Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 12-17/6/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

Kinh tế - tài chính thế giới

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Toàn cầu: Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đạt 3,5% và 3,6% vào năm 2018, cao hơn 3% của năm 2016 và là mức cao nhất kể từ năm 2011. (Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD ngày 12/6)

Eurozone: Trong năm 2017 và 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế Eurozone dự báo đạt 1,8%, cao hơn mức tăng trưởng 1,7% của năm 2016. Trong đó Đức giữ vai trò đầu tàu với mức tăng trưởng 2%. (Theo OECD ngày 12/6)

Hoa Kỳ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 2,1% trong năm 2017 và 2,4% vào năm 2018, thấp hơn mức tăng trưởng tương ứng là 2,4% và 2,8% (dự báo tháng 3/2017). (Theo OECD ngày 12/6)

- Tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 2,2% trong năm 2017, cao hơn so với mức tăng trưởng 2,1% (dự báo tháng 3/2017); tuy nhiên lạm phát năm 2017 sẽ giảm xuống 1,7%, thấp hơn mức 1,9% (dự báo tháng 3/2017). (Theo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED ngày 14/6)

Trung Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,6% trong năm 2017 và 6,4% vào năm 2018. (Theo OECD ngày 12/6)

Nhật Bản: Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 1,4% trong năm 2017 và 1% vào năm 2018. (Theo OECD ngày 12/6)

Anh

- Nền kinh tế Anh tiếp tục giảm tốc với mức tăng trưởng 1,6% trong năm 2017 và 1% vào năm 2018, so với 1,8% của năm 2016. (Theo OECD ngày 12/6)

- Trong tháng 5/2017, CPI của Anh tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 2,7% của tháng 4/2017 và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2013.

CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với kỳ vọng 2,4% của thị trường và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2012. (Theo Văn phòng Thống kê Anh - ONS ngày 13/6)

Ấn Độ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 7,3% trong năm 2017 và 7,7% vào năm 2018. (Theo OECD ngày 12/6)

Pháp

- Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 1,4% trong năm 2017 và 1,6% vào năm 2018 - 2019, cao hơn mức tăng trưởng tương ứng là 1,3%; 1,4% và 1,5% (dự báo tháng 12/2016), do hoạt động thương mại quốc tế tăng trưởng hơn.

- Lạm phát của Pháp tăng 1,2% trong hai năm 2017 và 2018; 1,4% vào năm 2019, cao hơn mức tăng 0,3% trong năm 2016.

(Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 09/6)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần (12/6 - 16/6/2017), chỉ số Dow Jones tăng 0,53%; S&P 500 tăng 0,06%; chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,9% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (09/6/2017). Trong ngày giao dịch ngày 16/6/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq giảm 13,74 điểm (-0,22%) xuống 6.151,76 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 0,69 điểm (0,03%) lên 2.433,15 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones tăng 24,38 điểm (0,11%) lên 21.384,28 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,51 điểm (-0,75%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (16/6/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 9,32 điểm (-0,3%) xuống 3.123,17 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 0,18 điểm (0,01%) lên 2.361,83 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 61,15 điểm (0,24%) lên 25.626,49 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 10,8 điểm (0,19%) lên 5.774 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 111,44 điểm (0,56%) lên 19.943,26 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 12/6 - 16/6/2017, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 2,38% và 1,62%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (16/6/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 7/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,28 USD (0,63%) lên 44,74 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,45 USD (0,95%) lên 47,37 USD/thùng.

Trong tháng 5/2017, sản lượng dầu mỏ của OPEC đạt 32,139 triệu thùng/ngày, cao hơn 336 nghìn thùng/ngày so với tháng 4/2017 và là mức cao nhất kể từ khi OPEC bắt đầu thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng (tháng 01/2017, với sản lượng trần là 32,5 triệu thùng/ngày), do sản lượng dầu mỏ của Libya và Nigeria đều tăng.(Theo báo cáo hằng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC ngày 13/6)

Trong năm 2018, các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC sẽ tăng sản lượng dầu mỏ thêm 1,5 triệu thùng/ngày lên 59,7 triệu thùng ngày, cao hơn mức tăng của nhu cầu tiêu thụ dầu là 1,4 triệu thùng/ngày lên 99,3 triệu thùng/ngày, chủ yếu do các nhà sản xuất dầu mỏ tại Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh khai thác (sản lượng dầu của Hoa Kỳ đạt trên 14,4 triệu thùng/ngày).

Điều này có thể tác động tới nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước xuất khẩu dầu mỏ khác nhằm hỗ trợ giá dầu.(Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA ngày 14/6)

Trong tuần 05 - 09/6, lượng dự trữ dầu mỏ của Hoa Kỳ giảm 1,7 triệu thùng xuống 511,5 triệu thùng, tuy nhiên, sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ tăng 12 nghìn thùng/ngày lên 9,33 triệu thùng/ngày và lượng dự trữ xăng tăng 2,1 triệu thùng lên 242,4 triệu thùng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016, đã tác động làm tăng giá dầu mỏ thế giới. (Theo IEA ngày 14/6)

Châu Âu

Eurozone

- Trong quý I/2017, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần đầu tiên đổi một phần USD dự trữ sang đồng NDT khi đầu tư 500 triệu EUR (560 triệu USD) vào đồng NDT.

Theo ECB, trong những năm gần đây, đồng NDT ngày càng được sử dụng với vai trò là đồng tiền quốc tế và việc đầu tư của ECB vào đồng tiền này cho thấy Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Eurozone. Tuy nhiên, đồng USD vẫn là đồng tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dự trữ ngoại tệ của ngân hàng này.(Theo ECB ngày 13/6)

- Trong tháng 4/2017, thặng dư thương mại của Eurozone đạt 17,85 tỷ EUR - mức thặng dư tháng 4 thấp nhất kể từ năm 2014, thấp hơn mức thặng dư 26,63 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2016 xuống 167,67 tỷ EUR - mức giảm đầu tiên trong 6 tháng qua; kim ngạch nhập khẩu tăng 2,7% lên 149,82 tỷ EUR. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 15/6)

Anh

- Từ tháng 02 - 4/2017, mức lương tuần trung bình của người lao động ở Anh tăng 1,7% - mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Mức lương tuần đã được điều chỉnh theo lạm phát giảm 0,6% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2014, tác động làm giảm chi tiêu tiêu dùng trong tháng 5/2017 (giảm 0,8% so so với cùng kỳ năm 2016), lần giảm đầu tiên kể từ tháng 9/2013.

Nhà phân tích Andrew Wishart của Capital Economics dự báo, mức tăng lương không theo kịp lạm phát sẽ tác động tới chi tiêu tiêu dùng ở Anh trong cả năm 2017. (Theo ONS ngày 13/6)

- Trong tháng 5/2017, doanh số bán lẻ của Anh giảm 1,2% so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo giảm 0,8% của các nhà kinh tế.

So với cùng kỳ năm 2016, doanh số bán lẻ của Anh tăng 0,9% - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2013, do người dân bắt đầu quan ngại về ảnh hưởng của lạm phát tăng cao tại nước này. (Theo ONS ngày 15/6)

Pháp

Trong năm 2017, thâm hụt ngân sách tương đương 3,1% GDP, cao hơn mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP do Liên minh châu Âu (EU) đề ra. (Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 09/6)

Nga

Trong năm 2016, Nga xuất khẩu 77% lượng dầu mỏ khai thác được, 33% khí đốt và 55% than đá:

- Sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga tăng 2,2% (mức trung bình trong vòng 10 năm qua là 1,4%) lên mức cao kỷ lục 11,2 triệu thùng/ngày - năm tăng thứ 8 liên tiếp và chiếm 12,2% sản lượng khai thác trên thế giới; sản lượng khai thác khí đốt tăng 0,5%, chiếm 16,2% lượng khai thác khí đốt thế giới.

- Giá trị xuất khẩu dầu mỏ của Nga tăng 2,1% lên 8,6 triệu thùng/ngày, chiếm 13,2% lượng xuất khẩu dầu mỏ thế giới; xuất khẩu khí đốt tăng 6,1% lên 204,8 tỷ m3, chiếm 18,9% lượng xuất khẩu khí đốt thế giới.

(Theo Tập đoàn Dầu mỏ BP, Anh ngày 13/6)

Hy Lạp

Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đã thống nhất giải ngân khoản vay cứu trợ mới cho Hy Lạp trị giá 8,5 tỷ EUR (9,5 tỷ USD) và sẽ đưa ra các chi tiết giảm nợ trong năm 2018; Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde thông báo, IMF sẽ đóng góp 2 tỷ EUR vào chương trình cứu trợ Hy Lạp.

Khoản giải ngân mới này cho phép Hy Lạp có thể trả số nợ 7 tỷ EUR đáo hạn vào tháng 7/2017.Thỏa thuận trên cho phép khởi động giai đoạn ba của chương trình cứu trợ Hy Lạp trị giá 86 tỷ EUR được ký kết từ năm 2015 nhưng bị đình trệ từ nhiều tháng qua do bất đồng giữa các nước thành viên Eurozone với IMF. (Theo TTXVN ngày 15/6)

Châu Á

Hàn Quốc

- Trong tháng 5/2017, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đạt 5,7 tỷ USD, thấp hơn mức thặng dư 12,9 tỷ USD của tháng 4/2017, tuy nhiên là tháng thứ 64 liên tiếp Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2016 lên khoảng 45 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tăng 19,1% lên 39,3 tỷ USD.

Trong đó, thặng dự thương mại của Hàn Quốc với Hoa Kỳ đạt 915 triệu USD, giảm hơn 50% so với mức thặng dư 2 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016 và là tháng giảm thứ 13 liên tiếp, trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực giảm bớt sự mất cân bằng trong thương mại song phương.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Hoa Kỳ đạt 6,9 tỷ USD, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc từ thị trường Hoa Kỳ là 21,2 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 0,8% xuống 28,1 tỷ USD. (Theo Cơ quan Hải quanHàn Quốc - KCS ngày 15/6)

- Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ hộ gia đình của Hàn Quốc tương đương 92,8% GDP, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm 2015 - mức tăngcao thứ ba trong số 43 nền kinh tế lớn trên thế giới, sau Na Uy (6,3 điểm phần trăm) và Trung Quốc (5,6 điểm phần trăm).

Nợ hộ gia đình ngày càng tăng cao ở Hàn Quốc được nhận định là lực cản đối với nền kinh tế nước này. (Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS ngày 11/6)

- Trong tháng 5/2017, số người có việc làm tại nước này đạt 26.824 nghìn người, tăng 375 nghìn người so với cùng kỳ năm 216 - tháng tăng thứ 4 liên tiếp.

Số người thất nghiệp giảm còn 1.003 nghìn người, tương đương 3,6%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15 - 29 là 9,3%, giảm 0,4 điểm phần trăm, cho thấy thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi. (Theo Chính phủ Hàn Quốc ngày 14/6)

Hoa Kỳ

Trong tháng 5/2017, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ đạt 89 tỷ USD, cao hơn mức 52,5 tỷ USD cùng kỳ năm 2016 và 86,5 tỷ USD (dự báo của thị trường). Trong đó, chi ngân sách tăng 19% lên 329 tỷ USD, thu ngân sách tăng 7% lên 240 tỷ USD.

Lũy kế 8 tháng đầu năm tài chính 2017 (bắt đầu từ ngày 01/10/2016), thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ đạt 433 tỷ USD, cao hơn mức thâm hụt 405 tỷ USD cùng kỳ năm 2016. (Theo Chính phủ Hoa Kỳ ngày 12/6)

Trong tháng 5/2017, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hoa Kỳ tăng 0,5%, bằng mức tăng của tháng 4/2017. Lũy kế 12 tháng (tính đến tháng 5/2017), PPI tăng 2,4% (giảm tốc so với mức tăng 2,5% của tháng 4/2017) do chi phí năng lượng giảm mạnh nhất trong hơn một năm, cho thấy áp lực lạm phát tại Hoa Kỳ giảm dần sau khi tănghồi đầu năm 2017. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 13/6)

Bộ Tài chính Hoa Kỳ thông báo kế hoạch cải cách khung quy định về tài chính, trong đó dự kiến đưa ra hơn 100 thay đổi, bao gồm việc nới lỏng các hạn chế đối với các ngân hàng lớn trong hoạt động giao dịch và giảm nhẹ các “bài kiểm tra sát hạch” thường niên; giảm bớt quyền hạn của Cơ quan Bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng (CFPB) ở Hoa Kỳ; mở rộng thẩm quyền của Hội đồng Giám sát ổn định tài chính Hoa Kỳ; thay đổi cách thức thực thi các tiêu chuẩn về vốn toàn cầu để trợ lực cho các ngân hàng Hoa Kỳ, các ngân hàng có tổng tài sản bằng hoặc dưới 50 tỷ USD sẽ ít bị ràng buộc bởi những quy định hơn các ngân hàng có quy mô to lớn. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 12/6)

- FED quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 1 - 1,25%, do nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng, thị trường việc làm tốt và lạm phát giảm nhẹ, đồng thời dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm 2017 và tăng thêm 3 lần trong năm 2018. Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 của FED trong năm 2017 và lần tăng thứ 3 trong vòng 6 tháng qua.

- FED lần đầu tiên công bố phác thảo về kế hoạch thu hẹp bảng cân đối tài sản của mình. Theo đó sẽ cắt giảm 10 tỷ USD/tháng (bao gồm 6 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 4 tỷ USD chứng khoán thế chấp) trong danh mục đầu tư trị giá 4,2 nghìn tỷ USD.

Các mức cắt giảm trên sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 3 tháng chođến khi đạt mức cắt giảm 30 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 20 tỷ USD chứng khoán thế chấp mỗi tháng.

(Theo FED ngày 14/6)

Trong tuần từ 05 - 10/6, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ giảm 8 nghìn đơn so với tuần trước đó xuống 237 nghìn đơn, thấp hơn mức 242 nghìn đơn (dự báo của Reuters), và là tuần thứ 119 liên tiếp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở dưới ngưỡng 300 nghìn đơn, cho thấy thị trường lao động Hoa Kỳ đang phát triển mạnh và là cơ sở để FED có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm 2017. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 15/6)

Trung Quốc

Trong tháng 5/2017, thu ngân sách của Trung Quốc tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016 lên 1.610 tỷ NDT (236,95 tỷ USD), thấp hơn so với các mức tăng 12,2% và 7,8% trong tháng 3 và tháng 4/2017. (Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 13/6)

Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ phát hành 14 tỷ NDT (2,06 tỷ USD) trái phiếu bằng đồng NDT và 2 tỷ NDT trái phiếu bằng đồng USD - đợt phát hành trái phiếu bằng đồng USD đầu tiên kể từ tháng 10/2004.

Trái phiếu sẽ được phát hành trong hai đợt tại Hong Kong, đợt phát hành đầu tiên vào ngày 30/6 và đợt thứ hai dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2017. (Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 14/6)

Đàm phán - Ký kết

Viện Nghiên cứu chính sách xã hội châu Á có trụ sở ở New York, Hoa Kỳ và Trung tâm Trao đổi hợp tác kinh tế quốc tế của Trung Quốc lần đầu tiên phối hợp tổ chức Đối thoại cấp cao về quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc với sự tham gia của hơn 30 học giả đến từ các cơ quan đầu ngành của cả hai nước.

Tại cuộc đối thoại, hai bên đã thống nhất kế hoạch 100 ngày nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, cũng như giải quyết những vấn đề quan ngại to lớn của hai bên. (Theo TTXVN ngày 14/6)

Chính sách

Ngân hàng Trung ương Anh - BoE quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,25%, đã được áp dụng kể từ tháng 8/2016, phù hợp với dự báo của thị trường.

Các nhà hoạch định chính sách của Anh quan ngại về lạm phát gia tăng (đạt 2,9% trong tháng 5/2017, cao hơn mức mục tiêu là 2%) ảnh hưởng đến chi tiêu của hộ gia đình và GDP. (Theo BoE ngày 15/6)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức -0,1%, phù hợp với dự báo của thị trường; giữ nguyên mục tiêu lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%; giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến khi CPI tăng ổn định ở mức trên 2%; đồng thời đưa ra nhận định tích cực hơn về tiêu dùng cá nhân trong nước và các nền kinh tế ở nước ngoài. (Theo BoJ ngày 16/6)