuyên ngày 09/10: Hoạt động cho vay và tín dụng tăng nhanh tại Trung Quốc cho thấy những nỗ lực của nước này trong việc thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh kinh tế thế giới yếu kém. Mặc dù nợ xấu gia tăng nhưng Trung Quốc có thế kiểm soát được những rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Các khoản cho vay mới của các ngân hàng Trung Quốc trong tháng 8/2016 tăng 948,7 tỷ NDT (142 tỷ USD), cao hơn gấp hai lần mức cho vay mới trong tháng 7/2016. |