Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 14-19/11/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Thế giới: Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2016 và 2,8% năm 2017, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình 3,1%/năm giai đoạn 2010-2014 và 3% của năm 2015. Trong đó các nước phát triển tăng trưởng 1,7% năm 2016 và 1,8% năm 2017; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,1% giai đoạn 2017-2021. Các nước mới nổi và đang phát triển tăng trưởng 3,2% năm 2016; 3,6% năm 2017 và đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 3,7% giai đoạn 2017-2021. (Theo Tổ chức nghiên cứu Conference Board ngày 15/11)

- Eurozone:

+ Trong quý III/2016, GDP của Eurozone và EU28 tăng trưởng lần lượt ở mức 0,3% và 0,4% so với quý trước; 1,6% và 1,8% so với cùng kỳ năm 2015, bằng mức tăng trưởng trong quý II/2016. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 15/11)

+ GDP đạt 1,5% trong năm 2016; 1,4% năm 2017 và tăng trưởng bình quân 1,7% giai đoạn 2017 - 2021. (Theo Tổ chức nghiên cứu Conference Board ngày 15/11)

+ Lạm phát tăng 0,5% trong tháng 10/2016 - cao nhất kể từ tháng 6/2014, trong đó Bỉ và Áo tăng cao nhất (tương ứng 1,9% và 1,4%); lạm phát âm được ghi nhận tại 6 nước (Bulgaria, Síp, Ireland, Croatia, Slovakia và Italy). Lạm phát lõi (không bao gồm năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) tăng 0,8%. (Theo Eurostat ngày 17/11)

- Hoa Kỳ:

+ Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong quý IV/2016 sẽ đạt 3,3%, tăng thêm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, sau khi các số liệu tích cực về thị trường bán lẻ và giá nhập khẩu của Hoa Kỳ trong tháng 10/2016 được công bố; tăng trưởng năm 2016 đạt 1,6%; 2% trong năm 2017 và trung bình 2,2% giai đoạn 2017-2021. (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - FED Atlanta và Conference Board ngày 15/11)

+ CPI tháng 10/2016 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2015 - mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, tăng so với 1,5% trong tháng 9, nhờ sự tăng trưởng của chi phí nhà ở (3,5%) và năng lượng (0,1%). Lạm phát lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) là 2,1% - mức thấp nhất trong 6 tháng, giảm so với 2,2% trong tháng 9. (Theo Cục Thống kê và Lao động Hoa Kỳ ngày 17/11)

- Trung Quốc: GDP tăng trưởng 3,9% trong năm 2016 và 3,8% trong năm 2017. (Theo Conference Board ngày 15/11)

- Nhật Bản: GDP quý III/2016 tăng trưởng 0,5% so với quý II/2016 và cao hơn nhiều so mức 0,2% dự báo đưa ra trước đó, do xuất khẩu tăng mạnh đã bù đắp cho chi tiêu dùng giảm. Dự báo GDP tăng trưởng 0,9% trong năm 2016 và 0,6% trong năm 2017. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 14/11 và Conference Board ngày 15/11)

- Anh: GDP tăng trưởng 1,7% trong năm 2016 và 0,8% trong năm 2017. (Theo Conference Board ngày 15/11)

- Đức: GDP của Đức trong quý III/2016 tăng trưởng 0,2% - thấp hơn mức dự báo tăng 0,3% và 0,4% của quý II, do hoạt động xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Đức sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong quý IV/2016. (Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức - Destatis ngày 15/11)

- Ấn Độ: GDP tăng trưởng 6,8% trong năm 2016; 6,5% năm 2017 và chỉ đạt mức trung bình 5,8% giai đoạn 2017 - 2021. (Theo Conference Board ngày 15/11)

- Hy Lạp: GDPcủa Hy Lạp tăng 0,5% trong quý III/2016 sau khi tăng 0,2% trong quý II, chính thức kết thúc đợt suy thoái kinh tế kéo dài từ năm 2014. Động lực tăng trưởng của kinh tế nước này hiện đang ở trạng thái tốt nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. (Theo Cơ quan Thống kê Hy Lạp - Elstat ngày 14/11)

- Philippines: Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III/2016 đạt 7,1% - mức cao nhất kể từ quý II/2013, cao hơn mức dự báo 6,7% và mức tăng 7% của quý II/2016. (Theo Ủy ban Điều phối và Thống kê Philippines ngày 17/11)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm trong tuần qua do các tín hiệu tích cực của nền kinh tế: Số người đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp giảm, chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh nhất trong 6 tháng và số nhà xây mới hàng tháng tăng. Tính chung cả tuần (14 - 18/11/2016), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,11%; 0,81% và 1,61% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (ngày 11/11/2016). Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 18/11/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.867,93 điểm, giảm 0,19%.

+ S&P 500 đạt 2.181,9 điểm, giảm 0,24%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.321,51 điểm, giảm 0,23%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính giảm điểm trong tuần qua. Thị trường chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng điểm tốt nhất kể từ đầu tháng 9 nhờ đồng yên giảm giá mạnh so với đồng USD, trong khi chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp và chứng khoán Trung Quốc giảm điểm, kết thúc chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp trước đó. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,98% xuống 134,01 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 3,41% lên 17.967,41 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,83% xuống 22.344,21 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,49% xuống 1.974,58 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,22% xuống 5.359,415 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,08% xuống 3.192,856 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 14-18/11/2016, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 5,23% và 4,72%, do những thông tin về khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ tìm được giải pháp để cắt giảm sản lượng vào cuối tháng 11/2016. Giá dầu trong phiên giao dịch ngày 18/11:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,27 USD (0,6%) lên 45,69 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,37 USD (0,8%) lên 46,86 USD/thùng.

Châu Âu

Eurozone

Thặng dư thương mại hàng hóa của Eurozone trong tháng 9/2016 đạt 26,5 tỷ EUR, tăng mạnh so với thặng dư 19,2 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2015. Trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 176,7 tỷ EUR, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2015 (173,2 tỷ EUR); nhập khẩu đạt 150,2 tỷ EUR, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2015 (154 tỷ EUR). Lũy kế 9 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của Eurozone đạt 204,8 tỷ EUR, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2015 (169,1 tỷ EUR). (Theo Eurostat ngày 15/11)

Anh

- Trong quý IV/2016, các doanh nghiệp sử dụng lao động ở Anh sẽ đẩy mạnh việc thuê thêm nhân công, tuy nhiên tuyển dụng ròng chậm lại ở mức +22, thấp hơn mức +27 của quý III. Tiền lương thực tế trong năm 2017 có thể giảm do lương cơ bản dự kiến chỉ tăng 1,1% trong quý IV trong khi lạm phát đang gia tăng. (Theo kết quả khảo sát của Viện Phát triển nguồn nhân lực Chartered - CIPD công bố ngày 14/11)

- Có khoảng 1/3 trong tổng số 1.015 lãnh đạo doanh nghiệp tại Anh tham gia khảo sát cho biết đã hoãn hoặc từ bỏ các kế hoạch đầu tư với tổng giá trị là 65,5 tỷ USD sau sự kiện Brexit, do đồng bảng Anh giảm giá mạnh và khả năng nước Anh có thể đứng ngoài thị trường chung châu Âu sau khi nước này chính thức rời khỏi EU. Trong đó có 42% là các doanh nghiệp lớn, 44% doanh nghiệp vừa và 32% doanh nghiệp nhỏ. Công nghệ thông tin và viễn thông là lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp từ bỏ các kế hoạch đầu tư nhiều nhất (41%). (Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, Anh ngày 14/11)

- Anh đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 10 trong Bảng xếp hạng các nước và vùng lãnh thổ có cơ chế thuế thân thiện với doanh nghiệp trong năm 2016,phản ánh kết quả tích cực của chương trình cắt giảm thuế giúp gia tăng sức cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước Anh hiện là nước có môi trường thuế thân thiện với doanh nghiệp nhất trong Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). (Theo Bảng xếp hạng các nước và vùng lãnh thổ có cơ chế thuế thân thiện với doanh nghiệp năm 2016 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Kiểm toán PwC công bố ngày 17/11)

Châu Á

- Ấn Độ: Nhu cầu vàng của Ấn Độ trong năm 2016 sẽ giảm xuống 650-750 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2009 và thấp hơn 858,1 tấn của năm 2015, do giá vàn gvà tình trạng buôn lậu tại Ấn Độ gia tăng, trong khi Chính phủ đang tìm biện pháp để làm minh bạch hóa hoạt động mua bán vàng. (Theo Hội đồng Vàng Thế giới - WGC ngày 08/11)

- Singapore: Thặng dư thương mại của nước này trong tháng 10/2016 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2015 xuống 5,16 tỷ SGD - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016. Trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 9,2%, kim ngạch nhập khẩu giảm 6%. (Văn phòng Thống kê Singapore ngày 17/11)

UAE

Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE đang lên kế hoạch thu hút hơn 70 tỷ USD để đầu tư phát triển công nghiệp vào năm 2025, giúp tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp trong GDP của UAE từ 16% hiện nay lên 25%, để đảm bảo ngành công nghiệp sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của UAE trong tương lai.Sự sụt giảm của giá dầu thế giới tác động không đáng kể đến sự phát triển của UAE, do các lĩnh vực phi dầu mỏ đóng góp 69% GDP của nước này và những tác động tiêu cực của giá dầu giảm đến ngân sách đã được dự báo tốt. (Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE, ông Sultan Bin Saeed Al Mansouri ngày 14/11)

Hoa Kỳ

Trong tháng 10/2016, doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ tăng 0,8% so với tháng trước, cao hơn mức dự báo tăng 0,6%. Trong đó doanh số bán lẻ lõi (loại trừ ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và thực phẩm) tăng 0,8%, cao hơn mức dự báo tăng 0,3% và mức tăng 0,3% của tháng 9 (theo số liệu điều chỉnh). Số liệu tích cực về thị trường bán lẻ cùng với những số liệu khả quan về thị trường lao động và hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ cho thấy, quốc gia này đang lấy lại được đà tăng trưởng sau những tháng đầu năm tăng chậm. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 15/11)

Trong tháng 10/2016, giá nhập khẩu tại Hoa Kỳ tăng 0,5% so với tháng trước - tháng tăng thứ 2 liên tiếp, cao hơn mức dự báo tăng 0,4% và mức tăng 0,2% trong tháng 9, do giá nhập khẩu xăng dầu và phương tiện cơ giới tăng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2015, giá nhập khẩu lại giảm 0,2% - mức giảm thấp nhất kể từ tháng 7/2014, sau khi giảm 1% trong tháng 9. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 15/11)

Trong phiên giao dịch ngày 16/11, chỉ số USD ICE, theo dõi giá trị của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK và CHF), tăng lên 100,57 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4/2003; chỉ số USD của Wall Street Journal, theo dõi giá trị của đồng USD với 16 đồng tiền khác, tăng lên 90,9 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 02/2016, do lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ tăng đã đẩy giá trị đồng USD tăng cao so với các đồng tiền khác. (Theo Wall Street Journal ngày 16/11)

Trung Quốc

Tổng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc trong năm 2015 đạt 1.420 tỷ NDT (tương đương 208,38 tỷ USD), tăng 8,9% so với năm 2014, chiếm 2,07% GDP năm 2015, cao hơn mức đóng góp 2,02% GDP của năm 2014. Đây là năm thứ ba liên tiếp tổng đầu tư vào hoạt động R&D vượt ngưỡng 2% GDP. Các công ty Trung Quốc đóng góp lớn nhất cho hoạt động R&D gồm: Các doanh nghiệp thuộc khu vực chế tạo, máy tính và truyền thông, chi 1.090 tỷ NDT, tăng 8,2% so với năm 2014 và chiếm 76,8% tổng vốn đầu tư cho R&D; đầu tư cho R&D từ các viện nghiên cứu thuộc Chính phủ tăng 10,9% lên 213,65 tỷ NDT, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư cho R&D; các trường đại học đầu tư 99,86 tỷ NDT, tăng hơn 10% so với năm 2014. (Theo Cục Thống kê Quốc gia - NBS, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 14/11)

Trong tháng 10/2016, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp có doanh thu từ 20 triệu NDT/năm trở lên tại Trung Quốc tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015; tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội đạt 3,1 nghìn tỷ NDT. Lũy kế 10 tháng đầu năm, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc đạt 484 nghìn tỷ NDT, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong quý IV/2016 và có triển vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 là 6,5-7%. (Theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc ngày 14/11)

Trong phiên giao dịch ngày 16/11 tại Thượng Hải, đồng NDT giảm giá 0,19% xuống còn 6,8694 NDT/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008, sau khi Standard Chartered Plc là ngân hàng quốc tế thứ 5 hạ mức dự báo giá trị đồng NDT xuống 6,9 NDT/USD vào cuối năm 2016, so với mức 6,75 NDT/USD dự báo trước đó. Trước đó, HSBC Holdings Plc, UBS Group AG, Australia & New Zealand Banking Group Ltd và Royal Bank of Scotland Group Plc đều hạ mức dự báo đối với giá trị của đồng NDT, với nhận định đồng tiền này sẽ tiếp tục giảm giá so với đồng USD. (Theo Bloomberg)

Ai Cập

Ngày 11/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chính thức thông qua khoản cho vay trị giá 12 tỷ USD trong thời hạn 3 năm cho Ai Cập để giúp nước này phục hồi nền kinh tế đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Theo đó, IMF sẽ giải ngân ngay khoản tiền 2,75 tỷ USD cho Ai Cập, số tiền còn lại (9,25 tỷ USD) sẽ được chuyển sau và phụ thuộc vào tình hình cải thiện kinh tế cũng như tiến trình thực hiện cải cách của nước này. Ngân hàng Trung ương Ai Cập (BCE) khẳng định, khoản vay từ IMF sẽ giúp tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên 23,5 tỷ USD. Cuối tháng 10/2016, dự trữ ngoại hối ròng của Ai Cập đã giảm xuống 19,04 tỷ USD.

Đàm phán - Ký kết

Trung Mỹ và Hàn Quốc

Ngày 16/11, các quốc gia Trung Mỹ (gồm Nicaragua, Costa Rica, El Salvador, Honduras, Guatemala, Panama) và Hàn Quốc đã thông qua Hiệp định thương mại tự do (FTA) chung, theo đó sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 95% hàng hóa xuất khẩu của hai bên. Các mặt hàng xuất khẩu chính của các quốc gia Trung Mỹ như cà phê, đường và trái cây vào thị trường Hàn Quốc sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% và thuế đối với các sản phẩm khác như thịt bò và thịt lợn sẽ giảm về 0% theo lộ trình 19 năm. Thỏa thuận trên giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đạt được FTA với nhóm 6 nước Trung Mỹ nhằm giành lợi thế trong các thị trường ô tô và sắt thép trước các đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc và Nhật Bản. (Theo TTXVN)